Nguồn vốn giúp đồng bào thoát nghèo

Ngọc Diệp 19/07/2017 08:00

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đã và đang tiếp sức giúp các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn ở nhiều địa phương thoát nghèo. Có vốn nhiều hộ nghèo đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, phát huy hiệu quả nguồn vốn, không những thoát nghèo mà còn trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi.

Nhờ có nguồn vốn chính sách nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, chăn nuôi để thoát nghèo.

Những năm trước, gia đình ông Nông Văn Hùng, dân tộc Nùng ở xã Đồng Tiến (huyện Yên Thế - Bắc Giang) luôn phải sống trong cảnh nghèo khó. Nhiều lúc ông cũng muốn mở rộng chăn nuôi, sản xuất nhưng hiềm một nỗi cái khó bó cái khôn, không có vốn, nhìn quanh họ hàng anh em ai cũng khó khăn nên không thể giúp đỡ được.

Chỉ đến khi tiếp cận được nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cuộc sống của gia đình ông mới bắt đầu thay đổi. Từ 30 triệu đồng tiền vốn vay, ông mua giống gà, thức ăn chăn nuôi và cải tạo đất trồng rừng. Chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, cách chăm sóc, đàn gà nhà ông lớn rất nhanh, không bị dịch bệnh. Bình quân mỗi năm ông Hùng bán hơn 2 nghìn con gà, thu lãi hơn chục triệu đồng. Số nợ ngân hàng cũng chẳng mấy chốc mà chả được.

Được biết, xã Đồng Tiến có 80 gia đình được vay hơn 2 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, qua đó người nghèo có điều kiện đầu tư làm vườn, trồng rừng, chăn nuôi, khai thác hiệu quả diện tích đất đai. Người vay vốn mở rộng sản xuất, chăn nuôi, người lại đầu tư trồng keo như chị Trương Thị Sinh (dân tộc Tày), bản Trại Nấm vay 30 triệu đồng để trồng gần 2 ha keo lai. Sau gần 5 năm áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăm sóc, diện tích này bắt đầu thu hoạch, doanh thu gần 70 triệu đồng/ha.


Còn tại xã Đác Som, huyện Đác Glong, Đắc Nông bà con dân tộc Mạ ở bon B’Dơng vẫn nhắc đến ông K’Sớ như một tấm gương điển hình trong vượt khó, làm kinh tế giỏi từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Trước đây do không có vốn, không nắm được khoa học, kỹ thuật nên mặc dù có đất, trồng được cà-phê nhưng gia đình ông vẫn nghèo đói, con cái không được đến trường.

Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả, ông mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách-xã hội để mua bò. Chăm chỉ, tích cực học hỏi kinh nghiệm, từ hai con bò cái, đến nay gia đình ông đã phát triển đàn lên hơn 50 con.

Ngoài ra, tận dụng nguồn phân bò sẵn có, ông đầu tư cho 3,5 ha cà-phê. Hiện, tổng thu nhập từ 3,5ha cà-phê, chăn nuôi bò mỗi năm hơn 600 triệu đồng. Khi đã có của ăn của để, ông K’Sớ luôn mong muốn giúp đỡ những hộ khó khăn hơn mình, ông tặng bò giống cho hộ nghèo, bán hỗ trợ 50% số bò giống cho hộ cận nghèo, giúp các hộ về kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh…Cứ ai cần tìm đến là ông chỉ bảo nhiệt tình.

Đến nay, ông đã giúp hai hộ trong bon thoát nghèo và được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bon. Nhận trách nhiệm mới, ông luôn tâm niệm phải hết sức mình để ngày càng nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Không chỉ huyện Đăc Glong mà tại huyện biên giới Tuy Đức, nguồn vốn vay ưu đãi cũng đã giúp cho hàng nghìn hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn thoát nghèo. Toàn huyện có hơn 3.700 hộ nghèo, trong đó có 3.387 hộ được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế với dư nợ hơn 95 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, góp phần giảm hộ nghèo của toàn huyện.

Người nghèo thiếu và cần hỗ trợ nhiều thứ, nhưng chính sách hiệu quả nhất giúp giảm nghèo bền vững là cho các đối tượng này vay vốn ưu đãi. Cùng với đó chính quyền và các cơ quan chức năng cũng luôn giám sát, đôn đốc người nghèo sử dụng hiệu quả đồng vốn bằng cách chú trọng công tác đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho người dân…., giúp họ không những thoát nghèo mà còn trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguồn vốn giúp đồng bào thoát nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO