Nguồn nước

BẮC PHONG 30/06/2015 13:42

Trong khi cái nóng như thiêu như đốt nhiều vùng trên cả nước, đặc biệt dữ dội với miền Trung; từ đó nguồn nước trở nên thiếu hụt, nhiều nơi rơi vào tình cảnh hạn hán, cả người, cây trồng, vật nuôi đều thiếu nước- thì một vấn đề khác không kém phần nghiêm trọng cũng cần phải được đặt ra, đó là ô nhiễm nguồn nước. Câu chuyện không mới, nói như giới chuyên gia môi trường thì thật là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng vẫn cứ phải nói vì không ít người coi đó là chuyện vặt, không biết rằng tác hại

Nguồn nước với người dân buôn Sut H’luôt (Đăk Lăk) (nguồn: DAKLAK ONLINE)

Câu chuyện mới đây một “làng chì” ở Bắc Bộ có quá nhiều người bị bệnh tật do nguồn nước ô nhiễm thêm một lần nữa dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh, không chỉ với các làng nghề mà cả với khu vực nông thôn, đô thị. Với 13 hộ làm nghề tái chế chì cũng đã đủ gây họa về nguồn nước cho cả làng. Thật đáng lo ngại khi cơ quan y tế kết luận có tới 66% trẻ em trong làng bị nhiễm độc chì chỉ là do nguồn nước đã bị ô nhiễm.

Đáng chú ý, sau khi khảo sát ở 22 tỉnh/thành trong cả nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra danh sách 10 ngôi làng có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất, bao gồm: Làng Thống Nhất, làng Lũng Vị (Hà Nội), làng Mẫn Xá (Bắc Ninh), làng Thổ Vị (Thanh Hóa), làng Yên Lão (Hà Nam), làng Cờ Đỏ (Nghệ An), làng An Lộc (Hà Tĩnh), làng Phước Thiện (Quảng Ngãi), làng Xuân Vinh (Bình Định), làng Mê Pu (Bình Thuận). Đó là những ngôi làng được cơ quan chức năng nêu tên, còn thì không biết bao nhiêu nơi nữa mà nguồn nước bị ô nhiễm. Cũng có thể những nơi đó chưa lọt vào “top 10” nhưng không phải vì thế mà kém phần nghiêm trọng.

Việc ô nhiễm nguồn nước (cả nguồn nước mặt lẫn nguồn nước ngầm) được cho là do sự bùng nổ dân số cùng với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa quá nhanh tạo ra một sức ép lên môi trường. Tại các đô thị lớn, việc các khu công nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường đã gây ra sự ô nhiễm lớn. Để “tiết kiệm”, người ta đã không bỏ tiền ra để xây dựng hệ thống xả thải, mà tống hết ra sông hồ, để cộng đồng tự gánh chịu. Nguy hại không kém là việc xả thải của các lò mổ, khiến cho nguồn nước mặt trở nên hôi thối, trở thành “ổ bệnh” tồn tại ngay trong cộng đồng. Chính vì thế mà các bệnh như viêm màng kết, tiêu chảy, ung thư ngày càng tăng.

Với khu vực nông thôn, các làng nghề trở thành “điểm nóng” đầu tiên khi nói đến nạn ô nhiễm nước. Còn nhìn chung, hiện có tới hơn 70% người dân sống tại khu vực nông thôn, cũng có nghĩa là vài chục triệu người phải đối diện với nguồn nước không còn được “lành” như trước. Nguyên nhân chính là từ việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó tồn dư hóa chất độc hại đã lan ra theo dòng nước. Chí ít thì cũng làm biến mất nhiều loại sinh vật, kể cả những loài rất thông thường như tôm, cá, cua… cũng hao hụt. Ngay đến “dai như đỉa” thì loài này cũng đành chịu chết. Con rắn nước vốn có thể “cải lão hoàn đồng” bằng cách tự lột da “làm mới mình” thì nay cũng không còn nhiều trên các cánh đồng, ao làng.

Cơ quan y tế cảnh báo rằng, khi sử dụng nước nhiễm asen để ăn uống, con người có thể mắc bệnh ung thư, mà thường gặp là ung thư da. Asen còn gây nhiễm độc hệ thống tuần hoàn khi hàm lượng asen 0,1mg/lít. Người nhiễm chì lâu ngày có thể mắc bệnh thận, thần kinh; nhiễm Amoni, Nitrat, Nitrit gây mắc bệnh xanh da, thiếu máu, có thể gây ung thư; Nhiễm Natri gây bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch, lưu huỳnh gây bệnh về đường tiêu hoá; Kali, Cadimi gây bệnh thoái hoá cột sống, đau lưng. Hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng, diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo quản thực phẩm, phốt pho... gây ngộ độc, viêm gan, nôn mửa; Kim loại nặng như Titan, sắt, chì, thuỷ ngân, kẽm… khi gây ô nhiễm nguồn nước sẽ khiến con người đau thần kinh, thận, hệ bài tiết, viêm xương và thiếu máu.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được điều đó khiến tình hình trở nên phúc tạp, gây ra hậu quả lâu dài.

Nhưng, dù đưa ra nguyên nhân nào đi chăng nữa thì nguyên nhân chính vẫn là ý thức con người. Cả nguồn nước mặt lẫn nguồn nước ngầm không thể tự nhiên mà ô nhiễm, mà là do con người đã đầu độc nó. Chỉ muốn tiện lợi cho mình, cơ sở sản xuất của mình mà bất chấp việc gây hại cho cộng đồng, đó là điều cần phải được chỉ ra. Gần đây, các cơ quan bảo vệ môi trường đã vào cuộc khá mạnh mẽ, nhưng cũng không xuể. Bởi vì từ trong ý thức người ta vẫn chưa thay đổi.

Nước không phải là của Trời cho, càng ngày câu chuyện về nước càng nóng bỏng hơn, không chỉ với Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu. Nguồn nước bị giảm, bị ô nhiễm, đó là điều hiển hiện. Chính vì thế, việc bảo vệ nguồn nước phải được nhìn nhận một cách thật sự nghiêm túc, trong đó nổi bật là việc xử lý nghiêm những cơ sở, cá nhân gây ô nhiễm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguồn nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO