Nhà cổ ở Hội An: Xuống cấp nhưng tiền đâu mà sửa

Tấn Thành 15/02/2017 14:36

“Nắng thì nhìn thấu trời, còn mưa phải mang con đi gửi nhà bạn”, chủ một ngôi nhà cổ tại Hội An chán nản.

Người dân cho rằng, vinh hạnh được sống trong nhà cổ nhưng khổ cũng nhiều.

Tại nhà cổ số 95 Nguyễn Thái Học, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa xảy ra vụ cháy vào lúc 4h sáng ngày 15/2. Vụ cháy đã thiêu rụi một quầy bar. Tuy vụ cháy được phát hiện và chữa cháy kịp thời nhưng lại bùng lên nỗi lo nhà cổ xuống cấp, nhiều ngôi nhà có nguy cơ dễ cháy, dễ sụp đổ.

Xuống cấp trầm trọng

Về vụ cháy nói trên nhờ nhiều người dân sinh sống cạnh nhà cổ này phát hiện khi thấy khói bốc ra nghi ngút và đã tổ chức phá cửa xông vào khống chế đám cháy và trình báo cơ quan chức năng.

Ngay sau đó lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Quảng Nam đã điều động nhiều xe chữa cháy và lực lượng tiếp cận hiện trường khống chế và dập tắt đám cháy.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An, vụ cháy chỉ gây thiệt hại về bàn ghế, tủ lạnh tại quầy bar. Nguyên nhân ban đầu được xác định do chập điện. Vì được phát hiện kịp thời nên đã hạn chế thiệt hại rất nhiều.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra cháy nhà cổ, mà là vụ cháy nhà cổ thứ 2 trong vài tháng qua ở TP Hội An. Trước đó, khoảng 15h ngày 12/11/2016, tại ngôi nhà cổ số 76 Nguyễn Thái Học cũng xảy ra hỏa hoạn thiêu rụi nhiều vật dụng. Rất may, vụ cháy được kịp thời dập tắt.

Vụ cháy nhà cổ mới nhất ở nhà anh Hồ Hoàn Toàn.

Trước đó vào tháng 7/2013 căn nhà cổ số 134 đường Trần Phú, nằm cạnh khu vực Công viên Kazic ở phố cổ Hội An bốc cháy dữ dội. Hay như tháng 8/2012 lửa cũng đã thiêu rụi ngôi nhà cổ số 94 đường Trần Phú…

Nhưng nhà cổ ở Hội An không chỉ đối diện với cháy, mà nỗi lo nhãn tiền ngày đêm đó là sự xuống cấp. Từ năm 1997 đến 2003 tại phố cổ Hội An đã có 3 ngôi nhà sụp đổ.

Như tháng 10/2003, ngôi nhà cổ số 48 đường Bạch Đằng phố cổ Hội An đã bất ngờ sập đổ.

Nói về nỗi lo nhà cổ xuống cấp, cụ Thái Thị Sâm (97 tuổi), chủ ngôi nhà số 77 đường Trần Phú cho biết: “Ngôi nhà cổ này xây dựng cách đây hơn 300 năm. Do lâu đời và ảnh hưởng thời tiết nên ngôi nhà bị xuống cấp trầm trọng nhưng việc trùng tu cũng gặp khó khăn, vả lại gia đình không có kinh phí trùng tu, chỉ sửa chữa những cái nhỏ nhỏ thôi!”.

Ngôi nhà cổ 300 tuổi của cụ bà Thái Thị Sâm bị mục nát nhiều hạng mục.

Còn tại một ngôi nhà khác ở số 26 Trần Quý Cáp, TP Hội An, anh Hồ Hoàn Toàn (42 tuổi) chủ nhà cho biết: “Ngôi nhà này có tuổi thọ trên 100 năm, nhưng hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhất là 10 năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, ngôi nhà càng xuống cấp”.

Khổ trăm bề trong nhà cổ

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam cho phóng viên Đại Đoàn Kết, biết: “Thời gian qua những công trình di tích, nhà cổ cần trùng tu cấp thiết vẫn được TP Hội An và sở trình lên UBND tỉnh, và tỉnh cũng đã có phương án cụ thể để trùng tu những trường hợp cấp thiết. Còn công tác kiểm tra độ an toàn của nhà cổ ở Hội An vẫn được các ngành chức năng tiến hành kiểm tra thường xuyên, có phương án chằng chống những ngôi nhà có nguy cơ sụp rồi lên phương án tu bổ khẩn cấp. Nhất là mùa mưa, bão phải kiểm tra độ an toàn ngôi nhà, nếu nhà nào không an toàn, phải di dời khẩn cấp người dân đến nơi an toàn”.

Tuy nhiên những ngôi nhà cổ hầu như được làm bằng làm hoàn toàn bằng gỗ, có những gian nhà chính, hầu hết cột đã bị mối mọt gặm nát, phần máng xối bong tróc. Có gia đình trước đây ở trên gác nhưng nay đành dọn xuống tầng trệt vì hầu hết kèo cột đã bị mục rỗng, không an toàn.

Cụ Thái Thị Sâm cho biết: “Chúng tôi rất tự hào khi được sống trong ngôi nhà cổ, nhưng do xuống cấp nên chúng tôi rất lo bị sụp. Mỗi khi trời mưa lớn, gió bão gia đình phải đi ở nơi khác chứ không dám ở trong nhà. Tôi tha thiết mong rằng nhà nước sớm tu bổ, chứ đừng để đổ sụp xuống hư hỏng hết các kiến trúc cổ thì không có ý nghĩa gì hết”.

Còn anh Hồ Hoàn Toàn cho biết: “Do là nhà cổ nên muốn sửa theo ý mình cũng không được, vả lại nếu sửa thì tiền rất lớn, gia đình không đủ kinh phí. Hiện nay mái ngói rêu phong trên trăm năm tuổi cũng đã vỡ nhiều nơi khiến nước thấm xuống sàn gỗ, chảy vào nhà mỗi khi mưa lớn. Ai đó nói sống nhà cổ sướng lắm, chứ có biết đâu chúng tôi đang nỗi khổ trăm bề. Nắng thì nhìn thấu trời, còn mưa phải mang con đi gửi nhà bạn, nhiều lúc ngồi ngủ chứ nằm không được, nước mưa tràn khắp nhà…”.

Bao giờ mới hết nỗi lo nhà cổ xuống cấp, sụp đổ, bị cháy?

Vừa qua, chúng tôi đã có chuyến đi thực tế khảo sát dọc khu phố cổ Hội An. Hiện tại có khoảng 15 ngôi nhà nằm trong diện xuống cấp trầm trọng, nhiều khung gỗ hư hỏng, nguy cơ sụp đổ trong mùa mưa bão, đa số các nhà nằm ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Phan Châu Trinh, Tiểu La, Bạch Đằng,…

Hội An có hơn 1.108 di tích trong phố cổ và 259 di tích là đền, miếu ngoài phố cổ. Năm qua, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (TTBTDS) đã tiếp nhận 56 lượt hồ sơ sửa chữa di tích trong khu phố cổ. Qua kiểm tra, khảo sát và xem xét, đơn vị đã tham mưu cấp phép 52 hồ sơ.

Trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của 15 ngôi nhà cổ tại Hội An, TTBTDS đã đề xuất xin 100% kinh phí trùng tu 4 ngôi nhà từ nguồn vốn Nhà nước, còn lại 11 ngôi nhà sẽ do chủ sở hữu cùng Nhà nước góp kinh phí tu bổ, sửa chữa.

Được biết, tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa IX, ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam đã trình HĐND “Đề nghị ban hành một số cơ chế đặc thù đối với TP Tam Kỳ, TP Hội An, thị xã Điện Bàn và huyện Núi Thành đến năm 2020”.

Trong đó, đối với TP Hội An, giai đoạn 2017-2020, cân đối các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư công trình trọng điểm trên địa bàn TP Hội An với tổng mức tối đa là 80 tỷ đồng (trung bình mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng) để đầu tư các lĩnh vực hạ tầng phố cổ, trùng tu di tích, kè chống sạt lở.

Tuy nhiên, hiện nay tại phố cổ Hội An, Quảng Nam có rất nhiều hộ dân sinh sống trong những nhà cổ như đã nói ở trên, họ luôn thấp thỏm lo âu, họ chỉ mong Nhà nước quan tâm hơn nữa, sớm đưa ra nhiều phương án quản lý, bảo tồn và hỗ trợ trùng tu các di sản này.

Ông Đinh Hài cho biết: “Tại Hội An, những di tích xếp hạng đặc biệt ở mặt tiền sẽ được Nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí, ở trong kiệt (ngõ, hẻm) hỗ trợ 75%. Với các di tích nhà cổ loại 1, loại 2 mức hỗ trợ của Nhà nước sẽ là 45% ở mặt tiền và 65% ở trong kiệt…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà cổ ở Hội An: Xuống cấp nhưng tiền đâu mà sửa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO