Nhà báo Hoàng Điệp: Luôn cần biết mình phải làm gì

Việt Quỳnh 08/12/2017 16:00

Đó là cái tên gắn liền với nhiều bài báo tạo sóng dư luận được đăng nhiều kỳ trên Báo Tuổi Trẻ. Nhà báo Hoàng Điệp được biết đến bởi sự nhiệt thành, năng nổ mà cũng rất thận trọng trong quá trình tác nghiệp. Nơi nào có tin nóng, đồng nghĩa với sự có mặt của chị. Thế nhưng phía sau quyết liệt trong nghề báo là một người phụ nữ tràn đầy cảm xúc và lòng nhân ái, một người mẹ bản lĩnh rất mực thương yêu con…

Nhà báo Hoàng Điệp: Luôn cần biết mình phải làm gì

Nhà báo Hoàng Điệp.

Nhà báo Hoàng Điệp chia sẻ về con đường báo chí và cuộc sống của mình:

“Hồi học xong trung học phổ thông tôi chỉ biết có hai nghề: làm cô giáo và làm phóng viên bởi trong xã có 1 chị làm phóng viên ở báo tỉnh. Nhưng nghĩ nếu được làm phóng viên thì thích hơn, vậy nên tôi thi trường Đại học KHXH và NV. Khi học, tôi đã cộng tác với một số tờ báo, thứ nhất để lấy tiền trang trải sinh hoạt, thứ hai, để học cách viết bởi tôi không được đào tạo về chuyên ngành báo chí.

Khi ra trường tôi được nhận vào một tờ báo văn nghệ của thủ đô, khi đó, tôi được nhận vì viết truyện ngắn và viết phóng sự xã hội trên trang báo này. Sau đi làm thì làm chính mảng văn hóa văn nghệ, và thỉnh có viết mảng phóng sự xã hội. Rồi một tờ báo chẳng thỏa chí tang bồng, tôi viết bài cộng tác nhiều nơi, trong đó có Tuổi Trẻ. Rồi thấy mình học được rất nhiều từ môi trường chuyên nghiệp này tôi quyết định xin sang Tuổi Trẻ làm việc. Khi được nhận vào làm thì sếp phân công tôi làm mảng pháp luật.

Thực sự tôi sợ mảng này lắm, viết văn hóa văn nghệ ví như có sai sót thì chả chết ai, có sai thì xin lỗi một tiếng là xong. Viết pháp luật mà sai thì có khi liên quan đến tính mạng, danh dự hoặc số phận pháp lý của người ta. Dù sợ, nhưng khi được giao và tiếp xúc với những câu chuyện hằng ngày kiểu như chồng bạo hành vợ, tranh chấp đất đai giữa hai gia đình dòng họ, kiện nhau ra tòa vì con gà, quả trứng… thì tôi lại thấy thú vị.

Là phụ nữ, làm báo chí phần nội chính, liên quan đến án, pháp luật và thân phận pháp lý của con người… chị gặp khó khăn gì không?

- Về pháp luật, để làm được rất khó, bởi ví như viết chân dung nhân vật hay viết phóng sự mình chỉ cần kể lại câu chuyện hay là được rồi. Nhưng viết pháp luật thì liên quan đến kiến thức pháp lý, câu chuyện pháp lý. Một nhà báo làm báo thành thạo nhưng khi được giao làm pháp luật thì coi như học lại từ đầu như sinh viên vừa ra trường, mà phải nỗ lực rất lớn để vừa học vừa làm. Bởi, muốn viết được phải hiểu về luật, mà luật của Việt Nam thì mênh mông lắm, học hoài không hết, đọc hôm nay mai lại thay đổi...

Với chị, ngoài nhiệt huyết, ý chí quyết định đến thành công của chị ra sao?

- Trước khi làm báo tôi viết văn, viết văn thì bịa gì cũng được, chẳng chết ai. (cười)… Nhưng làm báo thì cần chính xác, làm báo mảng pháp luật thì còn cần chính xác hơn nữa. Do đó, khi làm báo hoàn toàn phải độc lập. Những câu chuyện mà có thể tác động đến tôi đó là thân phận con người trong những vụ việc mà tôi tìm hiểu và viết báo, còn lại, không ai có thể tác động cả. Nếu làm pháp luật mà bị tác động thì không còn là sự thật nữa.

Làm thế nào để chị cân bằng được trách nhiệm với gia đình, với công việc quản lý của mình mà vẫn... làm báo, thậm chí bây giờ còn thêm việc kinh doanh?

- Tôi làm báo và chăm con, tôi chỉ không có thời gian chăm mình thôi. Vì tôi yêu thích công việc làm baó nên tôi có thể dành toàn bộ thời gian mình có cho nó. Tôi nghĩ về đề tài, xây dựng các mối quan hệ với chuyên gia. Thậm chí, sau này, nhiều chuyên gia trở thành bạn bè của tôi. Do đó, tôi vui với công việc của mình và những người bạn mới. Khi làm công việc mình vui thì cũng như mình đi chơi mà thôi. Chăm sóc con cũng vậy, tôi thích ở gần chúng, mỗi ngày trò chuyện học hành chung với chúng thấy thật hứng khởi. Đến giờ, tôi vẫn rất háo hức mỗi chiều đi đón con. Dù con lớn đã học lớp 8 và con bé học lớp 3 rồi.

Để thỏa mãn được niềm yêu thích công việc với báo chí và đảm đang vai trò làm mẹ, hẳn chị là người rất tự chủ?

- Tôi nghĩ tôi tự lập từ sớm, đó là việc quan tâm đến công việc của gia đình, khi 18 tuổi tôi rời nhà là một vùng quê miền núi rất nghèo xuống Hà Nội học thì tôi đã phải tự lập. Tôi lúc ấy thiếu vốn sống, thiếu kỹ năng, thiếu văn hóa ứng xử đô thị… nhưng bù lại lại có sự nhiệt tình và sức khỏe. Tôi nghĩ mình có thể lao động để kiếm sống thì mình cứ đi học thôi. Đấy là suy nghĩ bước đầu khiến tôi quyết định ra khỏi làng để chuẩn bị cho một tương lai và bước ngoặt cho mình.

Tôi ít có ý nghĩ dựa dẫm vào ai, dù bất kể đó là người nào. Làm việc trong cơ quan, tôi biết có người thương tôi có người không thích tôi. Nhưng người quý mến tôi chưa bao giờ tôi nhờ cậy hay ỉ lại vào họ, người ghét tôi thì tôi kệ, tôi chả quan tâm. Việc mình độc lập cả trong tư duy và ứng xử cũng có điều lợi đó là mọi thứ xung quanh thay đổi thì mình cũng ít bị thay đổi nhưng mình sẽ phải lò dò từng bước một trên bước đường của mình. Không nhanh được.

Đối với con cái, tôi nghĩ đơn giản mình sinh ra chúng nó thì mình chăm sóc và yêu thương chúng, đó là lựa chọn của mình, không tị nạnh với ai. Tôi cũng dạy các con tôi điều ấy, vậy nên, chẳng ai uy hiếp hay dọa dẫm gì được tôi cả. Trời có sập thì mẹ con tôi vẫn sống thế. Chủ động trong cuộc sống giúp tôi độc lập trong suy nghĩ và hành động, tự do trong công việc cũng như quan hệ xã hội. Tôi nghĩ, chẳng điều gì quan trọng hơn thế đối với cuộc sống một con người.

Để có được sự chủ động ấy, với chị cần có những yếu tố gì?

- Cần phải biết mình cần gì, cái gì quan trọng đối với đời mình, cần phải có một công việc kiếm đủ tiền sống, để có một căn nhà mà ở, để được làm những điều mình thích. Thiếu đi một công việc kiếm ra tiền thì độc lập tự chủ sẽ vất vả lắm. Dù đối với tôi, cũng nhiều người thấy vất vả lắm rồi.

Vậy chị có những dự định rõ ràng gì cho tương lai không?

- Chắc tôi kiếm cái gì đó để học, nâng thêm kiến thức cho mình là điều cần thiết. Và cơ bản, mỗi lần học, lại mở thêm cho mình một cơ hội với đời chứ không chỉ công việc. Việc thêm những cơ hội này nó làm cho cuộc sống tươi tắn và vui vẻ hơn nhiều.

Cảm ơn chị và chúc cuộc sống chị luôn tươi tắn và vui vẻ như thế!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo Hoàng Điệp: Luôn cần biết mình phải làm gì

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO