Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc: Kiếm tìm và sẻ chia

Kiều Ngọc Linh 31/07/2021 14:00

Trong đại dịch Covid-19, nhiều người Việt Nam sống và học tập ở nước ngoài đã bày tỏ tình yêu của mình hướng về quê hương, đất nước. Mỗi người một cách khác nhau, nhưng cùng chung một tấm lòng với Tổ quốc. Trong số đó, có nhà phát minh Trần Ngọc Phúc - Chủ tịch Tập đoàn Metran, Nhật Bản. Năm ngoái, những chiếc máy trợ thở do ông nghiên cứu, chế tạo đã được chuyển về Việt Nam. Còn năm nay, ông cùng các cộng sự thực hiện Dự án “Khẩu trang không khí của tương lai”.

Tuổi 74, nhà phát minh Trần Ngọc Phúc vẫn miệt mài tìm những sáng chế ứng dụng cao.

Phát triển “vũ khí” khẩu trang

Đại dịch Covid-19 đã khiến thế giới đảo lộn. Và khẩu trang trở thành một trong những “vũ khí” để ngăn ngừa virus SARS CoV-2. Khẩu trang, từ chỗ nhiều nước trên thế giới chưa mấy quan tâm, thì khi Covid-19 hoành hành cũng phải thay đổi suy nghĩ. Thế nhưng, làm sao để chiếc khẩu trang ngày càng tiện dụng hơn, không gây khó thở mà vẫn có tác dụng ngăn chặn virus, đó là câu chuyện khiến nhiều người quan tâm.

Với nhà phát minh Trần Ngọc Phúc - một người vốn được ví là “cha đẻ” của máy hô hấp nhân tạo tần số cao Hummingbird, máy thở MV20 - việc bắt tay vào dự án “Khẩu trang không khí của tương lai” bắt đầu từ một câu chuyện.

Chuyện là, hồi đầu năm 2020, một lần nghe thông tin về trường hợp cậu bé 15 tuổi ở Vũ Hán (Trung Quốc) tử vong vì đeo khẩu trang N95 lúc chạy, ông Phúc cảm thấy mình cần phải tìm ra giải pháp khắc phục vấn đề khó thở khi đeo khẩu trang.

Không lâu sau đó, ông bắt tay nghiên cứu và chế tạo khẩu trang. Ông Phúc đặt ra yêu cầu phải giải quyết 3 yếu tố: thoáng khí, lọc khuẩn và diệt virus. Sau hơn một năm, đến tháng 6 vừa qua, sản phẩm được hoàn thiện.

Khi công bố sản phẩm, người ta nhận ra khẩu trang do nhà phát minh Trần Ngọc Phúc cùng các cộng sự tạo ra được làm bằng tấm nhựa y tế trong suốt chống mờ, không thẩm thấu để ngăn các giọt bắn từ miệng đọng lại và thoát ra ngoài. Nó khác hẳn với sản phẩm bằng vải hoặc dùng một lần.

Để giải quyết sự thoáng khí nhằm, cung cấp nguồn khí sạch cho người dùng trong vùng có nguy cơ lây nhiễm kể cả khi đeo khẩu trang, ông Phúc và cộng sự chế tạo thêm thiết bị lọc đi kèm nhỏ bằng bàn tay, được nối với khoang khẩu trang bằng một ống dẫn khí dài hơn 1 m. Áp dụng cơ chế áp lực dương, lượng khí sạch được đưa trực tiếp lên khoang khẩu trang, tạo môi trường thông thoáng, hỗ trợ hoạt động trao đổi khí của các tế bào phổi.

Ngoài ra, bên trong thiết bị có màng lọc chống bụi mịn PM 2.5, phấn hoa gây dị ứng và virus kích thước 0,12 micromet. Thay vì sử dụng tia UV, bộ lọc tích hợp đèn xúc tác quang học giúp tăng khả năng diệt virus. Khi ánh sáng chiếu vào màng lọc sẽ sinh ra một chất OH radical có chức năng hút oxy của virus ở màng lọc, tiêu diệt virus trong vài mili giây.

Theo ông Phúc, việc sử dụng tia UV khử khuẩn, diệt virus trong trường hợp này có thể gây hại cho phổi vì thời gian để tiêu diệt virus cần tới trên 10 giây. Do đó, bộ lọc trong tương lai được bổ sung cảm biến đo áp lực và mức độ ô nhiễm không khí, cung cấp người dùng bằng kết nối không dây với điện thoại.

Để thuận tiện cho các mục đích không giống nhau, ông Trần Ngọc Phúc phát triển 3 phiên bản dùng cho sinh hoạt hàng ngày, vùng dịch bệnh và môi trường nhiều khí độc (nhà máy, hầm than). Điều đáng quý nữa, theo ông Phúc, sản phẩm phù hợp với mọi lứa tuổi trong từng điều kiện môi trường khác nhau. Riêng khẩu trang dùng trong vùng dịch và môi trường khí độc được tích hợp thêm màng lọc hoặc màng chắn zeolite tăng cường bảo vệ khỏi những tác nhân gây bệnh.

Với Dự án “Khẩu trang không khí của tương lai”, nhà phát minh Trần Ngọc Phúc cùng các cộng sự đang tạo ra sản phẩm khẩu trang ứng dụng công nghệ, thoải mái khi trời nóng bức, không gây ngạt thở, có tác dụng làm mát phổi, thậm chí không cần đến điều hóa, qua đó phần nào giúp tiết kiệm điện năng.

Ông Phúc cho biết, dự kiến vào giữa tháng 8 tới, sau quá trình thử nghiệm và đạt yêu cầu đưa ra thị trường, cả ba phiên bản này sẽ được ra mắt.

“Tôi mong rằng khẩu trang sẽ sớm trở thành một phong cách (lifestyle) để hành động đeo khẩu trang trở nên phổ biến và gần gũi hơn với mọi người. Chiếc khẩu trang chúng tôi sắp cho ra mắt tạo luồng không khí mát cho phổi, thậm chí không cần đến điều hòa, phần nào giúp tiết kiệm điện năng”, ông Trần Ngọc Phúc chia sẻ.

Chiếc khẩu trang “của tương lai” này không chỉ thích hợp để kháng virus Covid-19 dành cho người già và trong môi trường bệnh viện mà còn có thể lọc được bụi mịn 2.5.

Chia sẻ với quê hương

Sinh năm 1947 tại Huế, năm 22 tuổi, chàng trai Trần Ngọc Phúc sang Nhật Bản du học với mong muốn tích lũy kiến thức, kinh nghiệm chuẩn bị cho sự nghiệp kinh doanh ở quê hương. Tốt nghiệp kỹ sư tại Đại học Tokai ở Kanagawa, Trần Ngọc Phúc tới làm thực tập sinh, sau đó trở thành nhân viên chính thức ở công ty Senko Medical. Nhưng sự kiện 1975 đã khiến chàng kỹ sư trẻ Trần Ngọc Phúc hoàn toàn mất liên lạc với gia đình. Song, nhờ sự động viên của người thầy dạy kiếm đạo mà Trần Ngọc Phúc đã dần lấy lại được thăng bằng. Sau đó, những công việc của ông Trần Ngọc Phúc đã bắt đầu để lại những dấu ấn nhất định, củng cố niềm tin cho một sự nghiệp với nhiều phát minh sau này.

Trước Dự án “Khẩu trang không khí của tương lai”, máy hô hấp nhân tạo cao tần số HFO là phát minh quan trọng làm nên tên tuổi của nhà phát minh Trần Ngọc Phúc. Máy thở hô hấp nhân tạo đã được sử dụng tại 90% bệnh viện, phòng điều trị cho trẻ sơ sinh ở Nhật Bản. Sản phẩm này đã duy trì sự sống cho trẻ sinh non, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và không có di chứng. Điều này có ý nghĩ vô cùng quan trọng, để lại dấu ấn khoa học Trần Ngọc Phúc tại đất nước mặt trời mọc, nơi có nhiều phát minh cho nhân loại.

Ông Phúc cho biết, vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, tỉ lệ trẻ sinh non ở Nhật Bản tăng cao. Những chiếc máy hỗ trợ hô hấp thời ấy không giúp được nhiều dẫn tới 90% trẻ sinh non tử vong, số sống sót cũng bị thương tật. Trong những lần đi tới các bệnh viện cùng đồng nghiệp, ông Phúc chứng kiến nhiều trẻ sinh non dưới 1kg nuôi trong lồng kính với nhiều thiết bị mà các bác sĩ cài đặt để cố níu từng hơi thở cho các em.

Vì thế, ông Phúc đã quyết định tìm hiểu, chế tạo một chiếc máy trợ thở dành riêng cho các bé sinh non. Đến tháng 12/1982, việc ông chế tạo thành công máy hô hấp nhân tạo cao tần số HFO (High Frequency Oscillatory Ventilation) dành cho trẻ sinh non đã được ghi nhận và sau đó đã dành giải nhất cuộc thi chế tạo máy thở nhân tạo tại Đại học Harvard.

Đến nay, ở tuổi 74, ông Phúc vẫn miệt mài nghiên cứu, phát triển những sản phẩm khoa học mới có thể ứng dụng ngay vào cuộc sống. Ông nói rằng, mỗi khi làm xong một cái máy, ông chỉ vui trong khoảng thời gian rất ngắn, sau đó để ông bắt đầu tìm kiếm những đề tài mới để làm.

Nếu việc sáng chế ra những chiếc máy thở, máy hô hấp giúp cho trẻ sinh non có ý nghĩa to lớn và tạo nên uy tín khoa học của nhà phát minh Trần Ngọc Phúc thì việc “ứng xử” như thế nào với phát minh đó là điều được nhiều người quan tâm. Và nó thể hiện trái tim, tấm lòng của nhà phát minh đó.

Với ông Trần Ngọc Phúc, khi mỗi sáng chế được hoàn thiện, ông luôn sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao công nghệ với mong muốn nhiều người sẽ được hưởng lợi từ sáng chế đó. Hơn 50 năm làm việc và nghiên cứu ở Nhật Ban, ông Phúc vẫn luôn khao khát giúp đỡ quê nhà bằng những sản phẩm có thể áp dụng nhanh, hiệu quả.

Còn nhớ, hồi tháng 4/2020, khi đó Covid-19 ở giai đoạn cao điểm, ông Phúc phối hợp một số doanh nghiệp trong nước triển khai dự án hỗ trợ 2.000 máy thở MV20 đưa về Việt Nam phục vụ chống Covid-19.

Với dự án khẩu trang thoáng khí, diệt virus như vừa kể ở phần trên, hiện ông Phúc cùng các cộng sự đang trao đổi với một số doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất, đặng giúp người dân và các y bác sĩ có thể sử dụng luôn loại khẩu trang này. Đặc biệt, sản phẩm này có tiềm năng hỗ trợ người bệnh điều trị bệnh tắc nghẽn mãn tính (COPD) giúp họ tự bảo vệ trong môi trường không khí khác nhau, điều mà mà ông Phúc nghiên cứu từ nhiều năm về trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc: Kiếm tìm và sẻ chia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO