Nhận thức lại của thế hệ chúng tôi về người Nhật

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi 19/12/2018 09:15

Thế hệ chúng tôi bước vào tuổi 7-8 bắt đầu biết ý thức thế giới xung quanh khi quân đội Nhật hoàng chiếm đóng Đông Dương đã 5 năm. Ấn tượng kinh hoàng đầu đời của chúng tôi là nạn đói năm 1945: một buổi sáng u già vừa kẹt mở cánh cửa đi chợ sớm thì một thân người – không! - một bộ xương với cái đầu trọc lốc, mặt hốc hác, hai lỗ mắt sâu hoắm, đổ kềnh vào nhà: một người chết đói! Có lẽ đêm qua đói lả, cố lết đến ngồi dựa cửa, mong lấy chút hơi ấm cho cơ thể thoi thóp…

Nhận thức lại của thế hệ chúng tôi về người Nhật

Các chuyên gia Việt Nam, Nhật Bản tại một Hội thảo về giao lưu văn hóa Việt - Nhật.

Suốt tuổi ăn học chúng tôi được dạy rằng: hai triệu đồng bào ta bị chết đói là tội ác không thể dung tha của quân phát-xit Nhật. “Diệt phát-xit!” – là bài ca nung nấu sục sôi cả tuổi niên thiếu của thế hệ chúng tôi. Thế rồi …Năm 1992, tôi là người đề xuất thành lập ở Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) Khoa tiếng Nhật, một trong vài ba khoa chuyên ngành sớm nhất trong các trường đại học Việt Nam. Mà mọi sự ngày ấy đâu có hanh thông, dễ dàng như bây giờ. Năm 1993, Khoa tiếng Nhật tuyển sinh khóa đầu tiên, chỉ có 13 sinh viên vẫn khai giảng như thường. Năm nay, kỷ niệm 25 năm thành lập, Khoa tiếng Nhật đã có 624 SV chính quy, 141 vừa học vừa làm, 62 chọn học ngoại ngữ 2 và 4 theo học chương trình thạc sĩ, tổng cộng sĩ số là 836. Một bước trưởng thành như chàng trai Phù Đổng!

Có người hỏi tôi: Vì sao người lập khoa tiếng Nhật lại là anh – rusist (nhà Nga ngữ học)? Chắc là duyên phận… Nên dẫu vạn sự khởi đầu nan, vẫn làm. Bản thân không biết một từ tiếng Nhật, may mà biết Hán cổ nên cầm tờ báo Nhật cũng hiểu loáng thoáng. Trường có 3 giáo viên tiếng Nhật, thì đã phải cho chuyển đi 2, còn người cuối cùng một cơ quan thương nghiệp Hà Nội đồng ý tiếp nhận, đương sự đã được Thường vụ Thành ủy duyệt, nên Hiệu trưởng cũng đã kí quyết định cho chuyển đi. Nhưng cấp dưới là tôi, Trưởng khoa phiên dịch, cương quyết không kí hồ sơ cán bộ để giáo viên tiếng Nhật cuối cùng chuyển cơ quan. Lí lẽ thuyết phục lãnh đạo cả hai cơ quan lẫn đương sự là: Đại học Ngoại ngữ Hà Nội không thể không có Khoa tiếng Nhật vì Nhật Bản vừa thỏa thuận mở lại viện trợ cho Việt Nam. Trong thâm tâm tôi tin rằng Khoa tiếng Nhật trường tôi, dám bắt đầu từ hai bàn tay trắng: không chương trình-giáo trình, chỉ với vài ba giáo viên, nhất định sẽ nhận được tài trợ từ người Nhật chẳng những thượng võ mà cũng rất nhân văn.

Nhận thức mới của tôi, nói đúng hơn – của thế hệ chúng tôi (vì hai ông Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ và Giám đốc Sở Thương nghiệp Hà Nội với tôi là đồng đội Thiếu sinh quân Kháng chiến chống Pháp) – về người Nhật đã manh nha từ lúc nào?
Với tôi, có lẽ từ những sự việc nhỏ cụ thể, nhưng để lại thắc mắc lâu năm trong tâm thức. Năm 1945, ở cái tuổi ham hiểu biết, bộ óc tò mò của tôi bắt đầu thu lượm những sự việc khó hiểu về “Nhật lùn” đeo kiếm dài quét đất. Vào một buổi sáng sớm, một bác công nhân nhà in báo Thanh Nghị mà cha tôi làm Chủ nhiệm, hớt hải chạy đến nhà, vừa thở vừa bảo cha tôi phải trốn đi ngay, hiến binh Nhật đang lục soát tòa soạn. Cha chỉ kịp thì thầm đôi câu dặn dò mẹ, vớ cái tay nải mẹ vừa nhét mấy bộ quần áo và cái phong bì gói giấy báo, nhảy lên xe đạp và vù đi mất tích cho đến khi Khởi nghĩa tháng Tám thành công. Người bị bắt ở tòa soạn Thanh Nghị hôm ấy là em ruột của cha tôi. Bà nội khóc hết nước mắt: chú tôi phen này cầm chắc cái chết khi mới mười tám đôi mươi. Ông nội tôi, lúc ấy đang nối nghiệp cụ Nghè Vũ Tông Phan, làm trưởng Hội Thiện đền Ngọc Sơn, giảng tại đó và các đền chùa quanh Hà Nội kinh Tam giáo, răn dạy giữ lòng trung - hiếu và yêu thương đồng bào máu đỏ da vàng, được ai đó mách nước, vội khoác tấm áo nhà sư, đeo tràng hạt, ôm mấy quyển kinh Phật, gọi xe tay lên Sở hiến binh Nhật. Kỳ lạ: ông trở về cùng với chú tôi. Hóa ra, quan ba hiến binh “Nhật lùn” cũng sùng đạo Phật và có lòng từ bi!

5 năm sau, 12 tuổi, khoác ba lô băng rừng nhập học trường Thiếu sinh quân Việt Nam trên chiến khu Việt Bắc, tôi được nghe đã chiêu mộ được cả các sĩ quan cao cấp của quân đội Nhật hoàng gia nhập Việt Minh, tham gia huấn luyện quân sự cho bộ đội, nhiều người còn trực tiếp cầm súng chiến đấu chống bọn thực dân da trắng và có không ít người đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc Việt Nam đồng chủng máu đỏ da vàng… Để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho tôi là câu chuyện về đại tá Ikawa, Tư lệnh binh đoàn quân Nhật đóng ở Huế. Bọn thiếu niên mới lớn chúng tôi thích nhất hai chi tiết. Ông Ikawa yêu một người con gái Việt Nam là nữ sinh trường Đồng Khánh ở Huế và vị đại tá Nhật này đã anh dũng hy sinh khi dùng súng trường bắn trả máy bay Pháp tập kích đoàn cán bộ Vệ quốc quân mà ông làm cố vấn đi thị sát mặt trận. Cô gái Huế ấy tên là Hải Đường; bà Hải Đường sống ở TP Hồ Chí Minh và vẫn trân trọng gìn giữ những kỉ vật ông Ikawa trao cho bà khi chia tay ra trận: lá cờ đỏ sao vàng, áo kimono, chiếc nhẫn và tấm ảnh của ông. Sau này, trong khi khảo cứu lịch sử giảng dạy ngoại ngữ ở nước nhà, tôi sưu tầm được bài báo viết về một người Nhật “chiến sĩ Việt Nam mới” trên mặt trận văn hóa giáo dục, đó là ông giáo Utsumi, tham gia dạy tiếng Anh cho các cán bộ Việt Minh tại Trường Ngoại ngữ đầu tiên của nước Việt Nam kháng chiến, khai giảng năm 1947 trong núi rừng chiến khu Việt Bắc.

Sau này, đã thành nhà giáo và ba chục năm nay bắt đầu quan tâm tìm hiểu tầng lớp trí thức Việt Nam buổi giao thời “gió Á - mưa Âu”, tôi thực sự khâm phục tầm nhìn của tầng lớp sĩ phu duy tân Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, dẫu có khác nhau về sách lược đấu tranh giành độc lập, người ủng hộ bạo động vũ trang, người chủ trương “đề huề” với thực dân Pháp để khai dân trí đã, nhưng đều nhất trí: để cứu nước phải “Noi gương Nhật Bản duy tân”! Đó là lời hô hào của hai tân cử nhân Nho học Dương Bá Trạc và Lương Trúc Đàm, con trai cả của Lương Văn Can, tại cuộc “met-tinh” đầu tiên diễn ra ngày Rằm tháng Giêng năm Đinh Mùi (1907) tại đền Ngọc Sơn, dọn đường công luận cho Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời mấy tháng sau đó tại số 4 và số 10 phố Hàng Đào, cách “ngôi đền Văn minh” (lời nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy) chỉ trăm mét.

Từ những cảm nhận cá nhân, tôi thiển nghĩ: các cụ chọn noi gương Nhật Bản, ngoài lí do tư tưởng, chính trị-xã hội, kinh tế, quân sự v.v… cũng còn một lí do tối quan trọng: CON NGƯỜI NHẬT BẢN. Chính cụ Phan Bội Châu trong tác phẩm Việt Nam quốc sử khảo đã bộc lộ sự khâm phục con người Nhật Bản trước hết ở những phẩm chất người cao quý: tinh thần tự tôn dân tộc, tinh thần cao thượng trượng nghĩa, dũng khí xả thân vì nước và tình cộng đồng.

Là một giáo viên chuyên dạy ngoại ngữ, tôi đương nhiên chú ý tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức dạy ngoại ngữ của người Nhật, vì trình độ ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, giáo viên của Việt Nam còn kém. Lỗi chỉ một phần tại họ, còn chủ yếu do nhận thức và cách tổ chức. Muốn đổi mới kiểu gì thì trước hết cũng phải tiếp cận nhanh chóng các thông tin tư tưởng tiên tiến và khoa học hiện đại, nhằm đổi mới bộ não của chính mình. Bởi vậy ở Nhật Bản thời Minh Trị, khi cải cách giáo dục phục vụ duy tân, trong những bước đầu, sau bậc học phổ thông người ta đã dành hẳn 3 năm có thể coi là dự bị đại học ở các trường kotogakko (cao đẳng học hiệu). Theo nhà văn hóa Phạm Quỳnh ủng hộ duy tân thì các trường kotogakko có mục đích trước hết trong 3 năm đào tạo thanh niên biết thực hành ngoại ngữ song song với việc ôn luyện nâng cao những kiến thức đã học để chuẩn bị cho họ vào đại học. Tôi hiểu ra rằng người Nhật ngay từ đầu đã nhận thức rõ vai trò giáo dục nhân cách của ngoại ngữ: ngoại ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp, ngoại ngữ còn cho người ta một nếp nghĩ mới, kể cả hành vi ứng xử mới.

Tôi lập Khoa tiếng Nhật với kì vọng các thế hệ sinh viên được thụ giáo các thầy cô người Việt và người Nhật sẽ nắm vững tiếng Nhật cùng với văn hóa nước mặt trời mọc để góp phần giải mã xứ sở của những người chiến bại, nhanh chóng từ tro tàn vươn lên hàng cường quốc, mong giúp được gì cho chúng ta thoát khỏi những hữu hạn của chính mình để theo kịp những quốc gia tiên tiến…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận thức lại của thế hệ chúng tôi về người Nhật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO