Nhạc sĩ nốt và nhạc sĩ chữ

Nguyễn Đình San 26/04/2022 07:22

Để trở thành nhạc sĩ, phải đâu chỉ ngồi học ở ghế nhạc viện đã là đủ, tuy công việc này không thể xem thường. Nếu chỉ có chữ mà không có nốt thì đương nhiên không thể là nhạc sĩ mà là các học giả. Nhưng nếu chỉ có nốt mà không có chữ thì đó là những người thợ âm nhạc - thợ phối khí, thợ dàn dựng, thợ soạn ca khúc. Còn nhạc sĩ mà nhiều chữ - nhạc sĩ chữ - thì đó đích thực là nhạc sĩ - những nhà sáng tạo thực thụ.

Tranh: ITN.

Nhạc sĩ (Compositeur) là người có khả năng sáng tác nên những bản nhạc - có lời và không lời. Viết nhạc không lời - tức là khí nhạc - phải được coi là công việc chính yếu của nhạc sĩ, chiếm nhiều thời gian, trí lực hơn cả.

Còn những người chỉ chuyên viết ca khúc, gọi là chansonnier. Đã là nhạc sĩ thì phải viết được nhạc không lời, còn hay hay không, giá trị tác phầm khí nhạc tới mức nào lại là chuyện khác. Ở các nước phương Tây có nền âm nhạc bác học phát triển từ lâu đời như Ý, Pháp, Đức, Nga, Ba Lan, Áo, Anh, Tây Ban Nha... người ta không coi những người chỉ viết được bài hát là nhạc sĩ, mà là chansonnier.

Nhưng đó là chuyện của thế giới. Còn ở Việt Nam? Nước ta chưa có một nền âm nhạc bác học chính quy, mà chỉ có âm nhạc dân gian. Nói chính xác hơn, chỉ sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), chúng ta mới có dịp nghĩ tới việc mở mang trường nhạc.

Đến hôm nay, các cơ sở đào tạo âm nhạc đã phát triển, lớn mạnh hơn trước rất nhiều, nhưng chưa thể đào tạo ra một nền nhạc bác học. Điều đó chắc chắn sẽ được xảy ra ở vài ba thế kỷ sau, cho nên nhạc sĩ nước ta chủ yếu vẫn là sáng tác ca khúc.

Một số người được đào tạo chính quy ở trong hoặc ngoài nước đã viết được nhạc không lời, có những tác phẩm hay, giá trị nhưng còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Bản thân những nhạc sĩ này vẫn phải tìm đến ca khúc. Số ít người có tài năng thực sự trong lĩnh vực sáng tác khí nhạc mà không hề viết ca khúc đã ít được thiên hạ biết tới. Họ như người mặc áo gấm đi đêm. Thành thử ở ta, có thể chấp nhận danh từ nhạc sĩ đối với những người chỉ viết ca khúc mà không hề biết viết (hoặc viết không tạo) khí nhạc.

Hiện nay, con số hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã lên tới trên 1.000 người. Vậy có đáng vui mừng trước sự phát triển nở rộ của đội ngũ nhạc sĩ Việt Nam? Xin phép được tạm thời không nói đến các nhạc sĩ biểu diễn, giảng dạy, đào tạo bởi đội ngũ này cũng có lắm người tài, tên tuổi lừng lẫy mà chỉ xin nói đến hai đối tượng: Nhạc sĩ sáng tác và nhạc sĩ lý luận.

Tôi xin được phân nhạc sĩ nước ta thành hai loại, đúng như tên bài viết này. Vậy thế nào là nhạc sĩ nốt và ra sao thì gọi là nhạc sĩ chữ? Đã là nhạc sĩ thì đương nhiên phải am hiểu tường tận các nốt nhạc, phải biết tất cả những điều liên quan đến nốt nhạc như: giọng, điệu, hợp âm, hòa thanh, phức điệu, ly điệu, chuyển điệu... nghĩa là những gì thuộc về kiến thức âm nhạc. Số được đào tạo chính quy trong các trường nhạc thì biết đến nơi đến chốn các kiến thức đó. Còn tất nhiên, số không được học hành chính quy sẽ hiểu biết bập bõm hơn.

Nhưng ngay cả số được học hành đầy đủ thì tình hình hiện nay tỉ lệ nhiều hơn là ngoài các nốt nhạc (với những kiến thức như đã nói), họ không biết hoặc ít biết gì hơn nữa - những điều cần phải có đối với một người sáng tác. Đó là những tri thức về văn hóa nói chung, về văn học, nghệ thụât, triết học, ngôn ngữ. Ngoài ra lại còn phải am tường về lịch sử, địa lý, mỹ học và tất thảy mọi kiến thức về các ngành khoa học xã hội.

Nhiều người đang được coi là nhạc sĩ ở Việt Nam hôm nay - trong đó có cả những người đã may mắn có một vài bài hát được người nghe biết đến- đã rất hạn hẹp, nếu không nói là ù cạc về những lĩnh vực trên. Họ không phân biệt được những từ, những khái niệm nhiều khi sơ đẳng đối với một người làm văn nghệ.

Có người không biết gì về thuật ngữ cổ điển, cứ nghĩ từ này đồng nghĩa với cổ hủ, cổ lỗ, cũ kỹ. Một lần tôi nói chuyện với một nhạc sĩ đang nổi (vì đang có một số bài hát được các ca sĩ hát trên các sân khấu hiện nay) rằng: “Tình ca đang bị lạm phát. Ở đâu cũng thấy “anh yêu em”, “em nhớ anh” mà nhạt nhẽo, tầm thường. Chưa có bài nào vượt lên được “Tình ca” của Hoàng Việt ra đời đã trên 60 năm. Bài hát này xứng đáng là một bài tình ca cổ điển của Việt Nam”. Nhạc sĩ này liền phản ứng: “Xin lỗi ông, bài ấy đến nay vẫn mới mẻ, chẳng một chút cổ điển.

Cứ sáng tác cổ được như thế đã là phúc tổ rồi.” Lần khác, trong lần tiếp xúc với một nhạc sĩ đang làm việc ở một cơ quan có chức năng phổ biến bài hát nên cũng tự giới thiệu được khá nhiều sáng tác – hầu như chương trình nào cũng có bài cuả anh ta, không mới thì cũ- tôi nói: “Ca khúc đang ra đời ồ ạt hiện nay được lăng-xê trên các phương tiện có khuynh hướng nghèo hình tượng nên nghe mới nhạt nhẽo, không như trước đây, các nhạc sĩ bậc thầy, đàn anh cho ra được nhiều bài đích đáng, đậm đà, rõ nét, hình tượng.” Anh ta cho tôi luôn một “bài học”: “Bài hát chỉ cần nghe có hay hay không, chứ không thể đòi hỏi có nhân vật ở trong đó.

Có phải bài nào cũng có hai nhân vật hát đối như “Trước ngày hội bắn” và “Gửi em ở cuối sông Hồng” được đâu. Cũng không phải lúc nào cũng nổi rõ được những hình tượng như anh quân bưu trong “Anh quân bưu vui tính”, các cô gái trong “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” hoặc anh thương binh trong “Vết chân tròn trên cát”.

Tôi đã không ngần ngại nói với nhạc sĩ đó: “Vậy là ông chẳng hiểu gì về từ hình tượng tôi dùng. Và ông đã nhầm lẫn nó với nhân vật. Trong ca khúc, làm sao lại có thể xuất hiện những nhân vật nói, cười, hành động với mọi tâm trạng như truyện ngắn, tiểu thuyết, sân khấu, điện ảnh - những loại hình nghệ thụât miêu tả cụôc sống bằng phương thức tự sự chứ không phải là biểu hiện như trong thơ, đặc biệt là âm nhạc. Hình tượng tôi nói với ông là hình tượng âm nhạc tức là nằm ngay trong bản thân giai điệu. Ý tôi muốn nói đến tính sinh động đặc sắc, giàu sức biểu hiện, vừa trừu tượng lại vừa cụ thể của giai điệu bài hát”.

Do có nhiều dịp tiếp xúc với các thế hệ nhạc sĩ, tôi thấy một điều: Sự hạn chế về hiểu biết, nghèo nàn về kiến thức văn hóa, văn nghệ, lý luận xảy ra nhiều hơn ở các lứa nhạc sĩ sau này.

Sự thiếu hụt trầm trọng về kiến thức văn hóa nói chung cũng như sự hạn hẹp hiểu biết về các lĩnh vực văn học nghệ thuật, khoa học xã hội khiến nhiều nhạc sĩ chỉ là…nhạc sĩ nốt. Bởi ngoài các nốt nhạc trên khuông, trên các phím đàn, họ ít biết và cũng ít có nhu cầu biết mọi kiến thức khác. Ngay sáng tác nhạc không lời lại càng cần một bề dày kiến thức, bởi tính triết lý, khả năng khái quát của người viết cần thiết hơn bất cứ ở đâu.

Sáng tác nhạc không lời cực khó là vì thế, ở nước ta ít làm được - không chỉ bởi nó cần sự học hành về âm nhạc công phu mà còn bởi sự hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực. Có lẽ chính vì vậy mà số nhạc sĩ “nốt” ắt là bí về lời ca. Để tạo ra những ca khúc, họ cố gắng lắm mới lắp ráp được một số lời lẽ lủng củng, khô cứng, dông dài chẳng khác mấy những ngôn từ thông tin hàng ngày vào các nốt nhạc cho phù hợp với nội dung nào đó.

Lẽ đương nhiên, những nhạc sĩ không ở vào trường hợp trên, tức là am tường, thông thái nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - những người có học nhiều, có thể học ở các loại trường, có thể học ngoài đời, tức là có nhiều chữ thì gọi là nhạc sĩ chữ. Số này ở nước ta quả thực là hiếm hoi. Trong những con người ít ỏi này là cả một kho kiến thức đồ sộ về nhiều lĩnh vực. Không mang nhãn hiệu nhà lý luận nhưng họ nói, viết điều gì đều uyên bác. Chuyện âm nhạc đã đành, họ còn như những nhà nghiên cứu văn học, lịch sử, triết học và đủ thứ khác.

Như đã nói, thay thế lớp nhạc sĩ trên dưới 70 tuổi hiện nay là một việc khó khăn không chỉ bởi bề dày đóng góp của họ, mà còn ở khía cạnh đang bàn: Trong số họ có rất nhiều người là nhạc sĩ chữ. Vậy nên để trở thành nhạc sĩ, phải đâu chỉ ngồi học ở ghế nhạc viện đã là đủ, tuy công việc này không thể xem thường.

Nếu chỉ có chữ mà không có nốt thì đương nhiên không thể là nhạc sĩ mà là các học giả. Nhưng nếu chỉ có nốt mà không có chữ thì đó là những người thợ âm nhạc - thợ phối khí, thợ dàn dựng, thợ soạn ca khúc. Còn nhạc sĩ mà nhiều chữ - nhạc sĩ chữ - thì đó đích thực là nhạc sĩ - những nhà sáng tạo thực thụ. Tác phẩm của họ, dù thanh nhạc hay khí nhạc cũng sẽ đậm chất văn học, sâu sắc ý nghĩa nhân văn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhạc sĩ nốt và nhạc sĩ chữ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO