Nhà báo Xuân Thuỷ và báo Cứu Quốc

Thành Vĩnh 21/06/2019 08:00

Ngày 21/4/1950, tại hội trường báo Cứu Quốc ở xóm Roòng Khoa ( xã Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên) Hội Nhà báo Việt Nam chính thức ra mắt. Sự kiện này gắn với tên tuổi một nhà báo nổi tiếng – nhà lãnh đạo xuất sắc Xuân Thuỷ.

Nhà báo Xuân Thuỷ và báo Cứu Quốc

Nhà báo Xuân Thủy (người quàng khăn ngồi giữa) và đồng nghiệp khi làm báo Cứu Quốc tại Chiến khu Việt Bắc - Ảnh: Tư liệu.

Lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam ghi nhận, báo Cứu Quốc giữ một vị trí đặc biệt trong những tháng năm đặc biệt của lịch sử dân tộc. Vì thế, những người phụ trách báo, trực tiếp tham gia viết bài cho báo đều là những nhà chính trị lão luyện, những nhà báo cự phách, như Trường Chinh, Lê Quang Đạo, Xuân Thủy, Nguyễn Thành Lê, Tô Hoài...

Trong đó, nhà báo Xuân Thuỷ là nhân vật chủ chốt thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh để sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam. Trong hồi ký, nhà báo Xuân Thủy viết: “Tình hình đất nước đang diễn biến cực kỳ phức tạp... Nay đã đến lúc các nhà báo chúng ta cần tập hợp lại vào một tổ chức. Tôi đã xin ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người rất hoan nghênh và nói: Người làm báo cũng là chiến sĩ. Người cầm bút, người cầm súng, cầm gươm cùng đoàn kết trong một mặt trận để cùng toàn dân cứu quốc và kiến quốc”.

Tháng 4/1950, tại ATK Chiến khu Việt Bắc, nhà báo Xuân Thủy khi ấy đang là Chủ nhiệm báo Cứu Quốc đứng ra triệu tập các đồng nghiệp, mở Đại hội thành lập “Hội những người viết báo Việt Nam”- năm 1959 đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Nhà báo Xuân Thủy được bầu làm Chủ tịch Hội và được Tổ chức quốc tế Các nhà báo (OIJ) cử vào Đoàn Chủ tịch OIJ, cho tới tháng 9/1962.

Chúng tôi đã có dịp trở lại thôn Roòng Khoa, nơi bây giờ đang có nhà Lưu niệm ghi dấu việc ra đời Hội Nhà báo Việt Nam. Ở đó, bây giờ xanh mướt mát những nương chè. Và với những gì còn lại đang được trưng bày ở đây, người ta hình dung ra được báo Cứu Quốc đã từng giữ một vị trí quan trọng như thế nào. Cho đến khi Hội Nhà báo ra đời với Hội trưởng đầu tiên của Hội là nhà báo Xuân Thuỷ, Cứu Quốc đã 8 năm hoạt động cực kỳ gian khổ nhưng hết sức vinh quang, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp. Khi chúng tôi đến thôn Roòng , tấm chăn sui nhà báo Xuân Thuỷ đắp, mâm gỗ ăn cơm của những người làm báo Cứu Quốc vẫn còn. Và đặc biệt nhất là người dân vẫn còn nhắc tên những người Cứu Quốc thời ấy như Chủ nhiệm Xuân Thuỷ, nhà văn Nam Cao, hoạ sĩ Trần Đình Thọ, nhà báo Nguyễn Tiêu, Thái Duy…

Hoạt động Cách mạng từ năm 1932, năm 1938, bị thực dân Pháp bắt giam ở Hỏa Lò, chàng thanh niên Xuân Thuỷ đã viết bài thơ nổi tiếng “Không giam được trí óc”: “Đời ta đã sẵn một con đường/Ý nghĩ ta đi khắp bốn phương/Đi đến hang sâu vào ngục tối/Gọi hồn nhân loại nắn đau thương”.

Ra tù, ông lại đi hoạt động ở các làng xã của ngoại thành, tuyên truyền chủ trương của Đảng, gây dựng cơ sở. Cuối năm 1939, bị bắt ở ngã tư Canh, làng Hòe Thị, bị thực dân Pháp kết án rồi đày đi Sơn La, ông trở thành đảng viên cộng sản năm 1941 tại chi bộ nhà tù Sơn La. Tháng 5/1941, chi bộ đã quyết định ra tờ báo sinh hoạt nội bộ và lấy tên là Suối Reo. Lúc đầu ông Trần Huy Liệu được cử làm chủ bút, sau đó chi bộ giao cho ông Xuân Thủy phụ trách tờ báo.

Suối Reo xuất bản mỗi tháng hai kỳ, mỗi kỳ nhiều nhất là hai số, khổ rộng 20cmx14cm, viết tay bằng mực tím trên giấy viết thư về nhà của các bạn tù gom lại. Tôn chỉ của Suối Reo được tóm tắt trong 4 câu thơ của nhà thơ Xuân Thủy: “Thu sang hoa cỏ già rồi/Suối reo lên để cho đời trẻ trung/Thu sang non nước lạnh lùng/Suối reo lên để cho lòng ta reo”.

Cuối năm 1943, ra khỏi chốn rừng thiêng nước độc, nhà báo Xuân Thủy lại bị quản thúc ở quê hương. Không chịu tù túng, đầu năm 1944, ông đã bắt được liên lạc với Đảng. Ông được bố trí đưa đến an toàn khu của Trung ương ở vùng Chèm, sau đó sang một cơ sở tại làng Ngọc Giang (Đông Anh).

Tại đây, chính Tổng Bí thư Trường Chinh đã giao cho nhà báo Xuân Thủy phụ trách Đặc san về vấn đề hải ngoại của Báo Cứu Quốc. Khoảng giữa mùa thu năm 1944, ông được Trung ương giao nhiệm vụ chính thức phụ trách Báo Cứu Quốc (Trước đây, báo do Trung ương phụ trách, nay do Xứ ủy trực tiếp phụ trách).

Vừa phụ trách báo vừa trực tiếp viết bài với bút danh Ngô Tất Thắng, Tất Thắng, Chu Lang, những bài báo của nhà báo Xuân Thủy mang hơi thở nóng hổi của thời cuộc, có tác dụng to lớn động viên nhân dân đứng lên chống phát xít Nhật - Pháp: “Hết thảy đồng bào hãy gom tiền vào quỹ mua súng của Việt Minh, hãy sốt sắng ủng hộ các chiến sĩ cứu quốc đang hoạt động, hãy hăng hái tham gia phong trào chống Nhật đang lan rộng. Quân thù đang yếu, cơ hội tốt đang đến. Với quyết tâm chiến đấu, thắng lợi nhất định về ta” (Báo Cứu Quốc, ngày 21/10/1944).

Cuối năm 1944, địch tổ chức vây quét Sài Sơn, hòng bắt sống “lãnh đạo Việt Minh”, do đó, những người làm báo Cứu Quốc phải chuyển sang làng Vạn Phúc (nay thuộc quận Hà Đông); tháng 1/1945 lại chuyển tiếp đến thôn Thu Quế, xã Song Phượng (Đan Phượng).

Ngay sau khi Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, ngày 15/8/1945, Chủ nhiệm Xuân Thuỷ viết bài Nhật đầu hàng, nêu rõ chủ trương của Đảng: Dù trong trường hợp nào, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của dân ta nhất định phải nổ ra. Nhật hàng chỉ tạo điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa của ta dễ dàng thắng lợi hơn (Báo Cứu Quốc, ngày 15/8/1945). Đặc biệt, Lệnh Tổng khởi nghĩa được đăng trang trọng trên Báo Cứu Quốc số 30 như một lời hịch cứu nước của Đảng, đã quy tụ toàn dân nhất tề vùng dậy giành quyền sống trong tự do và độc lập.

Nhà báo Xuân Thuỷ và báo Cứu Quốc - 1

Ngày 19/8/1945, Hà Nội tưng bừng khởi nghĩa. Từ thôn Thu Quế, nhà báo Xuân Thủy về trung tâm thành phố. Ngay tối 19/8, tại Bắc bộ phủ, ông được phân công phụ trách công tác Thông tin - Tuyên truyền - báo chí của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ; ngay sau đó ông đề nghị thành lập Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Báo Cứu Quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh đóng trụ sở tại tòa báo cũ L’ Action ở phố Hàng Trống (nay là Tòa soạn báo Hà Nội mới, 44 phố Lê Thái Tổ). Đồng chí Xuân Thủy là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, đồng chí Văn Tân làm thư ký toà soạn.

Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, để thực hiện sách lược mềm dẻo, Đảng phải tuyên bố tự giải tán, nhưng Cứu Quốc là tờ báo công khai của Đảng vẫn ra hàng ngày. Chỉ 5 ngày sau khi Tổng khởi nghĩa thắng lợi, ngày 24/8/1945, Báo Cứu Quốc số 31 đã phát hành rộng rãi, công khai. Trang nhất của báo trang trọng đăng bài xã luận của nhà báo Xuân Thủy: “Lời chào Cứu quốc”.

Từ đó, những sự kiện quan trọng diễn ra ở Thủ đô và đất nước đều được đăng tải trên báo Cứu Quốc, củng cố niềm tin của nhân dân, cổ vũ quần chúng đoàn kết, kháng chiến - kiến quốc, giữ vững độc lập dân tộc. Đặc biệt, các bài xã luận cô đọng, xúc tích, luôn có sức nặng “Ngàn cân” đối với cán bộ đảng, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân: “Giờ đây, Tổ quốc thân yêu của chúng ta lại đang qua cơn thử thách gay go. Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết… Không có một sức mạnh nào có thể thắng được cả một dân tộc đã giác ngộ, đoàn kết, kiên quyết phấn đấu vì độc lập tự do” (Báo Cứu Quốc ngày 29/5/1946).

Cùng với nhiệm vụ phụ trách Báo Cứu Quốc, lúc này nhà báo Xuân Thuỷ còn đảm nhận nhiều trọng trách như: đại biểu Quốc hội khóa I, Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khóa I; Ủy viên Thường vụ Tổng bộ Việt Minh. Đầu tháng 11/1946, quán triệt chủ trương gấp rút chuẩn bị kháng chiến, nhà báo Xuân Thủy đề nghị cần phải tổ chức làm Báo Cứu Quốc ở các tỉnh, thành trong toàn quốc. Bài viết của ông: “Giờ nghiêm trọng”, đăng ngày 12/12/1946 trên Báo Cứu Quốc báo hiệu cho toàn dân nhất tề đứng đậy kháng chiến giữ nền độc lập của Tổ quốc: “Toàn thể chúng ta hãy tỉnh táo và sẵn sàng quyết đánh”.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ nhiệm Xuân Thủy cùng cơ quan báo Cứu Quốc rời khỏi nội thành. Đầu năm 1947, Báo Cứu Quốc chuyển ra Sài Sơn. Tin và bài về cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Hà Nội quyết tử để Tổ quốc quyết sinh vẫn được đăng tải đều đặn. Suốt những năm kháng chiến, Cứu Quốc với sự trực tiếp phụ trách của nhà báo Xuân Thuỷ là tờ báo hằng ngày duy nhất của Đảng và nhân dân ta.

Nhà báo Nguyễn Thành Lê, nguyên Chủ bút báo Cứu Quốc, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam từng khẳng định: “Nhà báo Xuân Thủy là linh hồn của báo Cứu Quốc”.

Ngày 18/6/1985, trước khi ông đột ngột ra đi tại nhà riêng, ông đang viết lịch sử báo Cứu Quốc.

Cuộc đời nhà cách mạng Xuân Thuỷ gắn với nhiều trọng trách khác nhau, thành công ở các vị trí khác nhau, trong đó ông nổi tiếng là ở cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Paris. Ông từng giữ trọng trách cao của Đảng, Nhà nước như Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc Hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Trưởng ban Dân vận và Mặt trận Trung ương, Bí thư Đảng đoàn Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam… Nhưng mãi mãi, với những người làm báo Việt Nam và với báo Cứu Quốc, ông là một nhà báo xuất sắc, “linh hồn của báo Cứu Quốc” – tờ báo tiền thân của Đại Đoàn Kết ngày nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo Xuân Thuỷ và báo Cứu Quốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO