Nhận định thị trường chứng khoán 12/4: Làm gì khi tin xấu xuất hiện?

12/04/2022 07:31

Đa phần các công ty chứng khoán đều cho rằng VN-Index sẽ có nhịp hồi phục khi chạm ngưỡng hỗ trợ 1460. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội này để cơ cấu lại cổ phiếu.

Mirae Asset Securities nhận định lực cầu tỏ ra e dè khi tin xấu liên tục xuất hiện, VN-Index giảm hơn 34 điểm trong phiên cuối tuần. Trong tuần, thông tin ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt tạm giam được công bố vào ngày 5/4 đã kéo theo áp lực bán mạnh tại nhóm cổ phiếu Bất động sản và Bất động sản Công nghiệp. trong 2 phiên cuối tuần, VN-Index đã giảm hơn 20 điểm mỗi phiên và chốt tuần tại 1.482,00, giảm hơn 34 điểm (tương đương 2,27%).

Theo Mirae Asset Securities dù bị bán và giảm mạnh trong tuần nhưng do vốn hóa ở mức trung bình nên nhóm KCN gây ảnh hưởng không lớn đến VN-Index, chỉ duy nhất 2 mã là VGC và GEX trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số với mức giảm lần lượt 15,6% và 13,4%. Trong khi đó dù chỉ giảm 5,5% trong tuần, BID đã ảnh hưởng -3,2 đến chỉ số và là cổ phiếu ảnh hưởng xấu nhất đến chỉ số.

Mức P/E của VN-Index đang ở mức 17,2 lần.VN-Index đã thất bại khi hướng đến vùng đỉnh cũ tại ngưỡng 1.534, vùng hỗ trợ trung hạn của chỉ số hiện là vùng 1.470. Nếu duy trì ngưỡng này, chúng tôi kỳ vọng chỉ số sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.515. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức -3.

VN-Index đã thất bại khi hướng đến vùng đỉnh cũ tại ngưỡng 1.534, vùng hỗ trợ trung hạn của chỉ số hiện là vùng 1.470.
VN-Index đã thất bại khi hướng đến vùng đỉnh cũ tại ngưỡng 1.534, vùng hỗ trợ trung hạn của chỉ số hiện là vùng 1.470. Nguồn: Fireant.

Điểm đỡ quan trọng tại quanh 1460

Trong khi đó chứng khoán KB nhận định TTCK Việt Nam giảm điểm, tương đồng với diễn biến thị trường chứng khoán châu Á trước lo ngại diễn biến tiêu cực tình hình Covid-19 tại Trung Quốc. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt việc tài trợ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, BT, BOT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán... khiến cổ phiếu nhóm bất động sản giảm giá ở DXG (-3.6%), PDR (-1.7%). Thủ tướng Nhật Bản mới đây đã thông báo nước này sẽ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) xả kho 15 triệu thùng dầu ra thị trường nhằm hạ nhiệt giá dầu tác động tiêu cực đến cổ phiếu nhóm dầu khí ở PVD (-6.3%), PVS (-3.7%).

Theo báo cáo của Xeneta - đơn vị chuyên đo lường giá cước vận chuyển container theo các hợp đồng dài hạn trên toàn cầu, cước vận chuyển đường biển theo hợp đồng dài hạn đã tăng 7% trong tháng 3, tương đương mức tăng gần 97% so với cùng kỳ năm ngoái giúp cổ phiếu HAH (+0.1%) tăng giá, trái ngược với diễn biến của thị trường chung. Khối ngoại bán ròng ở VHM (+0.1%), STB (-2.8%), VND (+0.3).

Sau những nỗ lực hồi phục bất thành đầu phiên, VNIndex dần suy yếu và lao dốc về cuối phiên. Áp lực bán mạnh về cuối phiên cùng với lực cầu suy yếu khiến cho chỉ số xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1490, tương ứng với MA50. Mặc dù vậy về tổng thể, chỉ số vẫn duy trì kênh tăng điểm từ đáy tháng 1 và dần lùi về điểm đỡ quan trọng tại quanh 1460. Chừng nào mốc này chưa bị phá vỡ, vẫn có thể kỳ vọng vào kịch bản xuất hiện nhịp hồi phục tại đây.

"NĐT có thể trải mua trở lại 1 phần khi chỉ số về vùng hỗ trợ của các cổ phần mục tiêu, nhưng lần tuân thủ nguyên tắc dừng lỗ nếu VNIndex phá vỡ điểm đỡ này", bộ phận phân tính của KB cho hay.

Có thể xuất hiện nhịp hồi phục

CTCK MB (MBS) nhìn nhận thị trường giảm không xuất phát từ tác động bởi thị trường quốc tế, áp lực bán ở một số cổ phiếu mang tính đầu cơ vẫn là nguyên nhân chi phối chính.

Nhà đầu tư có thể tận dụng để cơ cấu lại danh mục khi dòng tiền đang có sự chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu trong rổ VN30, cũng như nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản đã có sự tích lũy trong thời gian vừa qua.

Về góc độ kĩ thuật, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi trong phiên 12/4 tới và VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.490 điểm.

Cùng với đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn nên VN-Index và VN30 có thể sẽ biến động hẹp ở những phiên tới.

CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng việc VN-Index ghi nhận xu hướng giảm khá mạnh sau khi thất bại trước mốc 1.530 điểm khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng trở lại.

Chúng tôi tiếp tục cho rằng, xu hướng của chỉ số trong tuần sau sẽ là kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.470 - 1.480 điểm (quanh đường MA20) và chờ đợi cân bằng cung – cầu được thiết lập cùng với việc tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại trước khi có thể lấy lại mốc 1.500 điểm.

Tận dụng các đợt hồi kỹ thuật để đưa danh mục về mức hợp lý

Theo quan điểm kỹ thuật, CTCK Phú Hưng cho rằng VN-Index có phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp. Chỉ số cắt xuống dưới MA20, cùng với đường – DI nới rộng khoảng cách lên phía trên so với +DI, cho thấy chỉ số đang đánh mất đi cơ hội giữ được xu hướng tăng, và áp lực giảm ngắn hạn đang quay trở lại.

Tuy nhiên, chùm MA 20, 50, 100 đang hội tụ và vận động phẳng, cùng với đường MACD vẫn nằm trên Signal và khối lượng giao dịch ở dưới mức bình quân 10 phiên, hàm ý áp lực bán chưa quá mạnh.

Do đó, chỉ số có thể hướng tới kịch bản vận động trong kênh giá đi ngang quanh các đường MA trung hạn, với hỗ trợ quanh vùng 1.440 – 1.450 điểm và kháng cự quanh 1.520 – 1.530 điểm.

Đối với sàn Hà Nội, HNX Index có diễn biến tương tự. Chỉ số có phiên giảm điểm thứ tư liên tiếp và thủng hỗ trợ MA50, kèm theo đường MA5 cắt xuống dưới MA20, cho thấy xu hướng giảm ngắn hạn đang mạnh lên, chỉ số có thể chịu áp suy giảm về lại vùng hỗ trợ tâm lý quanh 400 điểm. Nhìn chung, thị trường có thể đang quay lại xu hướng giảm ngắn hạn.

Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng các đợt hồi kỹ thuật để đưa danh mục về mức hợp lý, và chỉ nên ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh 2022 tươi sáng và đang hút được dòng tiền mạnh.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận định thị trường chứng khoán 12/4: Làm gì khi tin xấu xuất hiện?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO