Nhật Bản tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

Thanh Giang 05/03/2019 08:30

70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có hướng mở rộng kinh doanh. Thậm chí, trên 67% doanh nghiệp thành lập từ trước năm 2010 cũng có kế hoạch đầu tư mở rộng. Kế hoạch sản xuất kinh doanh nêu trên cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của hoạt động đầu tư.

Nhật Bản tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

Công nhân sản xuất tại dây chuyền một nhà máy của Nhật.

Doanh nghiệp tăng vốn

Tại buổi công bố kết quả khảo sát thực trạng hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, ngày 4/3, ông Takimoto – Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại TP HCM cho hay, doanh nghiệp Nhật Bản đang tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Đại diện Jetro thông tin, có 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có hướng mở rộng kinh doanh. Đây là tỷ lệ tương đối cao so với các nước khác. Thậm chí, trên 67% doanh nghiệp thành lập từ trước năm 2010 cũng có kế hoạch đầu tư mở rộng. Kế hoạch sản xuất kinh doanh nêu trên cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của hoạt động đầu tư.

Theo thống kê từ kết quả khảo sát đối với 787 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, có 65,3% doanh nghiệp cho hay đang làm ăn có lãi, lãi cao hơn 0,2% so với năm 2017. Đặc biệt, doanh nghiệp thành lập trước năm 2010 báo lãi ổn định ở mức trên dưới 80%.

Nguyên nhân tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng kinh doanh là nhờ doanh thu ở thị trường xuất khẩu và thị trường sở tại liên tục ở mức cao. Lợi thế đầu tư, lợi thế về quy mô thị trường và tính tăng trưởng được các doanh nghiệp tiếp tục đánh giá ở mức cao nhất. Tiếp đến là các lợi thế về tình hình chính trị ổn đinh, chi phí nhân công thấp, môi trường sống cho nhân viên nước ngoài về dễ tuyển dụng nhân công.

Jetro thông tin, trong năm 2018, Nhật Bản dẫn đầu về nguồn vốn đầu tư tại Việt Nam với khoảng 8 tỷ USD. Số dự án cấp phép đầu tư từ Nhật Bản là 630 dự án, tăng 3 năm liên tiếp và đạt con số kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó ngành lưu thông bán lẻ chiếm tỷ lệ cao nhất. Ở lĩnh vực đầu tư mới, ngành chế tạo thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật tăng gấp 3,6 lần. Song song đó, hoạt động bổ sung vốn của doanh nghiệp Nhật Bản cũng tăng mạnh tại các tỉnh thành của cả nước.

Tại TP HCM, tính đến tháng 11/2018, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn thứ năm của thành phố với 1.247 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt gần 4,2 tỷ USD. So với năm 2017, thành phố đã có thêm hơn 200 dự án đăng ký mới và hơn 200 triệu USD vốn đầu tư gia tăng từ Nhật Bản.

Cải thiện môi trường đầu tư

Nói về hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp Nhật Bản Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp khẳng định, hình thức xuất khâu 100% của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có xu hướng giảm và tiến dần sang hình thức cung ứng nội địa. Một điểm sáng của thị trường Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật Bản ghi nhận đó là, tỷ lệ nội địa hóa đã đạt được 36,3%, tăng nhiều nhất so với các quốc gia được khảo sát. Lần đầu tiên tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam vượt Indonesia.

Theo đánh giá, tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp tăng đáng kể so với 10 năm trở lại đây, mức tăng 13% so với năm 2008. Mặc dù đánh giá khá cao điều kiện và môi trường đầu tư của Việt Nam, song doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho rằng, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch vẫn là rủi ro lớn và chưa được cải thiện.

Liên quan đến môi trường đầu tư, trước đó đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP HCM nêu quan điểm: Để “đón gió” đầu tư của Nhật dịch chuyển từ các nước, cũng như lượng đầu tư mới, Việt Nam cần hoàn thiện môi trường đầu tư hơn nữa. Bởi theo nhận định của doanh nghiệp Nhật Bản, song song những kết quả cải thiện, thủ tục hành chính có phát sinh nhiều vấn đề mới. Tại TP HCM, dù đã giải quyết nhiều vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp Nhật Bản nhưng vẫn còn tồn đọng một số vấn đề.

Cuối năm 2018, tại buổi làm việc bàn tròn của lãnh đạo TP HCM với doanh nghiệp Nhật Bản về môi trường đầu tư, lãnh đạo UBND TP HCM nhận định, thời gian qua thành phố đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp Nhật Bản. Điều này thể hiện quyết tâm đồng hành cuàng doanh nghiệp của chính quyền thành phố nhằm phục vụ nhà đầu tư. Theo ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch UBND TP HCM, phương châm của thành phố trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là năm sau tốt hơn năm trước. Thành phố sẽ đưa ra những giải pháp, chính sách phù hợp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhật Bản tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO