Nhân loại trong cuộc chiến chống rác thải

Thế Tuấn 22/06/2018 14:00

Càng ngày, nạn rác thải càng trở nên nặng nề, không với riêng quốc gia nào. Người ta nói rằng, nếu không có biện pháp xử lý, thì rồi rác thải sẽ “lấp đầy hành tinh”.

Nhân loại trong cuộc chiến chống rác thải

Rác thải nhựa hết sức độc hại.

1. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017 tổ chức tại Thụy Sỹ, đại diện nhiều quốc gia đã lên tiếng cảnh báo vấn nạn rác thải. Trong đó có những loại rác cả trăm năm cũng không phân hủy (rác thải nhựa), gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Năm nay, nhân ngày Thế giới về môi trường (5/6), vấn đề rác thải một lần nữa được cảnh báo một cách nghiêm túc. Rác thải không chỉ có ở đất liền, mà nguy hại hơn đại dương cũng đang bị biến thành một bãi chứa rác thải khổng lồ. Sóng gió biển cả đưa chúng “chu du” khắp mọi nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống con người, đặc biệt còn khiến cho môi trường của các loại sinh vật biển bị tàn phá.

Thống kê cho thấy, năm 1900, đã có khoảng 220 triệu người sống ở các thành phố, phát sinh ra ít nhất 300.000 tấn chất thải rắn, bao gồm rác thực phẩm, bao bì và các vật dụng gia đình khác. Người ta tính rằng, nếu cứ đà ấy, thì một trăm năm sau, hơn 2,9 tỷ người sống ở các thành phố và tạo ra hơn 3 triệu tấn rác thải mỗi ngày.

Tại nhiều quốc gia, dọc theo những dòng sông là các bãi rãi lưu cữu. Chúng bốc mùi hôi thối khó chịu, cùng đó là những chất độc hại lan tỏa không trung khi bị đốt. Những bãi rác ấy cũng chính là nơi phát sinh nhiều loại côn trùng độc hại, trong đó phải kể đến ruồi muỗi. Nhiều loài gặm nhấm cũng dựa vào rác mà sinh sôi này nở.

Trong báo cáo “Đánh giá toàn cầu về quản lý chất thải rắn” năm 2012, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, khối lượng rác thải ngày càng lớn của cư dân đô thị đang là một thách thức không kém gì tình trạng biến đổi khí hậu, và chi phí xử lý rác thải sẽ là gánh nặng đối với các quốc gia nghèo. Các chuyên gia WB cũng cảnh báo, lượng chất thải rắn toàn cầu đang tăng lên hơn 6 triệu tấn mỗi ngày vào năm 2025. Chất thải độc hại từ các thành phố đã đủ để lấp đầy một dòng xe chở hàng dài 5.000 cây số mỗi ngày. Chi phí toàn cầu cho việc đối phó với tất cả những thùng rác đó cũng tăng lên: từ 205 tỷ USD mỗi năm trong năm 2010 lên 375 tỷ USD vào năm 2025, mức tăng chi phí mạnh nhất ở các nước đang phát triển.

Đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các loại chất thải ô nhiễm có thể là nguyên nhân gây bệnh hen suyễn, dị ứng, bệnh đường hô hấp, tim mạch và đặc biệt là ung thư. WHO và WB ước tính hơn 2 triệu người tử vong mỗi năm do hít phải không khí bị ô nhiễm trong nhà và ngoài trời, đồng thời có khoảng 40 triệu trẻ em mắc các bệnh liên quan đến rác thải. 23% số ca tử vong ở các nước đang phát triển có nguyên nhân từ các yếu tố môi trường, bao gồm ô nhiễm và các yếu tố rủi ro môi trường liên quan đến hơn 80% các bệnh thường gặp.

Trở lại với Diễn đàn Kinh tế thế giới 2017, thông tin tại đây cho rằng, nếu không có hành động khẩn cấp, đến năm 2050, các đại dương bị ô nhiễm nặng nề và “sẽ có nhiều rác thải nhựa hơn cả cá”.

Ước tính của các nhà nghiên cứu, có ít nhất hơn 5 tỷ mảnh nhựa đang trôi nổi trên các đại dương. Điều này có nghĩa số lượng rác thải hiện nay gấp 48 lần trữ lượng nhựa của con người từng có trong lịch sử. Hay nói cách khác, nếu chúng ta lấy tất cả nhựa ra khỏi đại dương và chia đều thì mỗi người sẽ nhận ít nhất 48 mảnh nhựa.

Nhân loại trong cuộc chiến chống rác thải - 1

Rác thải nhựa tràn ngập một bãi biển ở Neo Faliro, phía Nam thủ đô Athens (Hy Lạp), tháng 1/2018

2. Trước vấn nạn đó, nhiều quốc gia đã tuyên chiến với rác thải. Nổi bật nhất là nhiều quốc gia châu Âu (EU).
Ngày 29/5 vừa qua, Uỷ ban châu Âu (EC) đã công bố hàng loạt các biện pháp đầy tham vọng nhằm làm sạch các vãi biển và vùng biển của châu lục này khỏi các loại rác nhựa. EC cũng thúc giục Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu các nỗ lực giảm tình trạng ô nhiễm biển trên toàn thế giới.

Các biện pháp trên hy vọng sẽ được 28 nước thành viên EU phê chuẩn, và đây sẽ là bước ngoặt trong cuộc chiến với rác thải.

“Chúng ta đang đối mặt với rủi ro ô nhiễm nhựa trên biển, ảnh hưởng tới chuỗi thức ăn của con người và sức khỏe của chúng ta”- Frans Timmermans, Phó Chủ tịch EC, nói và nhấn mạnh: “Nhựa ở khắp mọi nơi, trong không khí, trên các đại dương, trong thức ăn và cả trong cơ thể chúng ta”.

Theo các biện pháp mới đề xuất, mỗi quốc gia thành viên của EU sẽ phải thực hiện các chiến dịch tăng cường nhận thức của người dân về việc thải các đầu lọc thuốc lá ra môi trường và các nhà sản xuất thuốc lá cũng phải chia sẻ chi phí xử lý các loại đầu lọc thải ra môi trường.

Hiện nay, một số công ty thuộc ngành công nghiệp sản xuất nhựa và các công ty chế tạo đồ câu cá ủng hộ các biện pháp đề xuất này, cho rằng đó là điều cần thiết. Các ngành công nghiệp này cũng ủng hộ các biện pháp kêu gọi các nhà sản xuất chia sẻ trách nhiệm trong việc nâng cao nhận thức của người sử dụng và xử lý rác thải.

Tuy nhiên, nói như Viky Cann- chuyên gia thuộc Tổ chức phân tích chiến dịch vận động Corporate Eurpoe Observatory thì “Chúng tôi dự đoán sẽ chứng kiến phản ứng mạnh mẽ từ các nhà sản xuất trong những tháng tới đây. Họ vốn đã lên tiếng phản đối việc áp dụng các lệnh cấm và cam kết tài chính nhằm vào giới sản xuất, thay vào đó ủng hộ việc mỗi công ty tự đưa ra sáng kiến riêng”.

Như vậy, cuộc chiến với rác thải không hẳn đã thuận buồm xuối gió, vì thế càng đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa.

Tỷ lệ tái chế còn quá thấp

Một công trình nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science Advances do tiến sĩ Geyer và các cộng sự thực hiện cho thấy,chỉ trong 13 năm con người cho ra phân nửa trong 8,3 tỉ tấn sản phẩm nhựa sản xuất trong 65 năm. Chỉ có 9% rác thải nhựa được tái chế, 12% được đốt cháy và 79% đi thẳng ra bãi rác và bị chôn dưới đất.

Từ khi con người bắt đầu sản xuất hàng loạt sản phẩm và vật liệu nhựa từ thập niên 1950, nhìn đâu cũng thấy nhựa, không chỉ bao bì thực phẩm, chai lọ, quần áo chống nước mà cả các linh kiện máy bay và chất dập lửa. Từ một sản phẩm “cách mạng”, plastic biến dần thành gánh nặng của con người. Các sản phẩm plastic thông dụng không có khả năng tự phân hủy sinh học. Cách duy nhất để “giết” nó là đốt thành than, dù cách làm đó sẽ tạo ra khói độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân loại trong cuộc chiến chống rác thải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO