Nguy cơ nhập siêu cao trở lại

Minh Phương Ảnh: Hoàng Long 11/09/2015 08:15

Theo nhận định của Bộ Công thương, thời gian qua, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT có tác động ít nhiều đến một số ngành xuất khẩu, nhưng các ngành như dệt may, da giày thì chưa thấy ảnh hưởng, thậm chí các DN thuộc ngành này còn đang có lợi khi đồng NDT của Trung Quốc giảm giá. Do đó, thời điểm này, nhiều DN đang nhập nguyên liệu giá rẻ khiến tình trạng nhập siêu tăng cao trở lại.

Nguy cơ nhập siêu cao trở lại

Dệt may và da giày là hai ngành nhập khẩu
nguyên liệu từ Trung Quốc tương đối cao.

“Nhập siêu của Việt Nam là do cấu trúc kinh tế lệch lạc, quá chú trọng vào công nghiệp chế biến - nơi mà hầu hết là gia công, lắp ráp. Ngoài ra, việc nền kinh tế hầu như không có sản phẩm hỗ trợ nên nếu muốn sản xuất thì phải nhập nguyên vật liệu và máy móc thiết bị. Các sản phẩm mang mác nhãn Việt Nam nhưng cấu thành lên nó hầu hết từ nước ngoài, phần của Việt Nam chỉ là sức lao động kết tinh trong đó” - Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh.

M.Duy

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2015 ước đạt 216,2 tỷ USD, trong đó, nhập khẩu tới 109,9 tỷ USD, tăng 16,4%.

Như vậy, trong tháng 8/2015, cả nước đã nhập siêu 100 triệu USD, nâng mức thâm hụt thương mại tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2015 lên khoảng 3,3 tỷ USD. Mức nhập siêu vẫn hoàn toàn thuộc về khu vực kinh tế trong nước với con số đang tăng đáng kể qua các tháng.

Các mặt hàng Việt Nam nhập nhiều nhất vẫn là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khá, giá trị nhập khẩu ước đạt 1,1 tỷ USD; Điện thoại các loại và linh kiện đạt 408 triệu USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt gần 1 tỷ USD; Sắt thép và các sản phẩm từ sắt thép đạt 614 triệu USD; Thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt gần 240 triệu USD, nguyên liệu dệt may, da giày.. .

Trong đó, dệt may, da giày vẫn là hai ngành nằm trong danh sách các ngành kinh tế nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc tương đối cao.

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, trong 7 tháng năm 2015, nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày nhập khẩu vào nước ta trong tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014, trị giá trên 2,97 tỷ USD. Trong đó riêng tháng 7/2015 nhập khẩu 471 triệu USD, tăng 8,09% so với tháng 6/2015 và tăng 8,96% so với tháng 7/2014.

Riêng thị trường Trung Quốc, 7 tháng đầu năm, chúng ta nhập nguyên phụ liệu cho hai ngành dệt may và da giày lên tới 1,03 tỷ USD, chiếm 34,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 16,14% so với 7 tháng đầu năm 2014.

Chính bởi hai ngành dệt may và da giày vẫn phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu của Trung Quốc nên khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá, đối với hai ngành này, lại không hề có sự ảnh hưởng tiêu cực như một số lĩnh vực kinh tế khác.

Thậm chí, theo nhận định của ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), lĩnh vực dệt may và da giày còn có được những thuận lợi trước thực tế này.

Nguy cơ nhập siêu cao trở lại - 1

Dệt may vẫn phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

“Mỗi lần Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại, hội nhập sâu rộng hơn thì nhập khẩu lại tăng vọt. Nguyên nhân là do các dòng thuế được cắt giảm. Trong khi đó, xuất khẩu lại không tăng ở mức tương xứng, đã cho thấy sự chuẩn bị của DN trong hội nhập là rất kém, nên không tận dụng được cơ hội từ các hiệp định để xuất khẩu” - ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương).

B.Q.

Lý giải về nhận định này, ông Hải cho biết, dệt may và da giày là những ngành có lợi thế gia công lớn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hai ngành này lại nhập nguyên liệu khá lớn từ Trung Quốc, do đó, khi giá đồng Nhân dân tệ giảm, các DN dệt may, da giày sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn nguyên liệu giá rẻ, cạnh tranh.

Nhiều DN thuộc ngành dệt may và da giày cũng thừa nhận, do chúng ta vẫn nhập nhiều nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc nên việc giảm giá đồng Nhân dân tệ lại đang giúp cho các DN dệt may và da giày có cơ hội tiếp cận được nguồn nguyên liệu giá rẻ. Đây có thể được coi là lợi thế.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào số liệu thống kê của nhà quản lý, trong 7 tháng đầu năm 2015, nếu như Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt con số 9,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2014 thì ở chiều ngược lại, chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 28,8 tỷ USD, tăng 22,5% và chiếm 31% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Con số này cho thấy, Việt Nam nhập siêu ở mức 19,5 tỷ USD, tăng 30,7%, tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu lên đến 207,7%.Ở các thị trường khác, con số nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng theo tháng. Trong khi chúng ta đang nỗ lực để kiềm chế nhập siêu, thì việc nguy cơ nhập siêu lại có chiều hướng gia tăng. Điều này dường như đang đi ngược với những cố gắng của các nhà quản lý.

Các chuyên gia cho rằng để “trị” căn bệnh nhập siêu thì cần phải giải quyết những vấn đề căn bản, gốc rễ. Đặc biệt là giải quyết khâu quản lý về đầu tư, nâng sức cạnh tranh và tái cơ cấu DN, phát triển công nghiệp phụ trợ…

Ở một góc nhìn khác, việc Việt Nam đang tiến hành ký kết các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), đưa ra những quy định rất khắt khe liên quan đến xuất xứ của các sản phẩm (thuế suất thấp chỉ áp dụng đối với các mặt hàng có xuất xứ ở trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước tham gia TPP), thì việc các ngành dệt may, da giày có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc lại không phải là điều đáng mừng.

Bản thân các DN dệt may, da giày cũng cho rằng, trong ngắn hạn có những thuận lợi đáng kể, song, về lâu dài, việc tự chủ được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất trong nước mới có thể phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ nhập siêu cao trở lại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO