Nguy cơ 'xâm nhập' Covid-19 vẫn cao

Minh Hằng 17/05/2020 08:00

Bộ Y tế mới ghi nhận thêm 25 ca nhiễm Covid-19, nâng số người mắc lên 313. Các ca nhiễm mới được ghi nhận đều là người Việt đi chung chuyến bay VN0062 từ Nga về Quảng Ninh và 1 người từ Dubai, Các tiểu vương quốc Arab về. Như vậy, đến nay Việt Nam ghi nhận 173 ca “xâm nhập” được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, số còn lại do lây nhiễm trong cộng đồng.

Nguy cơ 'xâm nhập' Covid-19 vẫn cao

Các công dân từ Philippines về nước. Ảnh: PLO.

Chưa công bố hết dịch

Kể từ ngày 16/4 đến nay là 31 ngày, Việt Nam chưa phát hiện thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. PGS Nguyễn Huy Nga- nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng Việt Nam đã khống chế được Covid-19 trong cộng đồng, nhưng chưa đủ điều kiện để công bố hết dịch trên toàn quốc. Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, việc công bố hết dịch phải đáp ứng các điều kiện: không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định; đáp ứng điều kiện khác với từng bệnh dịch theo quy định của Thủ tướng; đã thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.

Theo ông Nga, dù đã khống chế được dịch bệnh trong cộng đồng, Việt Nam vẫn còn nguy cơ lây nhiễm. Thời gian tới, nhà chức trách sẽ tiếp tục đón người Việt Nam về nước, đều được cách ly ngay, nhưng vẫn có nguy cơ lây chéo trong khu cách ly và ra cộng đồng. Những người nhập cảnh qua đường mòn, lối mở, không được cách ly, vẫn có thể là nguy cơ lây nhiễm và cho rằng Việt Nam chỉ nên công bố hết Covid-19 trên toàn quốc khi đã hết ca nhiễm, đồng thời không còn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Về vấn đề này, đại tá Hà Thế Tấn- Phó viện trưởng Viện Y học Dự phòng quân đội, cho rằng với các bệnh truyền nhiễm, từ khi ghi nhận ca bệnh cuối cùng đến thời điểm hai lần thời gian ủ bệnh mà không phát hiện ca nhiễm mới thì có thể công bố hết dịch. Tuy nhiên, Covid-19 là dịch bệnh mới, chưa có nghiên cứu đầy đủ nên vẫn có thể xảy ra trường hợp có thời gian ủ bệnh kéo dài hơn 14 ngày. Trong số ca nhiễm ở Việt Nam, đa số thời gian ủ bệnh từ 3 đến 7 ngày, chưa ghi nhận trường hợp nào trên 14 ngày. Vì vậy, Việt Nam đủ điều kiện công bố hết Covid-19 trong cộng đồng, nhưng trong nước vẫn còn ca nhiễm nCoV đang điều trị tại cơ sở y tế hoặc trung tâm cách ly nên chưa thể công bố hết Covid-19 trên toàn quốc.

Trao đổi với báo chí về vấn đề Việt Nam có công bố hết dịch hay không, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, nguy cơ lây xuất hiện các trường hợp nhiễm nCoV trong cộng đồng tại Việt Nam ở mức rất thấp. Tuy nhiên, chúng tôi xác định đến khi có đủ điều kiện và không còn ca nào nhiễm bệnh thì mới công bố. Chúng ta vẫn đặt trong tình trạng luôn luôn sẵn sàng, không được chủ quan, lơ là. Ngày 1/4, Thủ tướng công bố Covid-19 trên toàn quốc. Vì vậy, Thủ tướng cũng sẽ công bố hết dịch, trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế.

Ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, mặc dù trong 31 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới cũng gia tăng do mở dần các đường bay quốc tế, chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước, yêu cầu nhập cảnh cho các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật cao từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch nhập cảnh vào Việt Nam. Đặc biệt, rất khó kiểm soát triệt để được người dân qua lại biên giới đường bộ thông qua đường mòn, lối mở nên luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm cho cộng đồng trong thời gian tới.

Nguy cơ 'xâm nhập' Covid-19 vẫn cao - 1

Tất cả thành viên các chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước đều trang bị y tế một cách chặt chẽ.

Vì vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Hệ thống giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng được duy trì để khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức. Năng lực ứng phó với đại dịch tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là đội ngũ y tế trong chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 ở tất cả các tuyến. Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, máy thở, thuốc điều trị… trong nước.

TS. Kidong Park-Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và một số chuyên gia quốc tế đều nhấn mạnh hiện thế giới vẫn chưa có thuốc đặc hiệu, hay vaccine điều trị Covid-19… do vậy, dịch bệnh được dự báo sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu thảo luận về việc người Việt Nam ở nước ngoài về nước. Con số này rất đông, vì vậy cần có lộ trình, cách làm nào để thực hiện chủ trương nhân văn nhưng phù hợp với điều kiện hiện nay của đất nước. Thời gian qua, tổng số ca dương tính của Việt Nam tăng nhanh khi nhiều công dân từ nước ngoài trở về nhiễm Covid-19 như có 17 ca từ Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và mới đây là có 24 ca từ Nga trở về. Thủ tướng cũng nhấn mạnh không được chủ quan trước dịch bệnh khi tình hình dịch trên thế giới còn phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ 'xâm nhập' Covid-19 vẫn cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO