Nhà văn Trần Quốc Quân: Kinh doanh là nghiệp, văn chương là đam mê

Việt Quỳnh (thực hiện) 11/07/2017 17:35

Vốn là một nhà kinh doanh tại Ba Lan, năm 2014, ông Trần Quốc Quân bất ngờ cho ra mắt tiểu thuyết đầu tay “Tuyết Hoang” (NXB Trẻ), nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả. Ba năm sau, ông lại tiếp tục cho xuất bản tiểu thuyết thứ hai: “Bóng Làng” (NXB Trẻ). Và như ông nói, việc viết văn của ông còn kéo dài, vì đến lúc này, ông đã có ý tưởng cho cuốn tiểu thuyết thứ sáu…

Nhà văn Trần Quốc Quân.

Nhà văn Trần Quốc Quân: Tôi xa ba má từ lúc 6 tuổi đến 11 tuổi, đi sơ tán tránh bom Mỹ ở nông thôn các tỉnh Hà Bắc, Hà Tây. Kí ức về làng quê Việt thấm đẫm tâm hồn tôi. Cảm xúc về quê hương đất nước dần hình thành nên nền văn hóa Việt trong con người tôi.

Mùa hè năm 1972, sau khi đọc hết Tuyển tập truyện ngắn “Chí Phèo”, “Sống mòn” của nhà văn Nam Cao, người cùng quê nội làng Vũ Đại, bạn dạy học cùng ba của tôi đã nhen lên trong lòng tôi tình cảm với văn chương. Từ khi vào năm học lớp 8, tôi trở thành học sinh giỏi văn nhưng rồi vẫn thi đại học khối A và học chuyên ngành toán thống kê tại đại học Kinh tế Quốc dân.

Nhà văn Trần Quốc Quân chia sẻ những mảnh nhớ từ ký ức tuổi thơ, nơi nuôi dưỡng hạt mầm văn chương trong anh.

PV: Sau khi đi nghĩa vụ quân sự ba năm, anh đã đăng ký đi nghiên cứu sinh. Cũng giống nhân vật Nguyên trong tiểu thuyết “Tuyết hoang”, anh đã đỗ hạng thứ năm toàn quốc. Với kì vọng vừa trau dồi thêm kiến thức, nhưng cũng rất thực tế là tìm cách “cứu nhà”, thời gian đầu đi du học của anh đã diễn ra thế nào?

- Sau khi thi đỗ nghiên cứu sinh ngoài nước (trong top đầu hội đồng kinh tế toàn quốc), năm 1988, tôi sang Ba Lan làm bằng tiến sĩ. Thời gian này Ba Lan cùng cả khối XHCN lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Đời sống kinh tế khó khăn làm cuộc sống của tôi khi đó cũng bị ảnh hưởng. Tôi phải mua thịt, cá, đường... bằng phiếu cung cấp. Một năm sau, Ba Lan chuyển đổi thể chế, chuyển sang kinh tế thị trường, tôi bị cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền của cả xã hội. Trong cơn lốc làm giàu quá dễ dàng, tôi quyết định ở lại và không làm tiếp bằng tiến sĩ còn đang dở dang để chuyển hoàn toàn sang làm doanh nghiệp.

Là một sinh viên mà đi vào buôn bán, lại ở một đất nước xa lạ, trong thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng ấy, anh gặp những khó khăn gì?

- Khó khăn của tôi là thiếu kinh nghiệm xử lí khủng hoảng thị trường. Luôn đưa ra quyết định chậm so với biến động giá cả hàng hóa. Không hoạch định được chiến lược tổng thể.

Đó chính là nguyên do cho những thất bại ban đầu của anh?

- Từng 3 lần đứng bên bờ vực phá sản nhưng nhờ ý chí, nghị lực nên phục dựng được doanh nghiệp để phát triển bền vững đến bây giờ.

Hiện đang là một doanh nhân thành công trong kinh doanh, tôi còn nghe người quen gọi anh là “tỉ phú bất động sản”, nguyên do nào lại cuốn anh vào việc viết, rất mệt mỏi, nhọc nhằn và nếu có trải thảm hoa hồng thì phía dưới cũng lẫn rất nhiều gai nhọn?

- Gần 20 năm trước, tôi cùng nhóm bạn thành lập tờ báo Quê Việt lớn nhất của cộng đồng người Việt tại Ba Lan, duy trì đến bây giờ. Thời gian làm báo củng cố thêm khả năng viết của tôi. Hơn nữa, tôi tự hào là người giàu trải nghiệm trong cộng đồng người Việt, nên ấp ủ ý định viết lại biên niên sử hình thành và phát triển cộng đồng người Việt tại Ba Lan.

Sau khi tham gia Facebook năm 2009, năm 2011 tôi viết bộ hồi kí "Em ơi Ba Lan" gồm 14 phần, chủ yếu “mua vui” cho bạn bè trên Facebook và đăng trên báo Quê Việt, Vietinfo. Sau đó, có nhà xuất bản muốn in thành sách nhưng bạn bè khuyên "Đó là bộ tư liệu quí, nếu xuất bản sách sẽ như quặng khai thác xuất khẩu dưới dạng thô, rất phí. Nên chuyển thành tác phẩm văn học”. Thế là tôi cặm cụi mất hai năm để viết thành tiểu thuyết “Tuyết Hoang”. Sau thành công của “Tuyết Hoang”, thấy mình vẫn có thể phát triển tiếp trong nghiệp văn chương và phát hiện ra mình có khả năng viết kiểu giễu nhại, hài hước nên đổi sang cách viết mới với “Bóng Làng” để thoát khỏi "bóng" Tuyết Hoang. Thế là sau hơn hai năm, tập truyện liên hoàn “Bóng Làng” ra đời. Bước đầu tiểu thuyết mới được bạn đọc đón nhận còn hồ hởi hơn cả “Tuyết Hoang” (cười). Với tôi, tác phẩm sau chất lượng cao hơn tác phẩm trước, thế là thành công.

Vẫn đang tiếp tục trong sự bận rộn với nhiều trách nhiệm như vậy, anh dành thời gian thế nào cho việc viết?

- Là doanh nhân nên hàng ngày tôi vẫn phải dành thời gian chính để điều hành doanh nghiệp. Nhưng dù thế nào, hàng đêm, tôi dành 4 đến 5 tiếng để viết, từ 10 giờ đêm đến 2,3 giờ sáng. Hầu như đêm nào cũng vậy. Rất có kỉ luật.

Trong quá trình viết, anh có cảm xúc, suy nghĩ gì?

- Thứ nhất là ghi lại những trải nghiệm bản thân trong dòng chảy xã hội quanh mình dưới dạng văn chương, thứ hai là chuyển tải các thông điệp mình ấp ủ đến bạn đọc, góp phần thay đổi tư duy, lối sống cộng đồng cả ở nước ngoài và trong nước.

Anh đã đưa bối cảnh Ba Lan, những bạn bè, người quen, và chính anh vào tác phẩm của anh ra sao?

- Giá trị hiện thực trong tiểu thuyết “Tuyết Hoang” rất cao, nhân vật chính là nguyên mẫu của bản thân, có chắp nối với 1 vài nhân vật gần gũi. Các câu chuyện diễn ra trong “Tuyết Hoang” thật đến hơn 80%. Với các biến cố rất thật, có thể nói “Tuyết Hoang” vừa là tiểu thuyết văn chương, vừa là tiểu thuyết lịch sử. “Bóng Làng” hư cấu nhiều hơn nhưng cũng rút tỉa từ các nhân vật thật, những câu chuyện thật trong cộng đồng người Việt tại ba Lan mà anh quan sát được, chiêm nghiệm được.

Một Trần Quốc Quân doanh nhân và một Trần Quốc Quân văn chương, anh sẽ khắc hoạ ngay lúc này như thế nào?

- Trần Quốc Quân chỉ có một lần rẽ ngang trong đời, đó là từ trí thức chuyển thành doanh nhân. Kinh doanh là nghề, là nghiệp ngấm vào máu Trần Quốc Quân. Còn viết văn không phải là nghề, chỉ là nghiệp giúp mình cân bằng lại sau những căng thẳng của cuộc sống. Tuy nhiên viết văn cũng là nỗi đam mê, và lạ là càng viết, tôi càng say sưa. Biết đâu đấy, chẳng có gì có thể nói trước được, bởi có rất nhiều dự định đang ấp ủ, chưa viết ra được thì vật vã lắm, trăn trở lắm.

Thành công từ kinh doanh, rồi nhận được sự đón nhận vô ưu của độc giả qua hai cuốn tiểu thuyết, anh hẳn có một lịch sinh hoạt cũng như làm việc hết sức nghiêm túc?

- Tôi lên thời khóa biểu những việc làm trong một ngày. Thực hiện chúng một cách kỷ luật. Ngày nào cũng vậy. (cười tươi).

Vậy những khi rảnh rỗi thì sao? anh thường thích làm gì?

- Tôi rất thích đi du lịch nghỉ dưỡng bờ biển, hoặc du lịch văn hóa thăm các bảo tàng, cùng điện, lâu đài. Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn, nhất là phong cảnh thiên nhiên hoang dã và bờ biển với bãi cát trắng. Tôi đặc biệt thích bơi.

Thế còn những ấp ủ cụ thể nhất, sắp tới của anh cho văn chương tiếp theo?

- Viết về người Việt ở nước ngoài luôn là thế mạnh của bản thân, bởi những trải nghiệm thực tế và vốn sống phong phú. Trước hết, tôi sẽ hoàn chỉnh tiếp tập truyện ngắn (đã có một số truyện đăng báo và tạp chí trong nước). Cùng lúc sẽ viết tiếp một cuốn tiểu thuyết mới về đời sống cộng đồng trước khi viết “Tuyết Hoang” (tập 2). Là nhân chứng nhiều biến cố lịch sử trong và ngoài nước, đang có tham vọng hoàn thành bộ tiểu thuyết nhiều tập với bối cảnh diễn ra trong hơn nửa thế kỉ. Cụ thể như thế nào thì chưa tiết lộ được. (cười)

Xin cảm ơn anh và chúc anh tiếp tục thành công trên con đường kinh doanh cũng như văn chương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Trần Quốc Quân: Kinh doanh là nghiệp, văn chương là đam mê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO