Nhà văn Sương Nguyệt Minh: 'Trai anh hùng, gái thuyền quyên'

Ngọc Anh (thực hiện) 13/11/2017 17:15

Đàn ông Việt lại gia trưởng, phong kiến cho rằng đàn ông thì được quyền sàm sỡ người phục vụ, tâm lý người có tiền là thượng đế lợi dụng phụ nữ ngay cả bên bàn ăn; nhưng phụ nữ lả lơi đáp lại thì lại coi là không đứng đắn.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh.

PV: Thưa ông, là một nhà văn, ông nghĩ gì về thân phận những cô gái Việt học hành dang dở, từ quê ra làm việc ở các quán ăn, nhà hàng, quán bar, quán karaoke… cũng khá là đông đảo hiện nay?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tôi thấy thật sự lo lắng và ái ngại. Thân phận họ cũng như những thân phận những người lao động thủ công khác ra thành phố mưu sinh: Bấp bênh. Tạm bợ. Và không bao giờ yên ổn. Phía trước mù mờ...

Là người viết văn, ông có quan sát tới khía cạnh này của xã hội xem mẫu số chung về tương lai của đông đảo những cô gái này là như thế nào không? Họ có tìm được người yêu và chồng một cách bình thường như những cô gái bình thường khác không?

- Điều này rất khó nói, vì có thống kê, so sánh đâu mà biết. Nhưng, bằng trực quan nhà văn thì tôi nghĩ các cô ấy vẫn được yêu, vẫn đắt chồng, thậm chí hơn các cô gái bình thường khác. Bởi lẽ: Một là, quan niệm phân biệt nghề nghiệp khinh, nghề nghiệp kia trọng không quá nặng nề như trước đây. Nghề nào cũng là nghề, là lao động chân chính thì đều được tôn trọng đang được nhiều người nhận ra và chia sẻ. Hai là, các cô gái đã được chọn đi làm ở quán cà phê, quán ăn thì hình thức cũng phải ưa nhìn trở lên. Mà “gái tham tài trai tham sắc”; dù có điều tiếng chút chút, nhưng đẹp thì đàn ông vẫn cứ chọn làm người yêu làm vợ. Ba là, làm các công việc ấy là các cô ấy được tiếp xúc với đủ mọi hạng người. Được trải nghiệm qua môi trường đó, thì các cô giàu bản lĩnh, tự tin, có kinh nghiệm giao tiếp làm vừa lòng khách nên cái sự làm vừa lòng người mình định yêu, định lấy làm chồng cũng không khó khăn lắm. Ấy là chưa kể các cô lọc lõi thì việc yêu và lấy anh giai hoi mới lớn lên si mê bao nhiêu ngu ngơ bấy nhiêu... dễ như thò vào túi quần lấy khăn lau mồ hôi.

Có phải rất nhiều trong số những cô gái ấy sẽ lại đi yêu những giang hồ cộm cán không?

- Đọc các phóng sự hay tác phẩm nghệ thuật thì có những chuyện tình mùi mẫn giữa chàng giang hồ cứu vớt cô gái làm ở quán bar rồi yêu nhau, hay gã giang hồ vào quán ăn nhậu rồi phải lòng cô giót rượu tiếp khách...vv. Nhưng, người ta nói: “Trai anh hùng, gái thuyền quyên”, “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, tôi nghĩ giang hồ thường tìm đến giang hồ. Giai gái cùng hội cùng thuyền, hiểu nhau, cùng đi đêm đi hôm đánh quả, hoàn cảnh sống giống nhau, không sống bừa bãi với nhau thì cũng dễ yêu thương nhau. Nhưng, các cô gái làm ở quán bar, nhà hàng, quán cà phê lại không thuộc về giới giang hồ. Tôi nghĩ, các cô ấy vẫn lấy được những người chồng tốt cùng hoàn cảnh, hoặc người đàn ông ở lĩnh vực khác chứ không hẳn họ chỉ yêu và lấy những giang hồ cộm cán.

Vừa rồi có chuyện cô gái người yêu của kẻ tử tù trốn trại Thọ sứt, một cô gái làm ở quán massage, và hành động không thể hồn nhiên hơn là đồng ý gặp 1 kẻ tử tù đang bị truy đuổi tới tận 2 lần. Câu chuyện này có thể giải thích bằng gì, thưa nhà văn? Tình yêu cao cả bất chấp hiểm nguy hay sự mê muội của thiếu hiểu biết?

- Có thể họ vẫn yêu nhau, không yêu nhau thì vẫn còn thương nhau. Cộng với tính phóng túng và nông nổi sẵn có thì chấp hết, chẳng sợ cái gì đâu.

Hiện nay có thể thấy phẩm giá của những cô gái (trong thực tế là họ làm công việc thuần túy lao động bưng bê, phục vụ) đang bị quan niệm chung của xã hội có ý coi thường. Điều này nguyên nhân vì sao, thưa ông?

- Có phải do ở Việt Nam không có sự rạch ròi giữa người phục vụ trong quán ăn, quán bar, quán karaoke và gái làm tiền, có nghĩa là trong rất nhiều trường hợp, ngay tại những nơi này, đàn ông cũng có quyền thực hiện những hành vi sàm sỡ người phục vụ, và mặt khác, các cô gái phục vụ cũng sẵn sàng chiều lòng đàn ông, để được cho tiền. Mại dâm sẵn quá, chỗ nào cũng “sẵn hàng”. Cho nên để các cô gái làm nghề phục vụ giản đơn được coi như một nghề nghiệp bình thường khó quá, phải không, thưa ông?

- Tôi lại nghĩ: Người phụ nữ làm các nghề phục vụ này thường là có nhan sắc. Đàn ông đến chốn này thì cũng là kẻ có tiền biết ăn chơi. Sự sàm sỡ của đàn ông và hoàn cảnh quyến rũ khiến một số người buông thả. Buông thả, nhưng chưa đến mức đi làm gái mại dâm. Tuy nhiên, cũng có nhiều cô gái có lòng tự trọng cao. Nói lời lơi lả thì họ lặng im, chứ đụng đến cái vai trần của họ cũng không dễ đâu. Song vẫn bị mang tiếng. Vì: Người Việt chúng ta không rành mạch, xem xét con người và hiện tượng bằng lý trí mà lại bằng cảm tính. Cứ thấy một con sâu là hắt cả nồi canh; hắt chậu nước bẩn là hắt luôn cả thằng bé ở trong.

Đàn ông Việt lại gia trưởng, phong kiến cho rằng đàn ông thì được quyền sàm sỡ người phục vụ, tâm lý người có tiền là thượng đế lợi dụng phụ nữ ngay cả bên bàn ăn; nhưng phụ nữ lả lơi đáp lại thì lại coi là không đứng đắn. Dư luận xã hội cũng thế; cùng sự việc ấy, đàn ông thì mặc nhiên coi như được quyền, còn phụ nữ thì kết tội, lên án. Chung quy cũng do tâm lý con người sống trong xã hội ngàn năm phong kiến nam quyền nên có cái nhìn lệch lạc về các cô gái ấy.

Trân trọng cảm ơn nhà văn!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Sương Nguyệt Minh: 'Trai anh hùng, gái thuyền quyên'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO