Nguy cơ mất mùa vải thiều Lục Ngạn

Văn Hùng 09/03/2017 16:05

Theo UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, vụ sản xuất vải thiều năm 2017 của huyện có tổng diện tích dự kiến 16.300 ha; trong đó, vải chính vụ khoảng 14.543 ha, vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 10.700 ha.

Thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây vải.

Diến biến thời tiết bất thường

Đến thời điểm này, do thời tiết diễn biến bất thường, nhiệt độ trong mùa đông cao hơn những năm trước và ít có rét kéo dài nên đã ảnh hưởng đến việc sinh trưởng, phát triển của cây vải thiều. Hiện trên diện tích vải chính vụ của toàn huyện đạt tỷ lệ ra hoa là rất thấp. Nguy cơ mất mùa, thất thu vụ vải thiều năm nay hiển hiện trước mắt những người trồng vải thiều ở vùng vải lớn nhất của cả nước.

Xã Trù Hựu nằm cạnh thị trấn Chũ - trung tâm của huyện Lục Ngạn có trên 2.000 hộ dân thì gần như toàn bộ đều trồng vải thiều. Ông Vũ Đức Tâm ở thôn Hải Yên, một hộ trồng vải có sản lượng lớn hàng năm của xã Trù Hựu với “thâm niên” trồng cây vải thiều từ khoảng 30 năm nay nói, hiện vườn vải nhà ông có diện tích gần 1 ha, ngoài ra còn trồng các cây ăn quả khác như bưởi, táo... Ông Vũ Đức Tâm cho biết: Do năm nay thời tiết ấm nên vụ sản xuất vải thiều của gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Hiện toàn bộ diện tích vải thiều của gia đình ông ra lộc. Với cây vải thiều, vào thời điểm ra hoa nó lại ra cả lộc là hỏng, gia đình coi như là năm nay sản lượng không đạt yêu cầu so với năm 2016.

Gia đình ông cũng đã sử dụng nhiều biện pháp để cho nó ra hoa như phun kích hoa, ủ mầm hoa, nhưng đến nay (cuối tháng Giêng năm Đinh Dậu) khả năng là sẽ không có hoa. Toàn bộ diện tích vải thiều của gia đình ông đến giờ ước chỉ đạt khoảng 20% số cây là ra hoa, nhưng trong hoa lại lẫn lộc.

Ông Tâm cho biết thêm, nếu thời tiết tiếp tục ấm, gia đình ông sẽ phải tiếp tục cắt tỉa lá lộc đi, tỉa bớt đi những cành vải thiều không ra được hoa nữa, bởi vì cây vải thiều để lá lộc nhiều quá thì sau này chăm bón không được tốt, quả sẽ xấu và giá bán sẽ kém. Gia đình ông cũng hy vọng trong đợt lạnh cuối tháng 2-2017 này một số cành vải chưa ra hoa sẽ ra hoa; nhưng nhiều khả năng không ra hoa nữa, bởi vì cây vải thiều thường cho ra hoa trước lập Xuân khoảng 15 – 20 ngày, nếu sau thời điểm lập Xuân khoảng 20 ngày mà không ra hoa thì cơ bản là không ra hoa nữa, sẽ chỉ phát lộc mà thôi.

Đúng ra như mọi năm thời gian ủ hoa phải 45 ngày rét kéo dài liên tục thì cây vải thiều mới ra được hoa, năm nay thì cứ rét đều đều, nhiệt độ không xuống quá thấp nên không ra được hoa. Mong muốn của gia đình được chuyển giao khoa học kỹ thuật để làm thế nào cây vải thiều không cần nhiệt độ xuống thấp như những năm trước vẫn có thể xử lý được để cho vải thiều ra hoa...

Lo mất mùa

Ông Nguyễn Văn Trọng – Cán bộ khuyến nông xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn cho biết, diện tích trồng cây vải thiều của xã Trù Hựu là 430 ha; trong đó có 70 ha là vải sớm, còn lại là vải chính vụ. Đến thời điểm này, theo đánh giá của chúng tôi, năm nay sẽ là một năm mất mùa vải thiều của huyện Lục Ngạn và của xã Trù Hựu. Bởi đến thời điểm này, vải thiều chủ yếu là những cây đã ra lộc, còn tỷ lệ mà hiện nay đã ra hoa chỉ khoảng 20% trên tổng diện tích. Còn lại số chưa ra hoa theo đánh giá của người dân trồng vải thì sẽ không ra hoa được nữa bởi vì đối với cây vải thiều một điều rất là căn bản là nó phải có khoảng 200 – 300 giờ lạnh liên tục dưới 15 độ C thì mới ra hoa được, điều đó nhiều năm nay vẫn đạt được nhưng riêng năm nay thì lại không có.

Theo đánh giá của các hộ dân, hiện nay lượng vải ra hoa chỉ đạt 20%, tuy nhiên trên diện tích những cây đã ra hoa thì lại kèm theo lộc rất nhiều. Đối với cây khác, ví dụ như cây nhãn hay một số dòng cây có múi thì vừa ra lộc vừa ra hoa rất là tốt, tuy nhiên đối với cây vải thiều thì đến thời điểm vụ đông không có thời gian lạnh để phân hóa mầm hoa mà đến xuân ấm lên, người dân gọi là “kẹt lộc”, lộc này sẽ phát triển mạnh hơn và làm teo hoa. Năm 2016 sản lượng vải thiều bình quân của xã Trù Hựu là 10 tấn/ha thì năm nay chỉ đạt được 2 tấn/ha cũng là một vấn đề khó khăn, do đó xác định đây là một năm mất mùa lớn tại xã Trù Hựu nói riêng và huyện Lục Ngạn nói chung.

Vụ vải thiều năm 2016, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đạt sản lượng vải thiều khoảng 91.508 tấn, giá bán bình quân đạt 22.000 đồng/kg quả tươi, tổng giá trị sản xuất vải thiều đạt 2.013 tỷ đồng. Vụ vải năm 2016, vải thiều Lục Ngạn đã được tiêu thụ nội địa khoảng 43.400 tấn và xuất khẩu khoảng 48.108 tấn sang các nước Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Australia, Anh, Malaysia....

Nỗ lực khắc phục

Đối với huyện Lục Ngạn, cây vải thiều vẫn là một cây trồng mũi nhọn, thế nhưng năm nay mất mùa như thế này. Hiện nay, người dân địa phương cũng đã dùng các biện pháp từ khoanh cành, cuốc lật đất, cuốc rễ rồi xử lý các loại thuốc... tuy nhiên việc vải thiều ra vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ thời tiết...

Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, ngay sau vụ thu hoạch vải thiều 2016, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung hướng dẫn bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để chăm sóc vải thiều ngay sau vụ thu hoạch, để chuẩn bị cho đợt quả năm 2017. Các đợt lộc đã ra được 3 đợt lộc. Tình hình sinh trưởng, cây rất khỏe, có thể thuận lợi cho vụ vải thắng lợi. Tuy nhiên, vụ Đông năm 2016 - 2017 này có sự bất thuận về thời tiết. Đặc thù của cây vải là yêu cầu một mùa khô lạnh, nhiệt độ bình quân của các đợt rét sâu phải khoảng dưới 13 độ C và kéo dài trong khoảng nửa tháng. Tuy nhiên, mùa đông năm nay nhiệt độ trung bình cao hơn so với hàng năm khoảng 1,8 - 2 độ C; đặc biệt là không có các giai đoạn rét sâu nên đã ảnh hưởng đến phân hóa mầm hoa của cây vải thiều.

Nỗ lực chăm sóc cây vải.

Để cho vụ vải này thắng lợi, tỷ lệ vải ra hoa, đậu quả đạt cao, trước tình hình diễn biến thời tiết này lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chức năng như Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông của huyện tập trung ngay từ trong Tết Âm lịch xuống bám địa bàn để hướng dẫn bà con nhân dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật như sử dụng các chế phẩm để ủ mầm hoa, diệt lộc, các biện pháp về cơ học, lý học, các biện pháp về tưới nhử để tạo điều kiện cho cây phân hóa mầm hoa.

Hiện nay, diện tích cây vải thiều Lục Ngạn đang chờ đợi để ra hoa là tương đối lớn, hy vọng đợt rét sâu này kéo dài đến cuối tháng sẽ làm phân hóa mầm hoa và tỷ lệ ra hoa trên cây vải thiều đáp ứng được yêu cầu. Ngay từ trong Tết Âm lịch, lãnh đạo huyện đã phối hợp với Cục Trồng trọt, Viện Rau quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh bám địa bàn, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi cho vải ra hoa. Đồng thời, phối hợp với Viện Rau quả để thực hiện các dự án, mô hình nghiên cứu, ứng phó với biến đổi khí hậu, để trong thời gian tới vẫn giữ được vùng vải này...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ mất mùa vải thiều Lục Ngạn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO