Nhân lực thời 4.0

Nguyên Khánh 21/07/2018 08:00

Dự Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Để bắt kịp chuyến tàu công nghiệp 4.0, Chính phủ phải tự đổi mới để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số. Để thực hiện mục tiêu này, trước mắt chúng ta phải đào tạo những con người, những cán bộ của thời đại 4.0.

Nhân lực thời 4.0

Thành thục công nghệ thông tin- đòi hỏi cơ bản của nguồn nhân lực.

Để nhanh chóng bước lên chuyến tàu cách mạng công nghiệp 4.0 với mỗi một quốc gia sẽ có những cách làm khác nhau. Tất nhiên, không phải chờ những quyết định mang tính pháp lý từ các cơ quan nhà nước thì cách mạng công nghiệp 4.0 mới đến với nước ta. Mà mỗi một doanh nghiệp bằng sự sáng tạo và năng động có thể đi vào cách mạng công nghiệp 4.0 theo cách của mình. Như một cửa hàng hoàn toàn có thể vận dụng công nghệ 4.0 để kết nối khách hàng để kiểm tra, bảo trì bảo dưỡng sản phẩm, hay một hiệu phở cũng có thể thực hiện công nghiệp 4.0 như có cần giao phở tới tận nhà hay không. Vì thế, cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là thứ gì cao siêu trên trời, mà từ nông nghiệp, người bán hàng, các tiệm phở, các ngân hàng… mọi lĩnh vực của đời sống đều có thể thực hiện ngay cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia để “đón sóng” cách mạng công nghiệp 4.0 cần sự thay đổi chính sách, cơ chế, cần sự tái cơ cấu đổi mới mạnh mẽ từ Chính phủ, phải có bàn tay mạnh mẽ từ Chính phủ.

Đáp lời, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: Việt Nam không thể bỏ lỡ chuyến tàu công nghiệp 4.0. Để không bỏ lỡ cơ hội này, trước hết, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số. Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để phát huy được những thuận lợi do việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số mang lại và đáp ứng được những thách thức của thời đại kinh tế số.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng, muốn thích ứng với cuộc cách mạng này, việc bảo đảm cho thành công là yếu tố con người, chuẩn bị nguồn nhân lực 4.0 là đòi hỏi cấp thiết cả trước mắt và lâu dài. “Muốn làm cách mạng thành công trước hết phải xây dựng được lực lượng cách mạng. Nguồn nhân lực thông minh cộng với sự sáng tạo là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Thật vậy, muốn làm cách mạng thì phải có những con người cách mạng đó là yếu tố cốt lõi. Chia sẻ vì sao phải có những con người được đào tạo đầy đủ, bài bản những kỹ năng cần thiết mới có thể đáp ứng được yêu cầu mới của thời đại, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, nếu cán bộ không tự làm mới mình, “Nếu không cải cách hành chính, không ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao trình độ của mỗi cán bộ thì không bao giờ có chuyện 2.500 cán bộ có thể giám định tới 170 triệu hồ sơ khám chữa bệnh một năm, đây là khối lượng công việc khổng lồ”.

Rõ ràng, “chúng ta nói Chính phủ điện tử, Chính phủ 4.0 là phải có con người 4.0. Nếu chúng ta đưa ra mục tiêu như thế thì cán bộ, công chức, viên chức phải có tiêu chuẩn 4.0 mới được vào đây. Chúng ta xây dựng thể chế nào, công nghệ nào có người đó” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã khẳng định và cho rằng, cần đổi mới phương thức đào tạo để cho “ra lò” những cán bộ có đầy đủ kĩ năng, nghiệp vụ chuyên môn của kỷ nguyên số là điều được đặt lên hàng đầu.

Theo đó, việc cần làm lúc này là các bộ, ngành, địa phương đặc biệt là 2 Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội cần tự đổi mới mình, đào tạo để có đội ngũ chuyên gia giỏi, đáp ứng yêu cầu 4.0; đào tạo nghề, chủ động chuyển đổi nghề để công nhân không bị thất nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo PGS.TS Cao Văn Sâm, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Việt Nam, trong bối cảnh đó, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mỗi quốc gia có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế; đồng thời cũng gặp không ít thách thức, khó khăn, nhất là thách thức về chất lượng nguồn nhân lực theo xu hướng đòi hỏi ngày càng cao. Chúng ta phải chấp nhận “luật chơi” chung trong trào lưu trên. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, vũ khí mạnh mẽ nhất đối với mỗi quốc gia là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng của người lao động để thích ứng với nhu cầu mới của nhà máy thông minh.

Do đó, theo ông Sâm, đào tạo nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0 không thể dùng mãi “bài cũ” mà cần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tất yếu phải được ưu tiên trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam đòi hỏi Giáo dục nghề nghiệp cần phải luôn nâng cao năng lực, đổi mới căn bản và toàn diện. Việc cần làm lúc này là giáo dục nghề nghiệp không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất mới để đào tạo nguồn nhân lực.

Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra; tích hợp các nội dung đào tạo về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp trong chương trình đào tạo; đào tạo và đánh giá trình độ tin học và tiếng Anh cho người học theo các chuẩn quốc tế; Người học không phải thi tốt nghiệp cuối khóa khi tích lũy đủ mô-đun, tín chỉ. Người tốt nghiệp trình độ cao đẳng được công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành. Đồng thời, phải mời doanh nghiệp tham gia tất cả các công đoạn trong quá trình tổ chức đào tạo từ xây dựng chương trình, tuyển sinh, đào tạo, thi kiểm tra và giải quyết việc làm cho người học. Phải đào tạo các kỹ năng mềm cho những cán bộ tương lai ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng điều quan trọng hơn cả, khi hành nghề các cán bộ này phải được thực hành và phải liên tục trau dồi, đổi mới sáng tạo để đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn, có như vậy mới đáp ứng được những yêu cầu của thời đại mới.

Tóm lại để không bị bỏ lại phía sau, không đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ đã có những mục tiêu rất rõ ràng. Việc cần làm lúc này là cần những cán bộ, nguồn nhân lực- những con người đáp ứng được những yêu cầu mới của thời đại để hiện thực hóa chủ trương này, để chúng ta có thể tự tin bước vào kỷ nguyên số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân lực thời 4.0

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO