Nhà hát Lớn trước giờ G

Hoàng Thu Phố 28/08/2016 09:25

Chỉ còn vài ngày nữa, “thánh đường nghệ thuật” Nhà hát Lớn Hà Nội bắt đầu sáng đèn đón các tác phẩm tiêu biểu, chất lượng cao của 12 nhà hát trực thuộc Bộ VHTT&DL. Trước hết là thế, rồi mơ ước xa hơn, Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ luôn được thắp sáng bởi những tác phẩm đỉnh cao, để nhân dân và khách du lịch cùng thưởng thức. Tuy vậy, trước giờ G, vẫn còn nhiều băn khoăn.

Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Hoàng Nguyên.

Không thể phủ nhận chủ trương biểu diễn các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu tại Nhà hát Lớn Hà Nội hướng tới xây dựng tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, bảo tồn nghệ thuật truyền thống của Bộ VHTT&DL. Giới trí thức lẫn các nghệ sĩ đều ủng hộ quyết định này. Phải nói, đó là một quyết định cần thiết lúc này, nếu không sẽ quá muộn.

Tuy nhiên, có quá vội không trong công tác chuẩn bị, khi mà thời gian chuẩn bị cho dự án lớn này chỉ trong vòng vài tháng? Vẫn biết, 12 nhà hát trực thuộc Bộ VHTT&DL vì thế có thể “huy động một cái” là xong. Nhưng đây không phải là một kỳ liên hoan, “xong xuôi tất cả lại về”! Đây là một chiến lược văn hóa, cần có sự chuẩn bị, không chỉ ở kịch mục biểu diễn, không chỉ ở tên tuổi nghệ sĩ, diễn viên mà còn cả ở việc tưởng nhỏ nhưng có tính quyết định: đó là tâm lý của cộng đồng muốn thụ hưởng nghệ thuật. Nếu chúng ta không chuẩn bị tốt điều này, khán giả sẽ ít quan tâm, mà ít quan tâm thì họ không tới rạp, dù đó là rạp hơn 100 năm tuổi Nhà hát Lớn!

Chúng ta đều biết, lâu rồi, khán giả Hà Nội nói riêng và ở nhiều vùng miền khác đã không có thói quen mua vé tới rạp thưởng thức các chương trình nghệ thuật, phim ảnh. Chính vì vậy, “khởi động” lại một thói quen đã mất ở nhiều người, hoặc thay đổi thói quen của họ, cần phải có một khoảng thời gian thông qua nhiều hoạt động tuyên truyền hiệu quả.

Khi chuẩn bị kỹ điều này, khi các kịch mục được lên trước ít nhất theo từng quý và được các đơn vị nghệ thuật truyền thông hiệu quả, thì công chúng mới biết, mới sẵn lòng mua vé và các tour du lịch mới có thể đưa được vào các chương trình của họ. Còn như hiện nay, trước giờ G, có mặt trước cửa Nhà hát Lớn, vẫn thấy quá ít người đến mua vé.

Một đạo diễn sân khấu nổi tiếng ở Hà Nội rỉ tai người viết: “Đừng lo! Khán phòng Nhà hát Lớn vẫn sẽ được lấp đầy khán giả”. Nói rồi ông cười. Cái cười đầy ngụ ý. Chúng ta đã quen với việc xem phim, xem kịch miễn phí, đến rạp bằng vé mời. Tâm lý ấy thường thấy. Ở bất cứ liên hoan phim nào, cứ phát vé miễn phí là khán giả ùn ùn tới rạp. Để thay đổi tâm lý ấy, nếu chúng ta không chuẩn bị, thì chuyện phủ kín rạp bằng vé mời sẽ là điều có thể nhìn thấy.

Nhưng điều đó hoàn toàn không bền vững! Đó là chưa kể, khi bước chân vào Nhà hát Lớn, nói như PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, khán giả còn phải có “tâm thế xứng đáng”. PGS Minh Thái lý giải: “Tất cả các tiết mục nghệ thuật chất lượng cao vào Nhà hát Lớn, đây là “thánh đường nghệ thuật” nên người xem không thể ăn mặc lăng nhăng để vào đây”.

Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi khác cũng được đặt ra: Liệu chúng ta thực sự đã có những tác phẩm đỉnh cao trong khi đang thiếu vắng, mai một dần những nghệ sĩ tài năng? Liệu dự án này có đi được đường dài trong điều kiện eo hẹp về tài chính? Liệu các nhà hát, các đạo diễn có thực sự sống chết với dự án “giải cứu” nghệ thuật truyền thống hay chỉ coi đây như một “cuộc chơi”? Bởi chỉ có máu lửa, có sống chết với nghề thì mới có thể biến một ý tưởng hay thành hiện thực.

Cứ làm đi rồi tính, cũng là một cách. Nhưng điều ấy khiến người ta lại băn khoăn, trong khi các vở diễn được coi là “đinh” của 12 nhà hát bấy lâu nay đã công chiếu, mà khán giả hoặc không biết hoặc không mặn mà, thì liệu khi diễn tại Nhà hát Lớn có thực sự kéo được khán giả đến xem nữa không? Hay chỉ là cơ hội để các nhà hát, các nghệ sĩ thỏa mãn “được biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn?”

Một chủ trương đúng, thì rất xứng đáng được Nhà nước đầu tư. Khi đó, tiền vé sẽ được hỗ trợ. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nêu dẫn chứng: Ở các nước khác, Nhà nước, Chính phủ sẵn sàng chịu tiền vé cho chiếc ghế xem nghệ thuật. Ví dụ ở Pháp, Nhà nước “gánh” 60% tiền ghế cho khán giả vào xem, như thế, người bình dân mới vào được. Như thế mới tạo thành thói quen thưởng thức nghệ thuật cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà hát Lớn trước giờ G

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO