Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) vận hành thử nghiệm: Mùi hôi thối và khói bụi nồng nặc!

Lê Quốc Khánh 31/03/2017 08:35

Hơn 20 ngày qua, kể từ ngày 7/3/2017, khi nhà máy giấy Lee & Man của Công ty TNHH giấy Lee & Man (Hong Kong - Trung Quốc) đặt tại cụm công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang hoạt động thử nghiệm trở lại, thì mùi hôi thối và khói bụi lan tỏa nồng nặc cả một vùng thuộc ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm.

Nhà máy có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa hoàn chỉnh.

Nhà máy giấy Lee & Man có diện tích 80 ha, với tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỉ USD, được xem là có quy mô lớn nhất Việt Nam và nằm trong số 5 nhà máy giấy lớn nhất thế giới.

Được phép của Cục Môi trường miền Nam thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho phép, chịu sự giám sát của địa phương và Bộ TN-MT, nhà máy vận hành thực nghiệm và xả thải.

Tuy nhiên, ngày 27/3/2017, 58 hộ dân ấp Phú Xuân đã phải đồng loạt ký tên vào đơn gửi đến chính quyền thị trấn, huyện và tỉnh yêu cầu nhà máy có biện pháp xử lý mùi hôi thối và khói bụi.

Anh Huỳnh Minh Thành – một người dân ấp Phú Xuân bức xúc: “Từ ngày 11/3 đến nay, cả ngày lẫn đêm, người dân không thể nào chịu nổi mùi hôi thối do Nhà máy Lee & Man thải ra.

Mới có mấy ngày mà tấm trần nhà bằng nhựa của tôi ám khói đen thui. Đến mức, ngủ phải bịt khẩu trang chứ không thể chịu nổi mùi thối. Ban ngày mùi thối còn ít chứ về đêm, mùi hôi thối càng nồng nặc hơn”! Anh Thành cho biết thêm gia đình anh và hộ lân cận mấy năm qua, thu nhập bằng nghề làm vườn và nuôi cá trên sông Mái Dầm – nhánh của sông Hậu.

Từ đầu năm 2017 đến nay, anh và bà con không dám nuôi cá nữa vì sợ nguồn nước ô nhiễm, cá chết. Mỗi năm, thu nhập từ nuôi cá điểu hồng của gia đình anh Thành khoảng 200 triệu đồng. Bà con trong ấp đã làm đơn gửi đến các cấp chính quyền. Nếu không khắc phục được ô nhiễm, nhà máy phải có biện pháp bồi hoàn cho người dân để người dân tìm nơi khác ổn định cuộc sống.

Anh Kha Việt Ban, cán bộ ban tuyên giáo thị trấn cho biết, thị trấn đã nhận được đơn của bà con phản ảnh và đã báo cáo lên huyện và huyện cũng đã có báo cáo lên tỉnh.

Ông Tống Hoàng Khôi, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: Sáng ngày 30/3/2017, sau khi nhận được đơn của bà con ấp Phú Xuân, Thường trực UBND huyện đã có văn bản báo cáo với UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh về tình hình thực tế đang diễn ra tại nhà máy giấy Lee & Man. Trước đó, huyện cũng có cử cán bộ tham gia với Tổ giám sát qúa trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của Lee & Man.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang qua điện thoại, ông Tuấn xác nhận: Nhà máy giấy Lee & Man Nhà máy Lee & Man được phép vận hành trở lại từ ngày 7/3 và kéo dài trong 6 tháng.

Sau khi vận hành thử nghiệm, đơn vị sẽ có báo cáo đánh giá, hoàn tất hồ sơ, thủ tục để được Tổng cục Môi trường và Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang cấp giấy hoạt động chính thức. Ông Tuấn nói khi vận hành thử nghiệm trở lại có phát sinh mùi hôi nhưng đã xử lý xong (?!).

Tuy nhiên, sáng 30/3, khi chúng tôi đến hiện trường, mùi hôi thối vẫn bốc nồng nặc, khó chịu. Chúng tôi được một cán bộ cho biết: Hệ thống giám sát chưa được lắp đặt, nhưng đã cho phép nhà máy vận hành thử nghiệm. Phía Sở TN-MT tỉnh, Ban quản lý khu công nghiệp Hậu Giang thì tránh báo chí.

Trước đó, dư luận cũng như các nhà khoa học nhận định: Khi Nhà máy giấy Lee & Man đi vào sản xuất, sông Hậu có nguy cơ bị đầu độc bởi công nghệ sản xuất giấy sử dụng một lớn hóa chất trong đó có hóa chất xút (NaOH) thải ra môi trường, nguy cơ hủy hoại môi trường sông Hậu.

Theo các nhà khoa học: Công nghiệp giấy được xếp vào loại gây ô nhiễm hơn cả công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là sử dụng nhiều chất tẩy độc hại trong quá trình sản xuất và việc tái chế giấy càng thải ra nhiều chất độc hại.

Cũng trước đó, VASEP đã gửi văn bản báo cáo tới Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề nghị Bộ có ý kiến với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan về việc này.

Sau khi nhận được kiến nghị của VASEP và được sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 6/9/2007, Cục Lâm nghiệp đã có công văn trả lời về vụ việc trên, nêu rõ: Theo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” thì không quy hoạch xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang và theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thế nhưng báo cáo số 72/BC-UBND ngày 17/6/2016 của UBND tỉnh Hậu Giang gửi Thủ tướng Chính phủ nhận định cơ sở pháp lý về dự án Lee & Man là sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm và nhà máy bột giấy tẩy trắng sản lượng 330.000 tấn/năm tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, trong đó phía nhà máy phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra sông.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với công suất thiết kế 420.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng công suất 330.000 tấn/năm đã được phê duyệt, Lee & Man xây dựng trạm xử lý nước thải 155.000 m3/ngày đêm, đầu tư thành 2 giai đoạn trong đó giai đoạn 1 xây dựng nhà máy xử lý nước thải (NMXLNT) công suất 50.000 m3/ngày đêm và giai đoạn 2, xây dựng NMXLNT công suất 105.000 m3/ngày đêm. Tuy vậy, đến năm 2016, Lee & Man chỉ mới xây dựng NMXLNT công suất 20.000 m3/ngày đêm (!?).

Ông Nguyễn Minh Thế, Phó giám đốc Sở TN&MT thành phố Cần Thơ cho biết: Cần Thơ nằm ở ranh giới rất gần với nhà máy giấy, trong khi nguồn nước ở sông Hậu lên xuống, vì vậy ở hạ nguồn hay thượng nguồn nước lên xuống đều bị ảnh hưởng.

Giải pháp nên làm lúc này là: Chúng ta có thể liên hệ với Hậu Giang, Sở TN&MT Hậu Giang để biết được những thông số xả thải. Phía Cần Thơ sẽ bố trí những điểm quan trắc online tự động gần điểm giáp với Hậu Giang, với nhà máy giấy để cập nhật thông số và chuẩn xác sớm 15 phút, 30 phút để có cảnh báo sớm tới cơ quan chức năng và người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) vận hành thử nghiệm: Mùi hôi thối và khói bụi nồng nặc!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO