Nhận diện hàng Việt

Bắc Phong 23/09/2015 23:32

Nhận diện hàng Việt vì thế phải được đặt ra như một đòi hỏi của cuộc sống trong tình thế hội nhập. Không thể chỉ là hô hào, mà phải là giải pháp. Giải pháp trước hết phải chính từ nhà sản xuất...

Hàng Việt về huyện miền núi Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.

Chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 - Tự hào hàng Việt Nam” sẽ được tổ chức từ ngày 27/9 đến hết ngày 4/10 với các hoạt động đồng thời tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Vấn đề hàng Việt tới nay càng được chú ý hơn bởi sức ép cạnh tranh khi nền kinh tế hội nhập sâu đã rất gần. Hàng hóa từ các nước theo chân những tập đoàn lớn vào Việt Nam ngày càng nhiều. Vậy, làm sao hàng Việt tạo được thương hiệu, giữ được thương hiệu trên “sân nhà” và khẳng định tại thị trường thế giới?

Không phải chúng ta không làm ra được các mặt hàng chất lượng, mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý. Bằng chứng là không ít mặt hàng của nước khác đã đóng nhãn “made in Vietnam”. Những mặt hàng ấy được bán trong nước ta cũng như bán cả ở nước ngoài. Nói vậy để thấy, trong nhiều trường hợp chúng ta đã không tạo dựng, quảng bá được thương hiệu hàng hóa, đã thế lại còn để mất.

“Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 - Tự hào hàng Việt Nam” nhằm hướng tới mục tiêu người Việt Nam tự hào về sản phẩm của chính mình. Từ trước tới nay, tâm lý sinh ngoại vẫn tồn tại dai dẳng. Tâm lý ấy dẫn đến việc thiếu tôn trọng hàng Việt, thậm chí còn quay lưng. Không trách người tiêu dùng hướng tới sản phẩm đẹp, tốt tới từ các thương hiệu lớn của nước ngoài, vì đó là lẽ đương nhiên.

Nhưng vấn đề ở đây là làm sao hàng hóa sản xuất trong nước phải nâng tầm, phục vụ tốt cho nhiều tầng lớp. Muốn để người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam thì chính những nhà sản xuất phải nâng mình lên.

Như vậy, xuất phát điểm phải là từ nhà sản xuất chứ không phải từ người tiêu dùng. Có thời, từ bộ bát đũa đến nồi niêu, ngay cả con dao dùng cho việc bếp núc cũng từ bên ngoài tràn vào. Chúng ta nào có thua kém gì về công nghệ gốm, sứ, hay là rèn dúc. Vậy mà vẫn để mất thị phần ngay trên sân nhà. Vì rằng giá cả không hợp lý, mẫu mã kém hấp dẫn.

“Ăn chắc mặc bền”, cách đặt vấn đề như vậy không bao giờ sai, nhưng trong thời buổi bùng nổ sản xuất thì không thể bỏ qua yếu tố thị trường, trong đó việc quảng bá sản phẩm phải được quan tâm đúng mức. Vì sao sản phẩm rèn Đa Sĩ hay là gốm Bát Tràng nối tiếng cả vài trăm năm, nay lại không cạnh tranh nổi? Chỉ với ví dụ đó cũng đã thấy việc đầu tư chu đáo cho các dòng sản phẩm là hết sức quan trọng. Nếu không, hàng hóa tốt thì tốt thật nhưng cũng khó được người tiêu dùng lựa chọn.

Trong câu chuyện tự hào hàng Việt, còn một khía cạnh khác rất đáng quan tâm. Đó là khâu phân phối. Thời gian gần đây, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam nhiều, trong đó nổi bật là các nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc, Thái Lan. Lúc thì âm thầm, lúc thì rầm rộ, họ đã xây những trung tâm buôn bán lớn tại nhiều đô thị, và tất nhiên là họ bán chủ yếu các sản phẩm của họ, thu lại lợi nhuận lớn.

Việc hàng Việt đưa được vào các siêu thị trong hệ thống ấy là khó khăn. Chúng ta đã không chú ý đúng mức đến hệ thống phân phối sao cho phù hợp với thời cuộc. Hệ thống mậu dịch quốc doanh, hợp tác xã mua bán một thời “một mình một chợ” nay đã qua rồi. Bây giờ phải là cách phân phối mới phù hợp với phong cách tiêu dùng mới.

Chính vì vậy, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai 6 năm qua cần phải ghi nhận như một sự đột phá. Ở đây, nổi bật vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong Ban Chỉ đạo Trung ương của cuộc vận động. Từ cuộc vận động đó, từ chủ trương đúng đó mà hàng hóa sản xuất trong nước đã đến được với người tiêu dùng, góp phần quan trọng trong việc giữ thị trường trong nước trước áp lực ngày càng lớn sản phẩm hàng hóa đến từ bên ngoài.

Thông qua cuộc vận động, người Việt Nam đã biết đến và tin tưởng hàng Việt Nam nhiều hơn. Tuần lễ tự hào hàng Việt Nam gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vì thế cũng là để thay đổi về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt Nam.

Theo giới chuyên gia, khi mà mức độ hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thì hàng hóa do Việt Nam sản xuất càng cần phải được chú trọng, trong đó có việc đấu tranh kiên quyết với việc làm hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại. Thời gian qua, lực lượng chức năng thu giữ được rất nhiều hàng giả. Đó là nhiệm vụ làm sạch thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và cũng là bảo vệ nhà sản xuất.

Tuy nhiên, mức độ xử lý đối với đối tượng làm hàng giả, hàng nhái được cho là chưa đủ mạnh. Chưa thấy có một vụ xét xử mạnh mẽ nào đối với đối tượng này. Có chăng phổ biến chỉ dừng ở mức thu giữ, tổ chức tiêu hủy. Thuốc không đủ mạnh thì con bệnh không lành.

Các cụ xưa đã dạy rằng, thuốc đắng thì mới dã tật. Trừng trị nghiêm với hành vi làm hàng giả, hàng nhái là cách tốt nhất để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước. Một khi vẫn vàng thau lẫn lộn thì không thể tạo được thương hiệu, tạo được niềm tin trong người tiêu dùng.

Nhận diện hàng Việt vì thế phải được đặt ra như một đòi hỏi của cuộc sống trong tình thế hội nhập. Không thể chỉ là hô hào, mà phải là giải pháp. Giải pháp trước hết phải chính từ nhà sản xuất, tiếp đến là gây dựng hệ thống phân phối, chú trọng việc quảng bá sản phẩm, ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Và cuối cùng là gây dựng niềm tin đối với hàng Việt cho chính người Việt Nam. Tất cả những điều đó phải được tiến hành đồng bộ và bền bỉ.

Không thể làm tốt được cho dù chủ trương rất đúng, nếu như tại các đợt đưa hàng hóa về nông thôn lại vẫn là hàng từ bên ngoài theo đường tiểu ngạch tràn vào, giá rẻ và chất lượng tồi. Cũng không thể nhân những hội chợ, những lần đưa hàng về cho bà con lại “nhồi” hàng quá đát, lỗi thời vào. Làm như thế khác nào giết chết hàng Việt.

Do đó mới nói, công cuộc nhận diện hàng Việt còn lắm gian nan. Tuy nhiên, khó nhưng không thể không làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận diện hàng Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO