Nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện

Đức Trân 26/03/2020 06:57

Trong số các ca bệnh mới được công bố nhiễm Covid-19, ca bệnh thứ 133 là bệnh nhân nữ, từng đến điều trị nhiều tuần tại BV Bạch Mai. Vụ việc này cảnh báo nguy cơ rất lớn lây nhiễm chéo tại bệnh viện.

Nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện

Khu cách ly tại BV Bạch Mai.

Lo ngại về nguy cơ “kép”

Cụ thể, Bệnh nhân số 133 là nữ, 66 tuổi, sinh sống tại phường Tân Phong, TP Lai Châu. Ngày 29/2, bệnh nhân nghi bị tai biến mạch máu não và được đưa vào BV Đa khoa tỉnh Lai Châu, cùng ngày bệnh nhân được chuyển về BV Bạch Mai (Hà Nội). Tại đây, bệnh nhân được đưa vào điều trị tại phòng tự nguyện ở giường số 30, Khoa Cấp cứu thần kinh (BV Bạch Mai).

Sau khoảng 3 tuần điều trị tại đây, đến ngày 22/3, bệnh nhân được xe cứu thương của BV Bạch Mai chuyển thẳng đến BV Đa khoa tỉnh vào hồi 21h23 cùng ngày. Ngày 23/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu tiếp nhận thông tin từ BV Đa khoa tỉnh nghi ngờ người bệnh có yếu tố dịch tễ, đã cử cán bộ đến điều tra, lấy mẫu xét nghiệm.

Đến 17h ngày 24/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp nhận thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, xác định kết quả bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Trước đó, ngày 20/3, Bộ Y tế xác nhận 2 nữ điều dưỡng ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc BV Bạch Mai mắc Covid-19 là bệnh nhân số 86 và 87. BV Bạch Mai đã lập danh sách những người tiếp xúc gần với hai ca bệnh này để theo dõi sức khỏe. Trong số này, con gái nữ bệnh nhân 86 là bệnh nhân số 107 (25 tuổi, ở quận Thanh Xuân) đã được phát hiện mắc Covid-19.

Hiện toàn bộ 150 cán bộ, nhân viên của Trung tâm Bệnh nhiệt đới đang được cách ly. Số bệnh nhân điều trị nội trú tại đây được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới trung ương. BV Bạch Mai cũng đã tạm dừng hoạt động khám theo yêu cầu và tái khám tại các khoa để tránh tập trung đông người tại khu vực điều trị nội trú.

Hiện đang có những lo ngại về nguy cơ “kép” từ BV Bạch Mai nói riêng và các BV nói chung, bởi tại các cơ sở y tế ngoài bệnh nhân còn có rất đông người nhà và người dân ra vào, tập trung.

Nhiều giải pháp được đưa ra

Mặc dù vậy, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội chia sẻ, BV tuy có nguy cơ cao trong dịch bệnh nhưng đã được tổ chức chặt chẽ và khoa học nhất để phòng ngừa lây lan virus.

“Với việc phân luồng và giám sát chặt chẽ, những người phải tái khám nếu được trang bị kiến thức dự phòng đúng mà các phương tiện truyền thông đã hướng dẫn rất rõ ràng thì nguy cơ lây nhiễm cũng ở mức thấp. Những người quá lo lắng hay có nguy cơ cao lây nhiễm nếu không thể đến bệnh viện thì nên sử dụng các đường dây chăm sóc khách hàng để tư vấn việc duy trì điều trị. Các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường…, theo đơn của bác sĩ phải uống đúng liều, đúng cữ, tuyệt đối không được dừng đột ngột vì sẽ gây hậu quả khôn lường” - PGS Nguyễn Lân Hiếu khuyến cáo.

Còn GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương cho biết, BV đã bổ sung nhiều điểm sàng lọc tại các vị trí, khu vực cách ly đã sẵn sàng ứng phó nếu có trường hợp nghi ngờ và tiếp tục triển khai chặt chẽ nhiều phương án để ngăn ngừa dịch bệnh.

Các chốt sàng lọc dịch bệnh ban đầu đều chuẩn bị dung dịch sát khuẩn tay và khẩu trang, có nhân viên hướng dẫn và phát cho những người chưa đeo khẩu trang. Những trường hợp nghi ngờ sẽ được phân luồng đến khu vực cách ly để thăm khám. Người đã sàng lọc sẽ được đóng dấu vào tay ở vị trí dễ nhận thấy, giúp nhân viên y tế và bảo vệ có thể kiểm tra, theo dõi.

Người dân bình tĩnh, hiểu đúng, đủ

Trước những lo lắng, băn khoăn về nguy cơ lây nhiễm chéo trong BV, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: Hiện đã có những thay đổi về nguồn bệnh. Việt Nam ghi nhận 3 cán bộ y tế mắc Covid-19, trong đó có 1 ca lây nhiễm chéo trong quá trình trực tiếp điều trị cho người bệnh tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Việc các nhân viên y tế tiếp xúc, theo dõi, điều trị là ở tuyến đầu nên việc bị lây nhiễm là điều đã được dự tính trước.

“Chúng tôi khuyến cáo tất cả các đồng nghiệp khi làm các thao tác thủ thuật gần với đường thở của người bệnh thì rất dễ nhiễm, phải chủ động hơn trong ngăn chặn nhiễm bệnh bằng việc sử dụng đồ bảo hộ. Bộ Y tế luôn cung cấp những đồ bảo hộ chất lượng tốt nhất cho cơ sở thu dung, điều trị cho bệnh nhân” –Thứ trưởng Sơn cho biết.

Đồng thời, ông Sơn cũng lưu ý, các nhân viên y tế làm việc ở các khoa khám, chữa bệnh cho người mắc Covid-19 phải có chế độ cách ly sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Với diễn biến của dịch như hiện nay, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, hiểu đúng, đủ, cơ chế lây nhiễm của bệnh, phối hợp và tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của các cơ quan y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO