Nhà thơ không tuổi

Nguyễn Quỳnh Trang 18/07/2019 08:00

Tôi gặp nhà thơ Phan Vũ vào đầu tháng Ba năm 2017, theo lời mời  đảm nhận vai trò người dẫn chương trình, nhân dịp ra mắt Trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” với phiên bản đầy đủ.

Nhà thơ không tuổi

Nhà thơ Phan Vũ và tác giả.

Nhà thơ Phan Vũ đến sớm. Ông chỉn chu trong áo sơ mi, quần âu. Tay cầm batoong. Trên khuôn mặt gầy gầy, da có chút nhăn và đồi mồi, là đôi mắt sáng lấp lánh, chòm râu dài, cùng nụ cười ngần ngại. Bước chân ông đi không được khỏe, nên phải có người dìu mỗi khi qua chỗ khó. Ông chọn ngồi chỗ góc khuất sau cái cột nhà. Nhưng người hâm mộ vẫn nhận ra và tiến tới xin chữ ký vào sách. Tay ông viết cũng run run như bước chân đi, ông như tô từng nét chữ đậm, không có nhắn gửi gì ngoài tên của chủ nhân cuốn sách, chữ ký cũng được viết chậm, nắn nót với vòng tròn điệu nghệ.

Buổi ra mắt được tổ chức trong một quán cà phê cuối đường Hai Bà Trưng, quận 3. Khi tôi đến, thấy quán được trang hoàng đẹp đẽ với đèn, hoa. Nhà thơ Trần Nhật Minh cũng từ Hà Nội vào, cùng ekip ghi hình của VTC, đang phỏng vấn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên về thơ và con người Phan Vũ. Sau khi phỏng vấn xong Phạm Xuân Nguyên, anh quay sang trò chuyện với nhà thơ Phan Vũ. Tôi nghĩ, đây sẽ là thước phim tài liệu quý giá. Vì lâu lắm rồi, nhà thơ Phan Vũ mới có dịp trò chuyện trước công chúng.

Trời tối dần, khi nhà thơ Trần Nhật Minh tranh thủ ăn bữa tối đơn giản tại quán, khách bắt đầu đến mỗi lúc một đông. Bạn bè văn chương cũng tụ hội, ngồi thành một nhóm. Báo chí, công chúng yêu thơ… dần dà chật kín cả không gian quán. Nhiều người phải đứng ở bên trong quán và ngoài sân suốt chương trình dài.

Buổi ra mắt diễn ra trang trọng ấm cúng trên một sân khấu phủ kín hoa thơm. Có cả lọ loa kèn ta trắng rất to, ai đó từ Hà Nội ôm vào tặng. Nhiều gương mặt trung niên tới dự, đa số nói giọng Bắc và cũng khá nhiều người nói tiếng Nam. Với sự giới thiệu của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và tôi dẫn chương trình, nhà thơ Phan Vũ bộc bạch rất nhiều tâm sự. Trong đó có kể lại hoàn cảnh ra đời của trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” cũng như quá trình đến với thơ, và cuộc sống của ông trong thời gian dài đến hiện tại.

Ban đầu, nhà thơ Phan Vũ nói khá khó khăn vì thính giác của ông không còn tốt nên nghe ít rõ. Tiếng của nhà thơ Phan Vũ cũng nhỏ và yếu. Nhưng khi đã quen với không gian khán phòng, bắt nhịp được nội dung cần bày tỏ, thì ông nói tốt, giọng to rõ và sang sảng. Cứ như thể hình ảnh của một nhà thơ cao niên còn bước những nhịp run run trước đó, không liên quan đến một nhà thơ bên trong nhiều tinh lực đang tái tạo lại ký ức xưa xa chia sẻ với độc giả.

Nhà thơ Phan Vũ trả lời nhiều câu hỏi của khán giả một cách rất thật thà và không tránh né bất kể điều gì, dù tế nhị. Gương mặt ông ngời sáng và hạnh phúc. Ông cũng bày tỏ sự bất ngờ khi khán giả đến đông như thế, và còn nhớ thơ ông nhiều như thế.

Khi chương trình kết thúc, nhà thơ Phan Vũ đứng dậy, lúc đó tầm 22h30’. Ông lên taxi về. Trước khi đi, ông cũng khoe là có facebook, ông tìm được trang facebook của tôi và add kết bạn. Hẹn sớm gặp lại tôi.

Khoảng hai ngày sau, tình cờ ông nhắn tin cho tôi trên facebook tán chuyện gẫu, rồi nói đánh rơi điện thoại trên taxi nên không còn số của tôi. Ông lại hẹn tôi qua nhà chơi, và nói có gì cần cứ nhắn trên message. Tôi và ông trò chuyện trên facebook một thời gian. Toàn những chuyện không đầu không cuối vừa lịch sự nhã nhặn hơi khách khí lẫn vui vui. Giọng ông kể cả qua facebook thì cũng hết sức tếu táo hồn nhiên. Cảm giác mỗi lần nói chuyện, ông như người không tuổi với tinh thần rất trẻ, có phần ngây thơ.

Tháng Tư, theo lời hẹn với nhà thơ Phan Vũ, và nhờ nhà thơ Từ Hồng Sơn tới tận nhà đón, dù đang sốt hơn 39 độ, tôi vẫn ngồi sau xe máy do Từ Hồng Sơn chở, đi từ quận 7 qua quận 9 để tới nhà thăm ông.

Tôi lại đến gặp nhà thơ Phan Vũ thêm một lần, không tới nhà, mà là ở quán cà phê cạnh nhà ông. Tôi tới gặp ông để giúp Từ Hồng Sơn làm hợp đồng tác quyền, làm cơ sở cho việc xin giấy phép, in ấn tác phẩm. Mặc dù ông và Sơn đã thỏa thuận khá kĩ với nhau từ nội dung đến hình thức, cùng nhuận bút. Như câu chuyện chia sẻ của nhà thơ Phan Vũ với tôi, ông được in ấn ra mắt tập thơ là vui lắm, và cũng bởi ông quý Sơn và các bạn, nên chuyện nhuận bút không thành vấn đề. Mọi người tới chơi, giúp đỡ ông nhiều việc, làm ông rất vui. Còn với Sơn, cũng tâm sự với tôi, là cậu muốn in cuốn sách và dành số lợi nhuận có được để biếu ông. Ông có tiền cà phê và mua đồ vẽ, cũng là thêm vui tuổi già.

Ông ngồi ở quán cà phê với sự nồng nhiệt, cùng đọc ghi thông tin của ông. Nhưng đến số chứng minh nhân dân thì ông không nhớ. Bảo lấy chứng minh thư thì ông bảo ông không cầm. Nên lại hẹn chúng tôi lần sau quay lại, sau khi ông lấy được chứng minh thư từ người nhà. Trước khi đi, ông lại rưng rưng hẹn Sơn và các bạn rảnh lại qua thăm ông.

Sau một thời gian tôi không gặp lại, cũng không thấy ông trên facebook, có nghe Sơn nói là ông khá mệt và ốm. Cuốn sách mà Sơn muốn in cho ông cũng không thành. Sơn cũng bị nhiều người giận vì đã tổ chức buổi ra mắt sách thành công như vậy nhưng sách lại chưa có giấy phép. Nhưng rồi cậu ta chỉ cười xòa. Bởi cái quan trọng là, nhà thơ Phan Vũ đã vui, đã hạnh phúc, đã đầy hưng phấn. Sau buổi ra mắt, tên tuổi nhà thơ Phan Vũ lại tràn ngập trên báo chí, mọi người nhắc nhớ đến ông…

Cần tặng nhau tình cảm chân thành, những nụ cười vui và an tĩnh khi ở bên như nhà thơ Phan Vũ muốn. Chỉ thế thôi. Là đủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thơ không tuổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO