Nguyễn Huy Tưởng chân dung qua những mảnh hồi ức

Anh Chi 20/06/2015 10:21

Nguyễn Huy Tưởng là một trong những nhà văn đầu tiên xây dựng nền Văn học cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp của ông không được dài nhưng là một hành trình nhọc nhằn kiếm tìm, phát hiện và nâng niu cái đẹp. Cuộc đời của ông còn là cuộc đời của sự trung thực, Ông trung thực làm nhà văn, trung thực đi theo Cách mạng, trung thực bảo vệ và ngợi ca những giá trị, phẩm chất cao quý, thánh thiện thuộc về con Người.

Nguyễn Huy Tưởng chân dung qua những mảnh hồi ức

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Một nhà văn tâm huyết

Ngay từ khi còn đang đi học, Nguyễn Huy Tưởng đã băn khoăn về con đường đi của mình và ông đã sớm xác định thiên chức văn chương của mình: “Phận sự một người tầm thường như tôimuốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có viết văn quốc ngữ thôi”(nhật ký năm 18 tuổi).

Mở đầu tập Nhật ký vào ngày 3-2-1938, Nguyễn Huy Tưởng lúc này đã 27 tuổi- đã tự miêu tả con người mình: “Ai mới thoạt thấy tôi cũng phải công nhận rằng tôi là một người hiền lành, và hơn nữa, là một người lù đù. Ai cũng chế tôi là mặt mũi ngây ngô. Tôi muốn học hành cho cực giỏi, mà trí tôi thì ngu độn, tôi muốn tập võ cho khỏe người, mà tôi ốm yếu luôn. Một tai tôi thì điếc…”.Một người thanh niên tự vẽ chân dung mình với chỉ một ưu điểm là “hiền lành”… Có lẽ chỉ những con người hết sức trung thực và khiêm nhường mới có thể tự giễu mình nghiêm khắc đến vậy.

Tham gia Văn hóa Cứu Quốc từ những năm 1943, hoạt động trong phong trào của Mặt Trận Việt Minh, tham dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào nên khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi năm 1945, Nguyễn Huy Tưởng đã vui sướng mang toàn tâm, toàn lực phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thời kỳ này, ông viết những kí sự phản ánh kịp thời, sinh động khí thế cách mạng của cuộc Kháng chiến trường kì 9 năm gian khổ như Kí sự Cao Lạng, Anh Sơ đầu quân, Chiến sỹ ca –nô.v.v. Là nhà văn của nước Việt Nam mới, trọn đời gắn bó với cách mạng, trực tiếp tham gia công tác lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của Đảng, hơn ai hết Nguyễn Huy Tưởng hiểu thực trạng của đời sống văn nghệ nước nhà. Văn nghệ phải phục vụ Kháng chiến vô điều kiện, Văn nghệ phải có mặt kịp thời tại các nơi mà Đảng yêu cầu, đó là nhiệm vụ của Văn Nghệ lúc này. Là một lãnh đạo Văn nghệ lúc đó nên phải phục tùng chủ trương. Nhưng trong thâm tâm, Ông vẫn kêu gọi những nhà văn chân chính không vì mục đích phục vụ trước mắt mà đuổi theo những đề tài thiếu tính tư tưởng, thiếu tính nhân văn: “Mỗi nhà văn phải có một thế giới quan, trong ấy sống những nhân vật của mình. Quan niệm phục vụ kịp thời, nó đã lãng phí bao nhiêu tài năng, dẫn đến những tác phẩm vô giá trị, những nghệ sĩ cơ hội…Nhà văn phải là nhà tư tưởng bằng nhân vật, bằng hình ảnh. Không phải chỉ là phản ánh, mà còn là tổng kết soi sáng. Đừng viết cái gì nó không soi sáng cho con người, cho xã hội…Suy nghĩ, suy nghĩ, và suy nghĩ. Đừng thờ ơ với cuộc sống dù nhỏ”.(Nhật ký, ngày 8/6/1956)

Nguyễn Huy Tưởng từng viết: Người không biết Lịch sử nước mình là một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được.

Trong Vũ Như Tô (1941)- là tác phẩm đầu tay, và cũng là tác phẩm hay nhất của ông - Nguyễn Huy Tưởng đã tâm huyết, kí thác những trăn trở, suy ngẫm của người nghệ sĩ, đó là vấn đề tự do sáng tạo.Trong lời đề tựa của tác phẩm, Nguyễn Huy Tưởng viết “Than ôi, Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải. Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Một lời than vãn, hay là một lời ông đã tự nhận mình là người “đồng bệnh” với Đan Thiềm - căn bệnh của nỗi niềm đam mê cái đẹp, trân trọng những khát khao sáng tạo của người nghệ sĩ hướng tới cái đích Chân Thiện Mỹ.

Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Tưởng luôn cẩn trọng, nghiêm cẩn trong từng câu chữ một cách chuyên nghiệp. Những trang viết ông để lại đều có giá trị, nó làm sống dậy những trang sử hào hùng của cha ông, khơi dậy cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước, yêu truyền thống lịch sử - văn hóa nước nhà. Nguyễn Huy Tưởng từng chỉ ra rằng: Người không biết Lịch sử nước mình là một con trâu đi cẩy ruộng. Cầy với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được.

Cố Nhà văn Tô Hoài đã coi Nguyễn Huy Tưởng là một Nhà văn của Hà Nội, mang trong mình dòng chảy văn hiến Hà Nội trong tập sách Kẻ Dộc- Đông Ngàn(1981): “Vốn là một cây bút sử thi rất thuần thục, hết sức hùng tráng, Hà Nội của Nguyễn Huy Tưởng dựng lên thật đã hùng vĩ huy hoàng ngay từ những tác phẩm đầu tiên của anh. Sự sáng tạo bắt nguồn từ thực tế Lịch sử và truyền thống”

Trăn trở với nghĩa vụ xây dựng một nền Văn học Việt Nam mới, với các thế hệ người viết đi sau, Nguyễn Huy Tưởng cũng luôn là người chăm sóc, động viên cho từng trang viết của họ.

Đọc thư của cố nhà văn Nguyễn Kiên gửi Nguyễn Huy Tưởng (Hà nội, 23-9-1958) sẽ thấy những gì Ông đã làm cho các nhà văn đàn em, và tình cảm của họ đối với Ông: “…Anh Tưởng ạ, có một điều tôi rất ân hận là tính tôi hay ngại ngùng, nên trong những ngày gần anh không tranh thủ điều kiện để có thể học hỏi ở anh nhiều hơn. Thời gian qua, những ý kiến của anh,về một khía cạnh nào đó, cũng đã dạy tôi rất nhiều những kiến thức nghề nghiệp. Tự coi mình như một người em rất nhỏ tuổi và đi sau một quãng đường rất xa, bây giờ xa, nhiều lúc thấy rất tiếc… Anh ở trên ấy có gì vui viết thư về cho chúng tôi. Riêng tôi, muốn được anh viết cho những suy nghĩ của anh về vấn đề sáng tác mới nhất của anh để học tập thêm”

Luôn đau đáu về một nền Văn chương Việt Nam, Nguyễn Huy Tưởng đã thấy rõ nền văn nghệ của ta lúc đó“đè nặng một thứ văn nghệ vô cùng phi văn nghệ, hạn chế tưởng tượng, hạn chế vision [tầm nhìn] của nhà văn, hạn chế cả đến bố cục của một cuốn truyện, cả ngôn ngữ của một bài văn. Nhìn trước nhìn sau, thấy văn học ta nghèo nàn, khô khan, không cóxương máu, mà lo.” Và ông khẳng định rằng văn học “cần tự do như cây cần có không khí để thở, để lớn đẹp”- Nỗi lo lắng ấy đã được Nguyễn Huy Tưởng viết ra vào ngày 20-4-1960- đó là những ngày cuối cùng lúc ông sắp ra đi.

Và nhạc sỹ Văn Cao đã viết : “ Cái chết của anh cái chết một nhà văn, Không bao giờ là cái chết”

Nguyễn Huy Tưởng chân dung qua những mảnh hồi ức - 1

Nguyễn Huy Tưởng (thứ 2 từ phải sang) và các bạn văn

Một thủ lĩnh - một nhân cách cao đẹp

Những năm 1956 – 1958, đó là giai đoạn đầy biến động của lịch sử - xã hội, với những hậu quả của công cuộc cải cách ruộng đất, cuộc đấu tranh phức tạp trên mặt trận văn hóa tư tưởng ... lúc này Nguyễn Huy Tưởng đang giữ những trọng trách Phó Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng nhưng Nguyễn Huy Tưởng đã có những tư duy độc lập- dù không đăng đàn hay phát biểu -trước tình trạng con người bị đối xử bất công. Ông tự nhủ với mình: “Đừng viết cái gì sai với sự thực của con người, dù là dưới hình thức phục vụ. Người là thật. Phải thật với người.”(Nhật ký, ngày 16/6/1956).

Cũng như nhiều Văn nghệ sỹ cùng thời, Nguyễn Huy Tưởng đã trải qua một giai đoạn thử thách rất khắc nghiệt về phẩm giá con người trong sự kiện Nhân văn – Giai phẩm. Nhưng khác với trào lưu lúc đó, người ta không thấy tên Nguyễn Huy Tưởng trong các bài viết đả phá, kết tội nhóm Nhân văn - Giai phẩm. Có lẽ tư cách một nhà văn chân chính, đã cho ông một cách nhìn xa hơn, công bằng hơn để ông có thể không tham gia vào những cuộc đấu tranh gay cấn kia. Và để dành thời gian quý báu cho những gì ông đang làm nhằm phụng sự con người Việt Nam, tổ quốc Việt nam.

Bây giờ nhìn lại, người ta thấy ông là người duy nhất trong Ban lãnh đạo văn nghệ đã đứng ra bênh vực Nhân văn, như cố nhà thơ Lê Đạt từng thuật lại. Trong cuốn Nhật ký của mình, Nguyễn Huy Tưởng luôn có những tâm sự thành thực của một tấm lòng đôn hậu luôn trăn trở, thao thức về trách nhiệm, sứ mệnh của công dân nhà văn trước cuộc đời với những tư tưởng, quan niệm tiến bộ về nghệ thuật, đặc biệt là những tư tưởng nhân văn về giá trị, về quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của con người.

Ông Nguyễn Huy Thắng (con giai nhà văn Nguyễn Huy Tương) kể lại: Ngày 25/7/1960, cha tôi qua đời. Đám tang ông được tổ chức trang trọng, do Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Đình Thi vừa làm Trưởng ban tổ chức lễ tang, vừa là người đọc điếu văn. Lời điếu có nhiều câu thật xúc động, nhưng tôi nhớ nhất câu này của chú Thi: “Không bao giờ nhiều lời huênh hoang, anh đã hiểu sâu sắc cái sứ mệnh của người viết văn và cái trách nhiệm của nghề cầm bút, nó là cái nghề xây dựng tâm hồn nhưng cũng có thể phá phách tâm hồn con người. Vì vậy anh thật thà với từng ý nghĩ, với từng dòng chữ viết ra. Anh có thể có lúc lầm lẫn nhưng ngòi bút anh không bao giờ chịu viết một lời dối lừa”.

Và với Nguyễn Huy Tưởng thì đúng là vậy - Không một lời dối lừa!

Tuy chỉ sống một cuộc đời không dài nhưng những sáng tác văn chương của ông để lại có một khối lượng không nhỏ. Có thể nói về kịch, tiểu thuyết, các tác phẩm cho thiếu nhi của ông đã khẳng định vai trò nhà văn của ông và rất nhiều công việc khác của ông trong vai trò của một công dân.

Để kết thúc bài viết, tôi xin trích đoạn văn trong bài viết của Đoàn Giỏi, “Nguyễn Huy Tưởng, một người thầy, một người bạn, một người anh” có nhắc lại lời của Cụ Cả Vạch- Chủ quán rượu Thủy Hử- nơi mà các văn nghệ sỹ thời đó thường tụ họp : “…Khi anh Tưởng mất rồi, có lần cụ Cả Vạch bùi ngùi bảo tôi: - Con người hiền lành , đức độ, ai cũng mến cũng quý. Vậy mà trời chỉ cho ăn có bao nhiêu lộc đó.Tạo hóa thật bất công. Chẳng biết ngày xưa Tống Giang trong truyện Tầu mẹo thu phục hào kiệt thế nào, chứ tôi thấy ông Tưởng đúng là bậc hiền giả, tự cái đức nó chinh phục mọi nhân tâm, mà ông còn hơn Tống Giang về mặt tài hoa, trí lự…”, một lời nhận xét của một người dân bình thường quả là công bằng và chính xác.

13-6-2015

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguyễn Huy Tưởng chân dung qua những mảnh hồi ức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO