Nhà báo Phạm Phú Bằng: Đi bộ lên Điện Biên

Phạm Quang Đẩu 19/02/2018 15:00

Thời chống Pháp, Phạm Phú Bằng là một người lính thực thụ, từng tham gia các chiến dịch Trần Hưng Đạo đuổi giặc từ Tam Đảo đến Vĩnh Yên;  Đường 18 vượt núi Yên Tử đánh xuống Sao Đỏ, Bến Tắm; chiến dịch Hoàng Hoa Thám từ vùng núi Chí Linh đến Tiên Yên...

Nhà báo Phạm Phú Bằng: Đi bộ lên Điện Biên

Ông Phạm Phú Bằng và Bruno trên đường hành quân lên Điện Biên.

Đến chiến dịch đông xuân năm 1953-1954, ông là phóng viên, làm báo Quân đội nhân dân ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ, lại cái ba lô con cóc sau lưng người phóng viên chiến trường ấy tham gia các chiến dịch lớn, như Junction City 1967, Mậu Thân 1968 và cũng kết thúc bằng Đại thắng mùa xuân 1975.

Từ khi về hưu cách nay hơn hai chục năm, ông Phú Bằng không thuộc tổ chức thiện nguyện nào, mà đi làm từ thiện như một thói quen. Có thời kỳ ông cùng với nhà nghiên cứu Hữu Ngọc, từ nguồn Quỹ Văn hóa Thụy Điển tham gia các chuyến tài trợ cho đồng bào các dân tộc ở huyện còn khó khăn như Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Si Ma Cai... Thường thì vào dịp đầu năm mới ông có chuyến du xuân kết hợp với những nhà hảo tâm mang lên vùng cao, khi là chăn, áo ấm cho người nghèo hay sách vở, đồ dùng học tập cho trẻ em.

Có chuyến du xuân ông tình cờ phát hiện một di tích mới có giá trị lịch sử và văn hóa. Bà con dân tộc Tày bản Bình Lâm (Phú Linh, Đồng Văn, Hà Giang) lâu nay vẫn biết quả chuông đồng trong chùa ở bản mình là vật quý hiếm nhiều đời để lại, nhưng những dòng khắc trên thân chuông thì không ai đọc được. Một ngày đầu xuân năm 2001, ông đến bản Bình Lâm. Do thông thạo chữ Hán cổ, ông đã giải mã được 2 điều bí mật từ quả chuông. Điều thứ nhất, quả chuông được đúc vào ngày rằm tháng ba năm Ất Mùi (1295), tại mái hiên Viện Đại Bi, thành Hà Giang, rồi treo tại chùa Bình Lâm, tức là đến mùa xuân Mậu Tuất (2018) này, quả chuông đã 723 tuổi và hai địa danh làng, xã ở đây đã tồn tại ít nhất là trên 700 năm rồi. Riêng về tuổi quả chuông, từ giám định của ông, trở thành một trong các quả chuông cổ nhất từng được biết đến ở nước ta. Điều thứ hai, trên thân chuông còn khắc một câu chuyện luân lý: làm quan phải biết cách xử sự như “con lân đời nhà Chu”. Lân là con vật nom bề ngoài kềnh càng, dữ tợn mà tính nết thì hiền khô, khi đi rón rén không dám dẫm nát cây cỏ hay côn trùng dưới chân. Với câu khắc ấy, tiền nhân muốn căn dặn người cầm quyền ở địa phương thời nào cũng phải thành tâm tôn trọng mọi điều lớn nhỏ trong cuộc sống của muôn dân...

Lần khác, Phạm Phú Bằng có một chuyến hành quân “hy hữu” về chiến trường xưa. Ấy là vào dịp cuối xuân năm 1998, ông nhận lời với Hội Cựu chiến binh Hà Nội, dẫn đường cho hai người lính Pháp thăm nơi mà năm xưa cha ông họ từng “đọ súng” với Việt Minh. Hai anh lính, đều là thượng sĩ nhất của Trung đoàn biệt động dù số 6 hải quân Pháp (6eRPIMA). Bruno Mercier, một trong hai người lính, đã nói về gốc gác đơn vị mình với nhà báo Phú Bằng: “Thưa đại tá, chúng tôi là lính truyền thống Bigeard. Qua sử sách tôi biết rằng, ở Điện Biên Phủ ngày ấy, Tiểu đoàn dù số 6BPC do đại úy Bigeard chỉ huy đã hứng những đòn phản kích ác liệt nhất ở Beatrice và Gabrielle (tức Him Lam và đồi Độc Lập). Tiểu đoàn 6BPC là tiền thân, nòng cốt cho Trung đoàn biệt động 6 của chúng tôi hôm nay”. Ông Phú Bằng hỏi lại Bruno: “Sao hai anh không đi máy bay lên Điện Biên, ở đó chúng ta có thời gian ngắm cảnh vật và mường tượng lại cuộc chiến 55 ngày đêm?”. Ý của hai chàng lính Pháp là muốn được đi bộ thăm lại những nơi mà “đại úy Biegeard” họ chỉ biết qua cuốn sử trung đoàn đã đi qua, vả lại “ngài đại tá” từng là phóng viên chiến tranh hồi ấy, vừa đi đường vừa kể cho chúng tôi nghe chuyện hành quân lên Điện Biên Phủ thì sẽ thú vị biết bao! Nghe họ nói vậy, Phú Bằng bỗng như quên tuổi tác đang đè nặng lên vai mình, cũng muốn có lại cái cảm giác của 45 năm về trước từng trèo đèo lội suối lên mặt trận làm báo. “Ý tưởng lớn” gặp nhau, thế là người cựu binh già dáng vóc lẻo khoẻo, kém 1 tuổi đầy 70, cùng hai anh lính commando to con tuổi 30, hồ hởi dắt tay nhau lên đường. Điểm xuất phát thị xã Hòa Bình, đích đến là lòng chảo Điện Biên, khoảng cách 300 cây số.

Bộ ba hành quân vào mờ sáng ngày 7/5, tức ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ với chỉ tiêu đề ra mỗi ngày đi được khoảng 50 km. Thử thách đầu tiên, leo hai dốc liên hoàn trên quốc lộ 6 là Cun và Thung Khe dưới trời nắng gắt. Rốt cuộc, mất tới 12 giờ đồng hồ mới vượt qua được 50 km. Mặt trời lặn, gặp quán cơm bình dân bên đường cả ba vào ăn bữa tối và tranh thủ rút kinh nghiệm. Bruno đề nghị bác “trưởng đoàn” thu xếp để mỗi chặng cứ đến 9 giờ sáng, trời còn mát là đã đi được khoảng 25 km rồi, số km còn lại đi túc tắc thôi, không thì...căng quá. Thì ra cái nóng ẩm của khí hậu Việt Nam đã làm cho hai chàng lính lực lưỡng còn cảm thấy khó chịu hơn cả khi hành quân trên sa mạc Bắc Phi. Mà họ ăn uống cũng đơn giản. Bữa sáng lót dạ mấy miếng bích quy khô và cốc nước trắng, trưa thì thêm vài quả chuối, hoặc miếng đu đủ do chị em người Thái bên đường đem cho, buổi tối họ mới thực ăn bữa cơm gia đình, có thịt, cá.

Nhà báo Phạm Phú Bằng: Đi bộ lên Điện Biên  - 1

Chàng lính commando đang “tiếp thêm năng lượng” để vượt đèo Pha Đin.

Ông Phú Bằng thì đã chuẩn bị sẵn gói lương khô do quân nhu sản xuất, cũng khá đủ chất dinh dưỡng. Khi đến chân đèo Pha Đin nổi tiếng, gặp mấy cô gái Thái đi qua, ông còn dàn dựng cảnh Bruno cầm và hôn tay một cô, nom khá tình tứ. Anh chàng toét miệng cười bảo, cảm ơn Đại tá đã cho tôi chút năng lượng mới để trèo 32 km đèo sắp tới. Vượt chặng đèo dài nhất Tây Bắc, sức khỏe của bộ ba đều bị bào mòn, thậm chí anh bạn của Bruno thì thở hồng hộc, bảo muốn ngất xỉu. Do đã quen bộ hành trên rừng núi nên Phú Bằng cũng chỉ mỏi xương cốt tí chút, ông cười bảo hai chàng lính kém mình gần 40 tuổi: Thua ông già rồi nhé. Chưa hết đâu, phía trước còn đèo Tằng Quái nữa đấy! Hai chàng commando có thói quen trước lúc đi ngủ, kê sổ lên đầu gối ghi nhật ký và họ vui vẻ cho ông xem cảm nghĩ trên đường, có đoạn viết: “Những ngày vừa qua thật khó khăn cực nhọc. Chúng tôi vẫn quyết không bỏ cuộc. Còn có những lực thúc đẩy chúng tôi phải vượt qua chính mình. Chúng tôi đâu dám phụ lòng những người ở đơn vị quê hương đặt cả niềm tin cậy vào chúng tôi trong cuộc hành quân đặc biệt này. Có thể nhắc thêm, chúng tôi nâng lòng tự trọng khi Đại tá Phú Bằng cùng đi trên đường đèo dốc.”

Đến ngày thứ bảy, cái đích ở trước mắt hai chàng hạ sĩ quan Pháp. Lòng chảo khổng lồ đã là khu di tích lịch sử, một bảo tàng ngoài trời hoàn chỉnh, ngoạn mục. Còn Điện Biên Phủ đã “lên” thành phố.

Khi trở về Hà Nội, hai chàng lính Pháp thỏa mãn nguyện vọng, được vị Tổng tư lệnh của mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa thân mật đón tiếp tại nhà khách Bộ Quốc phòng, 14 Lý Nam Đế. Hôm đó là ngày 18-5-1998. Nhà báo Phú Bằng báo cáo tóm tắt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cuộc hành quân bộ lên Điện Biên. Đại tướng và hai người lính trò chuyện thân mật tới hơn nửa giờ và Đại tướng đã viết ra một lá thư ngỏ, trong đó có đoạn: “Tôi đánh giá cao cử chỉ hòa giải của Tổng thống Mitterand khi ông đã đến thăm Điện Biên Phủ và đánh giá cao hành trình tưởng niệm vừa được thực hiện theo sáng kiến của Hội Cựu chiến binh Pháp...” Đại tướng trao bức thư đó cho thượng sĩ Bruno, anh ta giơ hai tay đỡ, vẻ mặt xúc động. Và Bruno nói, nhân dịp này xin cho phép hai anh kính biếu Đại tướng một chai vang Bordeaux đỏ từ nước Pháp, mẻ rượu sản xuất đặc biệt dành riêng làm quà tặng các cựu chiến binh ở Điện Biên Phủ. Chuyến đi thành công. Ngay tại nhà khách Bruno cũng tặng bác Phú Bằng chai rượu quý ấy, ở đầu nhãn hiệu in mấy chữ dịch ra là: Viet Nam 1998 khâm phục, biết ơn các cựu chiến binh Điện Biên Phủ.

Mỗi độ xuân về...

Trong lúc nhiều người trong chúng ta tất tả lo, vun vén đủ thứ cho mình, cho gia đình mình mà Phạm Phú Bằng lại lòng nhẹ tênh tênh thực hiện các chuyến du xuân thiện nguyện khó có thể kể hết trong một bài báo, vả lại chính ông cũng không thích ai “biểu dương”. Và chỉ khi đến mùa xuân này ông đã ở tuổi 90, điều kiện sức khỏe, tuổi tác không cho phép ông tiếp nối các cuộc du xuân bất tận vì người khác như trước nữa. Giờ thì chúng ta xin được thành kính chúc ông đón trọn cái tết vui vầy cùng con cháu và luôn có sức khỏe, trường thọ!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo Phạm Phú Bằng: Đi bộ lên Điện Biên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO