Nguyễn Tư Giản: Thăng trầm đường quan, ngổn ngang canh tân

Mạnh Thắng 09/11/2017 11:10

Ngược đường trường thi - cuốn tiểu thuyết chỉ hơn trăm trang được nhà văn Nguyễn Triệu Luật vẽ lại danh thế của dòng tộc. Nhân vật lịch sử cuối cùng trong sách là Nguyễn Địch Giản tên khác là Nguyễn Tư Giản, chính là ông nội của nhà văn. Vì viết ngắn gọn, nhà văn Nguyễn Triệu Luật đã không kể hết về hành trạng, cống hiến của Nguyễn Tư Giản cho sự phát triển của lịch sử. Đó là những vấn đề canh tân đất nước.

Vỡ tráp nên duyên

Nguyễn Tư Giản (1823-1890) tên “cúng cơm” là Nguyễn Văn Phú, tự Hy Bật, Tuân Húc, hiệu Thạch Nông. Ông sinh trưởng trong dòng tộc nổi tiếng khoa bảng làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội). Cái tên Nguyễn Địch Giản, rồi Nguyễn Tư Giản đều do vua Tự Đức ban. Ông là cháu nội của danh sĩ Nguyễn Án (Kiếm Hồ ngư ẩn).

Nguyễn Tư Giản sớm mồ côi mẹ năm 5 tuổi, năm 11 mồ côi nốt cả cha. Trong tiểu thuyết Ngược đường trường thi, nhà văn Nguyễn Triệu Luật kể lại câu chuyện: Thủa học trò, Nguyễn Văn Phú nghèo, phải ra Hà Nội ở với người anh. Tại đây, cậu Phú theo học Hồ Đình của thầy Lỗ Am, tiến sĩ Vũ Tông Phan và dần được “phong” là trưởng tràng. Một hôm, cậu Phú ra chợ đến ngắm hàng tráp, định bụng khi có tiền sẽ mua. Mải ngắm, không ngờ sơ ý làm vỡ tráp. Nhà hàng bắt đền. Phú không có nổi quan tư tiền trả, bị trói lại. Giữa lúc ấy có tiểu thư khuê các đi tới và trả tiền cho anh khóa. Cậu Phú xấu hổ chạy đi rồi sau đó bám theo tiểu thư để biết nhà. Đó là con gái của cụ cả Đông Dư. Cậu Phú bèn nhờ anh mai mối. Cụ cả Đông Dư ưng thuận. Thế là duyên thành.

Đi thi khóa đầu, khóa Phú trượt. Nhưng chỉ mấy năm sau, khi tròn 21 tuổi, thì cậu Phú đậu Hoàng giáp khoa Giáp Thìn (1844).

Gập ghềnh đường quan

Nguyễn Tư Giản đỗ đạt làm quan giữa thời buổi đất nước gặp họa ngoại xâm. Lúc này, Pháp ráo riết xâm lược Đông Dương để mở rộng thị trường tư bản, các nhà truyền giáo phương Tây đang tìm mọi cách đi vào tâm lý xã hội Việt Nam, nội bộ triều đình Tự Đức đang phân hóa rõ rệt giữa tư tưởng chủ hòa và chủ chiến. Cuộc sống nhân dân cực khổ lầm than vì nạn lụt lội và chiến tranh xâm lược... Trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Tư Giản bước vào đời đã luôn luôn tỏ rõ được lòng yêu nước thương dân, tỏ rõ được tư tưởng chủ chiến, quyết tâm chống thực dân Pháp đến cùng để bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Trong cuộc đời làm quan, Nguyễn Tư Giản được thăng đến chức cao nhất là Lại bộ thượng thư (tương đương Bộ trưởng Bộ Nội vụ thời nay). Nhưng ông nhiều lần bị giáng chức. Lần thứ nhất năm 1857, ông được cử thay Vũ Trọng Bình làm chức Hiệp lý Đê chính sự vụ, phái ông lo việc đê điều, trị thủy các con sông Hồng, sông Đuống, sông Thái Bình. Vốn không có sở trường nên ông gặp khó khăn. Đến ngay mồ mả cha mẹ ông ở quê hương (ngay sát dòng sông Đuống) cũng bị ngập nước, xói lở. Việc đê điều chưa ổn, tâm trí ông lại canh cánh chuyện chống Pháp lúc này đang ngấp nghé tấn công kinh thành Huế. Nội bộ triều đình, bấy giờ có mấy ý kiến khác nhau: phái Trương Đăng Quế và Phan Thanh Giản chủ trương thế thủ, nghị hòa cũng để thế thủ; phái Trương Quốc Dụng và Phan Huy Vịnh chủ trương chống giữ lâu dài; phái Tô Trân, Hồ Sĩ Tuấn... chủ trương quyết đánh, không nghị hòa với Pháp. Vua Tự Đức đang hoang mang giữa các dòng tư tưởng đó. Ngoài ra chờ đợi hiến kế, chẳng thấy ai nêu ý gì mới hơn, chỉ có một tờ sớ của Nguyễn Tư Giản từ xa gửi về cho vua. Hai đại thần Trương Đăng Quế và Phan Thanh Giản cực lực phản đối và cho rằng tờ sớ của ông đã xúc phạm đến ý tốt của họ. Việc đê điều liền bị truy cứu. Nguyễn Tư Giản bị khiển trách rồi giáng chức, phải đi phục dịch chiến sự dẹp loạn ở vùng Quảng Yên trong khi vẫn phải làm công việc cũ.

Giặc biển Quảng Yên (nay thuộc Yên Hưng, Quảng Ninh) lúc này chủ yếu là gian thương, dân vong mạng người nước Thanh. Chúng có hàng trăm thuyền chiếm đóng huyện Nghiêu Phong, huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Yên và huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương. Tại đây chúng thường xuyên kéo quân đi cướp của, giết dân, gây nên bao cảnh thảm khốc! Cũng có số giặc cướp thường gọi là “Giặc Tàu Ô”. Nguyễn Tư Giản lúc này tham gia chiến sự với chức danh “Chuyên biện quân nhu” - là một việc làm rất khó khăn, mới lạ đối với ông. Các trận đánh lớn ở Cát Bà, Chàng Sơn, Cành Động, U Lang, Trực Cát, Đồ Sơn, ông đều thua trận. Vua bèn cách chức, đưa Thượng thư bộ Hình Trương Quốc Dụng làm Tổng đốc quân vụ Hải Dương - Quảng Yên để dẹp giặc.

Lần thứ ba, Nguyễn Tư Giản bị cách chức liên quan đến người học trò tên Phan Văn Nhã. Lúc này ông đã ở chức Thượng thư bộ Lại. Học trò lợi dụng sự được thầy tin mà làm giả quả ấn Quan phòng Thanh Hóa, mạo làm những tấm bảng Cửu phẩm xin việc ở các bộ. Khi Nhã đưa bằng ra, xin chữ ký của bộ, Thượng thư Nguyễn Tư Giản, Tham tri Nguyễn Văn Thúy, Thị lang Nguyễn Mậu Đạo đều không để ý, điềm nhiên ký tên đóng dấu vào. Việc bị phát giác tâu lên, vua giao Pháp ty chiếu luật định án. Việc bị giáng 4 cấp và cách chức, bắt phải lên miền núi phía Tây Thừa Thiên làm chức Mộ phu khai hoang để chuộc tội.

Tư tưởng canh tân

Sở trường của Nguyễn Tư Giản được phát huy khi ông làm công việc tu soạn ở Viện Hàn lâm. Ở đây ông gặp gỡ giao lưu với nhiều nhân sĩ như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Bùi Viện...

Tháng 6 năm Mậu Thìn (1868), ông được vua chọn đi sứ nước Thanh. Sứ đoàn Việt Nam do Lê Tuấn làm Chánh sứ, ông và Hoàng Tịnh làm Phó sứ. Mọi biểu sớ giấy tờ quan hệ đều do ông thảo. Qua chuyến đi sứ Thanh, Nguyễn Tư Giản hiểu biết thêm về tình hình Trung Quốc, Nhật Bản và tình hình các châu lục. Ông thấy thanh niên Trung Quốc du học nhiều nước trên thế giới; ông cũng muốn nước ta quan hệ với Âu Mỹ để cho người sang học kỹ nghệ mới lạ. Sau khi đi sứ Trung Quốc trở về nước, Nguyễn Tư Giản cùng một số nhân sĩ thức thời như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Bùi Viện... dâng sớ lên vua Tự Đức trình bày một kế hoạch “canh tân tự cường”, như mở rộng bang giao với các nước phương Tây, gửi học sinh ra nước ngoài du học v.v., những điều mà các nước trong khu vực như Nhật Bản, Xiêm La cũng đang làm. Nhưng rốt cục, Tự Đức lại vẫn gạt sang một bên.

Nguyễn Tư Giản còn cùng Hoàng Phan Thái, Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện… tập hợp thành tổ chức hoạt động cứu nước gọi là Tân Đảng. Vua Tự Đức cũng biết ông là nhân vật quan trong trong đảng này, nhưng không cấm, vẫn giao ông đảm đương nhiều công việc, rồi còn tin dùng bổ nhiệm Thượng thư bộ Lại kiêm lãnh việc Quốc tử giám và một phần việc ở bộ Lễ ; Nha Thương bạc.

Nguyễn Tư Giản đề xuất và thực hiện về công tác tổ chức hành chính. Để đào tạo quan lại quản lý, ông cho mở nhiều chiếu giảng. Trong một bài ứng chế viết cho Tự Đức năm 1853, ông nêu lên 6 cái tệ lớn của quan lại đương chức, mà nhức nhối hơn cả là nạn tham nhũng và hiện tượng quan viên ngồi chơi: “Nay, trong thì các nha thuộc sáu bộ; ngoài thì tỉnh, phủ, châu, huyện cho đến dinh, vệ, bảo, suất, số viên chức lên tới hàng vạn, bệ hạ có chắc họ đều trong sạch cả không? Lương cấp cho họ liệu có đủ để trên thì phụng dưỡng cha mẹ, dưới thì nuôi nấng vợ con không? (...). Với cảnh lương bổng ít ỏi như hiện nay mà ngày nào cũng yêu cầu quan lại phải thanh liêm, thì khác nào ngựa nuôi trong chuồng, rơm cỏ không cho ăn đủ mà đòi trở thành thiên lý mã, cây trồng vừa mới lớn, nước nôi không tưới đều mà đòi trở thành danh mộc to mấy sải ôm. Trong khi đói rét bức bách, hình pháp đốc thúc, triều đình đãi ngộ nhân tài một cách vô liêm sỉ như vậy thì quan lại làm sao không tham nhũng, dân chúng làm sao không khốn khổ?”.

Về đối phó với giặc Pháp, Nguyễn Tư Giản gửi lên vua Tự Đức một tập “gián ngôn” dài, trong đó phân tích kỹ lý do vì sao không nên giảng hòa với giặc, mà cần kiên trì kháng chiến để bảo toàn lãnh thổ và giữ cho được chủ quyền đất nước.

Nguyễn Tư Giản chú trọng nhiều đến gìn giữ di sản truyền thống văn hóa dân tộc. Vào những năm làm Tham tán quân vụ hoạt động tại Hải Dương, ông có ghé thăm lăng tẩm các vua nhà Trần ở Yên Sinh (Mễ Sơn, Đông Triều). Ông đã soạn cuốn Trần triều lăng tẩm đồ mạn ký để nói về những thu hoạch nhân chuyến đi này. Hiện cuốn Trần triều lăng tẩm đồ mạn ký hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Nguyễn Tư Giản không thành công trên con đường chính trị, nhưng những tư tưởng canh tân của ông, những tập thơ, khảo cứu lịch sử, dòng họ của ông là những cống hiến lớn trong thời đại nhà Nguyễn bắt đầu suy vi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguyễn Tư Giản: Thăng trầm đường quan, ngổn ngang canh tân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO