Nhạc sĩ Dương Trường Giang: Người kể về tình yêu Hà Nội bằng âm nhạc

An Vũ 17/08/2017 14:10

Xuất hiện tại Bài hát Việt 2007 với tình khúc “Thu ảm đạm”, trở nên nổi tiếng với “Phố không mùa” năm 2013, và gần đây ca khúc “Lặng yên” (bài hát trong bộ phim truyền hình “Lặng yên dưới vực sâu”) đang gây sốt trên mạng, đã phần nào thể hiện được tài năng của nhạc sĩ trẻ Dương Trường Giang.

Nhạc sĩ Dương Trường Giang.

Ai quan tâm đến âm nhạc Việt Nam, đều nhắc đến cái tên “Dương Trường Giang”. Ca khúc của Giang là sự hòa hợp về giai điệu và đầy ý thơ trong ca từ. Mỗi câu chuyện đậm chất tình thường mang tính gợi hơn là kể, để sau khi nghe, thấy yêu hơn hồn đất, tình người mong manh dành cho nhau:

“Mùa lá rớt trên vai, mùa se lạnh
Mùa nắng tắt rất nhanh,
mùa hoàng hôn đầy gió
Mùa muốn sát bên nhau
để ấm hơn
Và mùa nơi đây
chỉ gió tấp sau lưng
và nước mắt rơi dễ dàng...”
(Phố không mùa)

Ca từ trong âm nhạc của Giang mang vẻ đẹp của văn chương, có lẽ cũng vì bởi Giang thích văn học và ham đọc. Nhiều khi, đọc xong một cuốn sách, dư âm đọng lại sâu sắc đến độ Giang hăm hở thức cả đêm để sáng tác một ca khúc từ nguồn cảm hứng ấy. Tuy thế, đừng thấy lời ca hiền hòa, chất nhạc đắm say mà ngỡ anh chàng này mềm mại, dễ chịu như thế ngoài đời. Gặp Giang, bạn rất dễ bị cuốn vào sự sôi nổi, đam mê đến điên cuồng. Lòng nhiệt thành chảy ở khắp nơi, mọi lúc.

Có khi trong túi chỉ còn vài chục ngàn, cũng sà xuống hàng bán hoa rong trên phố, mua bó hoa tươi để ấm lòng cụ già bán hoa, rồi tặng lại cho ai tình cờ gặp. Giang đi đâu cũng mang theo sự ồn ào, nói nói cười cười rổn rảng, chơi thì hết mình không tính toán, kết bạn thì dù bạn có ra sao vẫn tận tâm trước sau như một, nếu ai có lợi dụng hay làm Giang tổn thương, thì có buồn một lát, lại cười xòa bỏ qua. Giang sống vui như ánh nắng, nóng như đỉnh điểm hè Hà Nội, trong khi ca khúc lại non tơ lẫn ướt át mưa rào hay hao hao se lạnh gió đông.

Rất nhiều khi, ngồi cùng Giang trong một quán chè trên phố Hàng Cân, tay khuấy lanh canh thìa chạm vào thành cốc, cảm nhận hơi đá lạnh tan dần nơi thành thủy tinh, nhìn tán lá bàng đổ nghiêng dưới ánh sáng đèn đường vàng, xe cộ đi thành dòng thật chậm, giữa tiếng lao xao phố xá, cắm trên tai cái headphone, lắng nghe một tình khúc Giang mới viết về Hà Nội, mới thấy đó là những giờ phút dễ gợi để nhớ về, khi xa.

Trong rất nhiều tình khúc, có lẽ Giang viết về Hà Nội luôn hay hơn cả. Cũng như Giang chia sẻ, sau 10 năm từ khi xuất hiện chính thức trên sân khấu ca nhạc lớn và uy tín như Bài hát Việt, ba bài: “Chúng ta ai cũng qua một thời như thế”, “Phố không mùa”, “Hà Nội mùa lá bay” vẫn làm Giang thích nhất và cho là hay nhất. Cả ba ca khúc ấy đều viết về Hà Nội. “Có lẽ bởi kỉ niệm đằng sau những ca khúc này là đắt giá nhất.”, Giang tâm sự.

Dương Trường Giang sinh năm 1987 tại Hà Nội, cầm tinh con mèo, nên bạn bè cũng hay gọi: “Giang ‘mèo’”. Bố mẹ Giang là công nhân viên chức, không ai làm nghệ thuật, gia đình cũng không giàu có. Tuổi thơ Giang trôi êm đềm như rất nhiều đứa trẻ con của phố khác, bên ông bà nội. Những ngày hè đầy gió, niềm vui sướng rực rỡ là được ông bà đưa về quê nội, tắm suối tắm sông, thả hồn giữa mây trời quê hương. Để rồi sau đó, lại trở về với Hà Nội, để thấy Hà Nội luôn là tình yêu thẳm sâu, dịu dàng và đậm đà nhất.

“Tôi sinh ra, lớn lên và trưởng thành đến giờ này vẫn ở Hà Nội. Hà Nội là nơi đầu tiên cho tôi nhìn thấy, trải nghiệm mọi thứ. Hà Nội là nơi gia đình, bạn bè cùng toàn bộ những kỉ niệm đáng giá nhất của một đời người. Hà Nội cũng chứng kiến toàn bộ những điểm nhấn lớn nhỏ trong hành trình âm nhạc của tôi.

Người viết nhạc là những người kể chuyện đời. Mỗi câu chuyện của mỗi nghệ sĩ lại khác nhau. Vì họ nhìn đời qua những lăng kính khác nhau. Với tôi, lăng kính là Hà Nội, câu chuyện của tôi là Hà Nội”.

Và cũng tự nhiên như thế, người đến yêu, Giang cũng chọn người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Dù đó là tình cờ khi một ngày nào đó đã lớn, sẽ đến lúc va chạm và tập yêu những người lạ. Cuộc sống của Giang cứ quanh quẩn với mỗi góc phố, con đường, quán nhỏ trong phố, thì rồi cũng vẫn yêu rồi lấy người ở Hà Nội, có chất Hà Nội, thế thôi.

Giang đúng kiểu trai phố, lộc ngộc, ngây ngô, thích lang thang ngắm cây khô, mái ngói nâu, mặt hồ rêu xanh, khung cửa cũ của quán cà phê trầm mộc, và khi xung đột thì rất dễ lao vào “uýnh” nhau. Từ nhỏ cũng thích nghe nhạc, nhưng để đến với âm nhạc, thì là tình duyên không định trước. Năm cấp hai, lần đầu tiên được động vào cây kèn trompet là lúc tham gia vào đội nghi thức của nhà trường. Trong bốn năm cấp hai, cùng đội nghi thức trường tham gia khắp các đại hội của học sinh thành phố.

Lên cấp ba, không còn chơi trompet, tưởng mọi thứ dừng lại ở đó, thì năm lớp 12, một sự kiện nhân ngày 20/11, Giang hát chúc mừng thầy cô giáo, từ đó, mọi thứ bỗng chốc thay đổi. Suốt thời gian còn lại của lớp 12, Giang được đại diện cho trường thi hát khắp các giải lớn nhỏ tổ chức tại Hà Nội. Cho đến khi lần đầu tiên đặt chân lên TP. HCM, đại diện cho Hà Nội đi thi Tiếng hát Học sinh PTTH Toàn quốc, Giang mới hay mình đem lòng yêu âm nhạc từ khi nào không rõ. Và sau 19 ngày thi đấu, Giang quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc.

“Thế nhưng, yêu âm nhạc và chọn âm nhạc làm lẽ sống là hai thứ rất khác nhau”, Giang chia sẻ. “Sau khi tốt nghiệp cấp ba, tôi vào học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Với hành trình của biết bao sóng gió, thất bại, trải nghiệm để thử thách tình yêu âm nhạc, tôi mới nhận ra sau muôn vàn lần vượt qua những khó khăn vất vả đến vậy, tôi và âm nhạc vẫn giữ được nhau. Cuộc sống của tôi bây giờ và những ngày sau, âm nhạc mãi mãi không thể tách rời. Tôi lựa chọn dòng nhạc trữ tình, cùng là bởi bắt nguồn từ trái tim. Tôi chỉ có thể làm những gì mình yêu nhất, hát lên điều mình thích nhất, viết thứ mình lay động nhất. Cuộc đời của tôi luôn là thế, cứ để tất cả đến tự nhiên, không gò ép”:

“Ai đã từng đi qua góc Hà Nội gió mùa
Ai đã từng đi qua góc phố em từng qua
Ai đã từng yêu em như chính tôi một thời yêu Hà Nội
Ai đã từng yêu em, đã quá yêu.
Bước theo em một chiều đầy gió chiều mùa về bên Hà Nội
Như đã từng rất quen bàn tay ai từng sát bên…”
(Hà Nội mùa lá bay)

Là người làm việc nghiêm túc thật sự, nhiệt tình và tận tuỵ với âm nhạc, với mỗi tình khúc, Giang bắt đầu bằng việc cần thời gian để ngắm nhìn, cảm nhận, suy nghĩ, chiêm nghiệm điều mình muốn viết. Đến khi đủ lâu, đủ ngấm, đủ sâu, Giang ngồi xuống bên cây đàn piano, kể lại tất cả cảm xúc ấy bằng âm nhạc.

“Đường xưa vẫn thế, gió vẫn qua mà
Người xưa vẫn quen, phố vẫn nâng niu từng bước chân
Em cười vẫn thế, vẫn rất tươi mà
Chỉ đôi lúc mưa rơi chạm mi em thôi.
Đừng tin khi gió có khẽ nói em đang khóc
Đừng tin em sẽ rất yếu đuối khi không có anh
Đừng tin chiếc lá, lá nói dối em đang nhớ
Đừng tin con phố”.
(Ngày trôi về phía cũ)

“Cảm xúc cảm hứng và những diễn biến tâm trạng trong khi sáng tác và khi hát những ca khúc của tôi luôn luôn là nồng nàn quá mức. Khi đóng cả vai trò người viết truyện và người kể truyện, tôi phải mất rất nhiều năm tháng mới học được thể hiện sao cho khách quan với tác phẩm của mình. Thật vô cùng khó, để giữ tim bình lặng.” Giang cười, chia sẻ.

Để thể hiện được mỗi tình khúc của mình, thay vì tính dễ dàng thỏa hiệp với mọi va chạm, nhận lỗi sai về mình, chỉ cần không làm người thân buồn, Giang lại rất khó khăn và nghiêm khắc khi chọn ca sĩ. Một ca sĩ có nền tảng, có nội lực tốt cùng nội tâm nồng nàn với những rung động chân thành, thêm nữa, cần có cá tính mạnh và riêng biệt khi thể hiện, mới là lựa chọn của Giang. Với ca khúc quan trọng, Giang chọn bạn mình là Bùi Anh Tuấn - giọng ca trưởng thành từ The Voice.

Một ngày mới của Giang thường bắt đầu khá muộn, do thói quen làm việc xuyên đêm. Sau bữa sáng, Giang dành thời gian chỉ để ngồi uống cà phê và ngắm nhìn Hà Nội của mình. Đến chiều là công việc sản xuất âm nhạc, buổi tối, dành toàn bộ thời gian cho vợ và gia đình. Lúc rảnh, Giang lại phóng xe lên cầu Long Biên, thả mình vào giữa sông, cây xanh và gió. Thích những thứ có giá trị sau khi được phủ lên một lớp thời gian, Giang sưu tầm những chiếc xe vespa cổ và hoàn toàn một mình khi thưởng thức thú vui giản dị này.

Với con đường âm nhạc, Giang đang chuẩn bị ra một Album tiếp theo, với mong muốn âm nhạc của mình có ích với xã hội, có thể đủ tốt để truyền những thông điệp làm đẹp cho cuộc đời, cũng như có một hành trình trọn vẹn với âm nhạc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhạc sĩ Dương Trường Giang: Người kể về tình yêu Hà Nội bằng âm nhạc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO