Nguồn nước

MỸ HIỀN (Nguồn tham khảo: Sciencealert) 04/07/2015 19:00

Tối quan trọng với đời sống con người cũng như vạn vật - đó là nước. Vốn dĩ nước trên hành tinh rất nhiều, nhưng cũng không phải vì thế mà vô hạn. Lượng nước ngọt phục vụ sinh hoạt ngày càng ít dần và từ đó những cuộc xung đột nguồn nước đã diễn ra và những lời kêu gọi bảo vệ nguồn nước vang lên ngày càng khẩn thiết.

Người xưa thường chọn những nơi nguồn nước dồi dào để lập làng, lập phố. Men theo những dòng sông là những ngôi làng mạc trù phú, những đô thị giàu có. Còn trên núi cao, người dân cũng lập làng bản dọc theo những dòng suối. Nước trở thành nguồn sống và một trong những cơ sở quan trọng để loài người phát triển.

Tuy nhiên, gần đây thế giới đã chứng kiến tình trạng suy kiệt nước trầm trọng của hạ lưu các hồ và trên các hệ thống sông. Vấn đề đó đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Hai nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là đặc trưng khí hậu, điều kiện thủy văn, tác động của biến đổi môi trường toàn cầu; và thứ hai là do sự khai thác quá mức, sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm nguồn nước của chính con người. Nước sạch ngày càng trở nên khan hiếm.
Ngược dòng lịch sử, để có đủ nước sinh hoạt giữa sa mạc, người Ai Cập cổ đại đã nghĩ ra phương pháp lọc nước rất đặc biệt. Đó là cách người ta sử dụng loại hạt cây có tên Moringa Oleifera để làm sạch nước. Loại cây này là loài cây hạt kín có nguồn gốc từ chân núi phía nam của dãy Himalaya, chúng phát triển nhanh và có thể chịu được khô hạn, được trồng rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt. Người ta đã lấy hạt của nó, chiết xuất thành dầu để làm sạch nước. Khi thả vào nước, chúng như thể một thỏi nam châm hút các chất bẩn tụ lại với nhau và trở thành các hạt không tan, có thể gạn lọc để loại bỏ. Đáng chú ý, cả vi khuẩn cũng sẽ bị hấp thụ như các chất bẩn.

Bể lọc đơn giản để lọc nước sau bão lũ

Theo bước người xưa, vào năm 2013, các nhà khoa học Israel đã phát triển một công nghệ mới dựa trên năng lượng mặt trời để chưng cất nước sạch. Người ta đã lấy mẫu nước từ sa mạc gần Biển Chết - nơi mà nguồn nước đang ngày càng bị ô nhiễm và nhiễm mặn, rồi chưng cất chúng thành nước có thể uống được. Theo Tiến sĩ Ronald Silver thì sáng chế này mang tính cách mạng, có thể làm thay đổi thế giới do công nghệ này có thể tạo ra khối lượng nước tinh khiết mà các hệ thống khác chưa bao giờ đạt được.
Nói như Giáo sư Avner Adin- chuyên gia công nghệ về nước tại Đại học Hebrew Jerusalem thì điều quan trọng là hệ thống này có thể dùng được ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, ở những ngôi làng nhỏ của các nước đang phát triển, có thể dùng cho sản xuất nông nghiệp ở những nơi không có nước sạch.
Sau mỗi trận bão, vấn đề ô nhiễm nguồn nước luôn đe dọa cộng đồng. Chính vì thế, tìm cách làm sạch nước là rất quan trọng. Người ta đã tổng kết thành “bí kíp” xử lý nguồn nước ô nhiễm sau bão lụt gồm các yếu tố:
- Đun sôi nước là biện pháp hữu hiệu nhất để diệt vi khuẩn. Lưu ý rằng, hãy để nước sôi già trong khoảng thời gian 5 phút, khi đó nhiệt độ sẽ tiêu diệt được nhiều hơn các loại vi khuẩn có trong nước.
- Sử dụng các loại viên nén lọc nước hay chất hóa học làm sạch nước. Nhỏ vài giọt i-ốt vào nước nhiễm bẩn, chờ khoảng 20 phút là đã có thể sử dụng nước uống đó. Nước bẩn cũng có thể được làm sạch bằng phèn chua (20g cho 1m3 nước) và một lớp cát sạn có tác dụng như một màng lọc nước ban đầu.
- Dùng những vật dụng xung quanh để lọc nước. Ví dụ như vải xô hay các màng lọc tự nhiên, tất nhiên cách lọc này không diệt được vi khuẩn trong nước.

Một hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt

Liên quan đến vấn đề giải quyết nạn thiếu nước ngọt, gần đây nhiều công nghệ biến nước mặn (nước biển) thành nước ngọt được nhân loại chú ý. Hiện thế giới có khoảng 12.000 nhà máy khử mặn đang vận hành, sản xuất 10 tỷ galon nước (1 gallon = 4,54l) mỗi ngày. Cho tới nay, sản lượng nước mặn được khử để trở thành nước ngọt đã đạt 94 triệu m3/ngày.
Vào năm ngoái, do hạn hán kéo dài và sự cạn kiệt nguồn nước, đã khiến California (Mỹ) buộc phải tăng cường việc chuyển đổi nước biển mặn thành nước ngọt. Người ta bỏ ra hàng trăm triệu đô-la để áp dụng công nghệ khử muối. Mới nhất, ở Carlsbad (California), dự án 1 tỉ USD đang hoàn thành để có thể lọc 50 triệu lít nước ngọt mỗi ngày và cung cấp cho hệ thống nước phục vụ 3,1 triệu dân.

Người Israel áp dụng nhiều công nghệ để lọc nước thành công

Điều cuối cùng có thể nói là làm gì trước nạn sa mạc hóa, hoang mạc hóa đang diễn ra ngày một gay gắt trên toàn cầu? Nguyên nhân chính vẫn là do thiếu nước ngọt. Vậy, tìm đâu ra nước ở vùng khô cháy ấy khi mà lượng mưa hàng năm không tới 10mm. Người ta đã từng đào những con kênh dài hàng trăm cây số băng ngang hoang mạc, dẫn nước từ nơi khác đến. Nhưng điều đó là rất tốn kém và cũng làm cạn kiệt nguồn nước của sông mẹ. Sau nhiều tìm tòi, người ta phát hiện ra rằng việc lấy nước ngầm từ chính sa mạc là giải pháp hay hơn cả, nó được ví như tìm dầu mỏ ngoài đại dương. Có nghĩa là họ khoan những mũi khoan sâu hàng cây số, chọc thủng những túi nước rồi hút lên, tưới tắm cho vùng đất cằn cỗi. Tất nhiên giải pháp này cũng rất tốn kém, nhưng nó mang tính bền vững, cải tạo đất. Tới nay, một số quốc gia đã áp dụng phương pháp này, đi đầu là Israel.
Như vậy, tia hy vọng đã lóe lên khi mà nguồn nước ngọt đang dần khan hiếm, kéo theo nhiều vấn dề dân sinh khó giải quyết. Tuy nhiên, nói như giới chuyên gia thì để áp dụng công nghệ này một cách rộng rãi cần phải có thời gian và sự quyết tâm của các chính phủ, vì nó khá tốn kém.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguồn nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO