Nhà báo Đan Hà: 'Người trong một nước phải thương nhau cùng'

Việt Quỳnh (thực hiện) 02/08/2021 15:00

Khi tôi trò chuyện với nhà báo Đan Hà, cũng là lúc chị cùng đồng nghiệp, phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Hội hỗ trợ Gia đình Liệt sĩ TP HCM đang tất bật lo hàng hóa xuống điểm tập kết, chuẩn bị cho “Phiên chợ 0 đồng” tiếp sức tới bà con xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, TP HCM, tiếp tới sẽ là phiên chợ ở Q.12, huyện Hóc Môn… Mỗi phiên chợ, là hơn 10 tấn hàng hóa đến tay bà con.

“Khó có thể lý giải cho rạch ròi là tại sao. Tôi cứ luôn có cảm giác có điều gì đó thôi thúc mình phải làm gì đó khi gặp những trường hợp gặp khó khăn”, nhà báo Đan Hà chia sẻ. Chị là người đã đứng ra vận động, kêu gọi từ khi lên ý tưởng đến quá trình triển khai.

Công việc xã hội từ thiện là một trong những hoạt động thường xuyên của báo Công lý và đặc biệt với anh chị em văn phòng phía nam của báo. Hàng năm, các anh chị có những chương trình lớn cho biên giới, biển đảo, giúp đỡ cho các gia đình quân nhân, cho con em bộ đội. Ngoài ra, chị cùng đồng nghiệp còn thường xuyên có các chương trình giúp đỡ cho bà con còn khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Các chương trình hỗ trợ học sinh đến trường cũng là một trong các hoạt động thường niên. Riêng cá nhân nhà báo Đan Hà, ngoài việc là một nhà báo, chị còn tham gia các tổ chức xã hội thiện nguyện. Hiện chị là Phó Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM:

“Tiêu chí của chúng tôi là đóng góp công sức, tiền bạc, huy động thêm các nguồn lực để giúp đỡ về tinh thần, vật chất cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách và nhất là đền ơn đáp nghĩa với các Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Khi đợt dịch lần này bùng phát và kéo dài, là một người thường xuyên có những tiếp xúc với người lao động, hơn ai hết tôi hiểu, chắc chắn nhiều người, nhiều gia đình sẽ gặp khó khăn. Nỗi lo cơm áo gạo tiền hơn lúc nào hết đè nặng lên vai người lao động. Tôi muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ cho bà con lao động trên địa bàn thành phố. Nhưng thực tế dịch bệnh, chỗ này chỗ khác phong tỏa, cách ly cũng lại là điều gây khó khăn cho những ý tưởng giúp đỡ bà con. Từ kinh nghiệm của mình, tôi nghĩ chỉ bô đội là có thể dễ dàng tổ chức thực hiện đưa hàng hóa, lương thực thực phẩm đến tay người dân đang gặp khó khăn. Tôi đã chủ động bàn với lãnh đạo Quân khu 7 để cùng tìm phương án. Các anh đã rất ủng hộ ý tưởng của tôi. Ngay sau đó tôi đã về triển khai với các anh chị em đồng nghiệp và Ban thường vụ Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, rất may là tất cả mọi người đều ủng hộ. Thế là kế hoạch thực hiện gian hàng 0 đồng với quy mô khá lớn được triển khai và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình mạnh mẽ, trước mắt là từ nhân sự của các đơn vị tham gia tổ chức, mỗi người trong khả năng của mình đều trực tiếp đóng góp đồng thời vận động đóng góp. Từ khi có ý tưởng đến khi triển khai thực hiện chỉ mấy ngày nhưng chúng tôi đã nhận được khá nhiều tiền, hàng hóa, lương thực thực phẩm để đảm bảo cung ứng cho hàng ngàn người dân với chủng lượng hàng hóa phong phú”.

“Thật sự tôi rất xúc động trước tinh thần tương thân tương ái của mọi người. Các bạn ở văn phòng tôi, người ít người nhiều đều có đóng góp tiền bạc, công sức, dù nhiều bạn chưa phải là dư dả. Vừa đóng góp các bạn còn kêu gọi thêm đóng góp từ các nhà hảo tâm. Riêng bên Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, dù là một tổ chức xã hội, làm việc không lương và đa phần các anh chị đều đã nghỉ hưu nhưng tinh thần đóng góp còn hơn lớp trẻ. Có những gia đình, các anh chị đóng góp hàng chục triệu đồng, chưa kể cùng lăn xả vào công việc, không nề hà bất cứ điều gì. Chưa bao giờ tôi thấy câu “người trong một nước phải thương nhau cùng” nó hiện diện tích cực như lúc này”.

“Khi khó khăn, tất cả đồng lòng, nghe thì rất sáo rỗng tưởng chỉ có ở khẩu hiệu, nhưng thực tế luôn biến thành hành động mỗi khi ở đâu đó trên đất nước chúng ta gặp khó khăn. Từ bão lũ ở miền Trung, những trận lở đất kinh hoàng ở miền núi, những trận lụt lút mái nhà ở miền Tây và giờ đây những khó khăn mùa dịch bệnh, chưa lần nào chúng ta thấy đâu đó bị bỏ rơi. Rất rất nhiều những con người Việt Nam luôn sẵn sàng đưa tay giúp đỡ những mảnh đời khó khăn xung quanh mình, cả lúc ngặt đến lúc nghèo. Thực lòng mà nói, chúng ta có quyền tự hào vì truyền thống tốt đẹp lá lành đùm lá rách của người Việt, không phải đất nước nào cũng có được truyền thống đó.

Chúng ta có quyền tự hào về truyền thống “lá lành đùm là rách” của người Việt Nam. Truyền thống đó không hề mai một mà càng ngày càng có sức lan tỏa và chúng ta thấy rõ nhất trong thời điểm khó khăn này. Các đơn vị không cần sự hô hào nào hết đã chủ động đến tận nơi giúp đỡ người dân chính là dẫn chứng cụ thể nhất của tinh thần tương thân tương ái, là bài học sống động nhất mà không sách giáo khoa nào có thể dạy được”.

Nhà báo Đan Hà tâm sự. “TP.HCM đang hái quả ngọt từ cái nhân tốt lành mình đã gieo trước đó. Bao lâu nay TP.HCM luôn giúp đỡ bất cứ nơi nào nào khó khăn mà không hề tính toán. Khi cho đi, chắc chắn Thành phố cũng chưa từng nghĩ đến lúc mình gặp khó khăn để cần báo đáp, nhưng rồi cũng có lúc thành phố được nhận lại như lúc mình đã cho đi. Dịch bệnh khiến TP.HCM gặp những khó khăn nhất định, nhưng cũng lại là lúc thành phố cảm thấy ấm áp nhất bởi những tình cảm thân thương từ khắp nơi tương trợ”.

“Có lẽ không phải chỉ riêng tôi mà ai lúc này cũng mong dịch bệnh mau chóng kết thúc, kinh tế sớm hồi phục, người lao động được đi làm, được kiếm tiền, được tiêu những đồng tiền mình làm ra để không ai còn phải nhận sự giúp đỡ nào nữa”, nhà báo Đan Hà chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo Đan Hà: 'Người trong một nước phải thương nhau cùng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO