Nhà văn trẻ cần xác định rõ giá trị của mình

Từ Khôi 15/11/2019 07:00

Với gần 100 hội viên và đại biểu tham dự, Hội nghị Viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 3 vừa được tổ chức ở Ninh Bình. Trong khi các nhà văn trẻ trăn trở về vấn đề không có kinh phí in sách, viết thế nào để sách ra được thị trường, thì các nhà văn có tuổi nghề lại đề cập đến sự lao động nghiêm túc và đem lại giá trị cho cộng đồng, đất nước…

Nhà văn trẻ cần xác định rõ giá trị của mình

Nhà văn Hoàng Quốc Hải phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị Viết văn trẻ Hà Nội lần 3 được tổ chức tại Ninh Bình (các ngày ­­12 và 13/11/2019) là sự cố gắng của BCH Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội. Bởi lẽ, trong vòng 26 năm, Hội Nhà văn Hà Nội mới tổ chức được 3 lần Hội nghị Viết văn trẻ. Lần thứ nhất năm 1993, lần thứ 2 năm 2015.

Tuy chủ đề của Hội nghị là “Sáng tạo vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước” nhưng đa phần các tham luận lại bàn đến vấn đề “cơm áo không đùa với khách thơ”. Đó là ý kiến của nhà thơ Đặng Thiên Sơn, nhà văn Nhật Phi, nhà văn Vũ Đức Anh... Nhà thơ Đặng Thiên Sơn xót xa: “Khó khăn trước nhất đó là nhà thơ không thể sống được bằng thơ. Những tác phẩm thơ ra đời chủ yếu phục vụ nhu cầu giải tỏa cảm xúc cá nhân, phục vụ sở thích cá nhân chứ không mang lại giá trị kinh tế, thậm chí còn phải mất tiền in thơ, mất thời gian để đi tặng người đọc. Vì vậy, mà thơ rời rạc, không hấp dẫn”.

Nhiều nhà thơ, nhà văn trẻ nêu mặc cảm với danh xưng nhà thơ, nhà văn. Nhà văn Nhật Phi còn dẫn ra câu chuyện: Có bà mẹ nói với con: “Tao thà sinh ra một thằng phá hoại, nó phá 100 - 200 trăm triệu đồng rồi nó tỉnh ra còn đỡ hơn là sinh ra một nhà văn, một nghệ sĩ như mày”. Thực trạng này nói lên rằng, nghệ thuật hiện nay, nhất là văn chương có phần lép vế hơn so với những thứ khác trong cuộc mưu sinh vất vả.

Nhà văn Vũ Đức Anh trăn trở nhiều về vấn đề cách thể hiện tác phẩm. Anh bàn nhiều về truyện trinh thám - dòng truyện mà anh đang theo đuổi. Anh cho rằng, dòng truyện này đã đổi thay nhiều, nó không dừng lại ở thời Sherlock Holmes. Các nhà nghiên cứu và độc giả nên bỏ qua mặc định này để có cái nhìn cởi mở hơn với người viết trẻ như anh.

Với nhiều ý kiến ta thán về vấn đề mặc cảm về danh xưng nhà thơ, nhà văn, về vấn đề không có kinh phí để in sách, không được truyền thông biết tới, không vào được thị trường, tôi (nhà văn Từ Khôi) đã nêu ý kiến: Viết là nhu cầu tự thân, chứ không quan tâm đến chuyện là nhà văn hay không. Viết không ai in thì mình bỏ tiền in và tự phát hành. Tôi lấy ví dụ về tập truyện ngắn “Đạo sắc màu máu” khi viết đã xác định được rõ những giá trị của nó với dân tộc. Thế nên dù in 5.000 cuốn vẫn bán hết. Người viết phải là cây bút có trách nhiệm, phải xác định được giá trị của mình thì mới như di sản văn hóa chứ theo đuổi cái phù phiếm thì sẽ biến mất. Lao động của nhà văn viết đương đại đã khó, viết về lịch sử càng cực khổ bội phần.

Tiếp đó, nhà văn Hoàng Quốc Hải gửi gắm tới lớp nhà văn trẻ: Không ai giúp ta trở thành nhà văn cả. Văn chương viết theo tài trợ sẽ không hay. Các nhà văn trước, họ cũng vừa viết giải trí vừa viết nghiêm túc, lấy cái này nuôi cái kia. Có ai đánh giá thấp văn học thị trường đâu, chỉ là nó sống... không lâu thôi. Văn chương thành công nên cần các yếu tố: Thứ nhất, nói lên thân phận người khác, số phận đó gắn với đất nước, dân tộc. Nếu không có điều này, sẽ không có tính vĩnh cữu; Thứ hai, văn chương phải phổ biến kiến thức; thứ ba, văn chương phải đem đến cái đẹp. Người viết phải có tâm, có trí tuệ nhưng phải có cái dũng. Anh đừng tự viết tự biên tập. Khi anh viết, có ai nhảy vào đầu ngăn cấm anh đâu. Trước tiên, anh cứ viết cái anh thể hiện đã. Khi tôi viết cho nhân dân, ai ngăn cấm tôi thì người đó không đứng về phía tôi và không đứng về phía nhân dân. Và nữa, nếu nhà văn không có trí tuệ thì làm sao thắp sáng trí tuệ cho người khác được. Chính nhà văn sẽ thắp sáng lương tri cho dân tộc.

Tiếp đó, lớp nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình “già” như Nguyên An, Tôn Phương Lan, Vũ Quần Phương đều thể hiện quan điểm không đồng tình với một số ý kiến của nhà thơ trẻ cho rằng sáng tạo văn chương là một cuộc chơi. Chữ “chơi” cần được hiểu theo nghĩa lao động cật lực và có trách nhiệm.

Việc thu hút thêm nhà văn trẻ cũng đã được đặt ra. Trong đó tiêu chí xét kết nạp hội viên phải có tối thiểu 2 đầu sách có nên giữ? Hay chỉ một đầu sách và các bài thơ, truyện, bài phê bình in trên các báo?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn trẻ cần xác định rõ giá trị của mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO