Nhà nghiên cứu, ‘giáo sư’ Nguyễn Trần Bạt qua đời

B.Phúc (tổng hợp) 16/12/2020 09:49

Vào hồi 19h30 ngày 15/12, luật gia, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt đã qua đời sau một cơn đột quỵ

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt.

Vào hồi 19h30 ngày 15/12, luật gia, nhà nghiên cứu được nhiều người gọi thân mật với biệt danh “giáo sư" Nguyễn Trần Bạt đã qua đời sau một cơn đột quỵ

Ông Nguyễn Trần Bạt nổi tiếng trong giới luật sư, tư vấn đầu tư, kinh doanh và nghiên cứu phát triển nhờ sự am tường về kiến thức nhiều lĩnh vực, có trải nghiệm thực tế kinh doanh và là nhà trí thức liên tục có các đề xuất cải cách phát triển, cũng như có những tư vấn đổi mới quản lý kinh tế…

Ông Nguyễn Trần Bạt 74 tuổi, xuất thân trong một gia đình trí thức tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Ông bắt đầu sự nghiệp là một người lính, sau đó làm nghiên cứu tại Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải. Nhưng giai đoạn để lại nhiều dấu ấn của ông chính là bước ra kinh doanh cùng với sự đổi mới của đất nước. Năm 1987, ông Nguyễn Trần Bạt khởi xướng việc thành lập Văn phòng Xúc tiến các hoạt động sở hữu công nghiệp Việt Nam, tiền thân của Công ty Sở hữu Công nghiệp INVESTIP thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Năm 1989, ông cùng với một số đồng nghiệp thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư và Chuyển giao Công nghệ (có tên giao dịch là InvestConsult Ltd).

Đây là công ty đầu tiên ở Việt Nam làm nhiệm vụ kết nối đầu tư nước ngoài. Khách hàng là những nhà đầu tư đến Việt Nam được tư vấn một cách đầy đủ từ luật pháp, đến các quy trình thực hiện một dự án, các phương án gỡ rối cho doanh nghiệp, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…

Nhờ sự am hiểu, những nghiên cứu xuất sắc và đóng góp phát triển mọi người vẫn thường gọi ông bằng cụm từ “Giáo sư Nguyễn Trần Bạt” dù ông không phải giáo sư.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt cũng được nêu danh trong cuốn Barons Who's Who in Vietnam và Barons Who's Who in Asia Pacific như một luật sư và nhà tư vấn xuất sắc.

Ông cũng là tác giả của rất nhiều bài báo, sách và các công trình nghiên cứu tập trung vào nội dung làm thế nào Việt Nam phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá.

Trong đó nổi bật nhất là các cuốn sách như: Văn hóa và con người (2005), Cải cách và sự phát triển (2005), Suy tưởng (2005), Cội nguồn cảm hứng (2008), Đối thoại với tương lai (2010), Vượt qua những giới hạn (2013), Con người là tinh hoa của nhau (2014)…

Trong một số bài báo đăng phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt, có bài viết của báo Tiền Phong "Thương nhân, thương hiệu và căn tính Việt", ông Nguyễn Trần Bạt nêu quan điểm: "Thương hiệu là một đầu tư, thương hiệu là một hệ thống giá trị có thể quy ra tiền. Thương hiệu là kết quả của việc chi phí hàng triệu đô la đối với một công ty vừa, hàng tỷ đô la đối với một công ty khổng lồ. Thương hiệu là kết quả của quá trình đầu tư. Tôi chưa nói đến đầu tư và trong việc sáng tạo ra sản phẩm, mà chỉ nói có sản phẩm rồi thì việc tổ chức hệ thống quảng cáo của nó như thế nào để nó được mở rộng vùng ảnh hưởng, để có thị trường rộng lớn thì thương hiệu là đầu tư. Thương hiệu là tiền, thương hiệu không phải là một khái niệm tinh thần thuần túy, mặc dù đôi khi nó được thể hiện với khái niệm tinh thần. Chúng ta lạm dụng quá khái niệm tinh thần, vì thế cái gì chúng ta cũng Vina, từ Vinashin đến… Vinamit, cứ tưởng tên của nó là thương hiệu, không phải thế. Thương hiệu là chất lượng, chứ không chỉ là cái tên".

Trong bài báo của Đại Đoàn Kết "Tăng phí BOT và câu chuyện hài hoà lợi ích" của nhà báo Cẩm Thúy có đoạn: "Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt đã chia sẻ với báo chí rằng chính phẩm chất tằn tiện, dành dụm, thắt lưng buộc bụng của người Việt Nam sẽ giúp cho nền kinh tế của chúng ta hồi phục. Cũng như trong những lần khủng hoảng kinh tế trước đây, nông dân và nông nghiệp đã trở thành bệ đỡ cho cả nền kinh tế.

Sẽ chắc chắn không chỉ có doanh nghiệp BOT kêu khó, nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp đều đã và đang kêu khó. Tăng phí BOT vào thời điểm này là tạo ra tiền lệ để nhiều ngành, nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh đòi tăng phí, tăng giá. Và hậu quả là dồn gánh nặng lên vai những người dân vốn đang tằn tiện, thắt lưng buộc bụng để tự vượt qua khó khăn.

Có lẽ, vào lúc này, không chỉ đối với dự án BOT mà trên tổng thể của cả nền kinh tế vào giai đoạn phục hồi, bài toán muôn thuở là hài hoà lợi ích Nhà nước – người dân – doanh nghiệp lại phải được tìm ra lời giải".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà nghiên cứu, ‘giáo sư’ Nguyễn Trần Bạt qua đời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO