Nhiệm kỳ mới - Tâm thế mới

Lê Ái 19/06/2019 09:05

Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019- 2024 đã bước vào giai đoạn 3 khi các tỉnh, thành phố bắt đầu tổ chức đại hội. Một nhiệm kỳ mới, một giai đoạn mới của người Mặt trận lại bắt đầu, đầy tự hào nhưng cũng vô cùng thách thức, đòi hỏi mỗi người phải chuẩn bị tâm thế mới, tận tụy hơn với công việc, bám sát hơn với phong trào để khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của nhân dân trong xây dựng quê hương, đất nước.

Nhiệm kỳ mới - Tâm thế mới

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tham quan gian hàng trưng bày tại Đại hội MTTQ TP. Cần Thơ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 vừa được tổ chức trong hai ngày 31/5- 1/6/2019. (Ảnh: Quốc Trung).

Sau hơn 30 năm đổi mới, nhiều thành tựu đã đạt được khi đời sống nhân dân khá lên, đất nước có vị thế cao trên trường quốc tế, nhưng song hành cùng với sự phát triển là những nảy sinh của đời sống, trở thành nhiều vấn đề nổi cộm của xã hội. Giờ đây không chỉ có tệ nạn xã hội, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm, mà nhà trường xưa nay được coi là “điểm đến an toàn” thì giờ đây đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn, nổi rõ là tình trạng bạo lực, sự xuống cấp đạo đức của thầy và trò với nhiều vụ việc đau lòng... rất đáng suy ngẫm. Chưa kể, hiện nay, ở nhiều nơi vẫn xuất hiện tình trạng đơn thư khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc cho đời sống nhân dân.

Cho nên, tại Hội nghị liên tịch thường niên giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính phủ diễn ra hồi tháng 4 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam một triết lý sâu sắc: “Đừng để đốm lửa nhỏ thiêu rụi cả một cánh rừng lớn”. Bởi vì, tất cả những vấn đề nổi cộm của xã hội đang diễn ra, có trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp, trách nhiệm của những người làm công tác Mặt trận trong việc hiểu lòng dân.

Hiểu lòng dân là một phương thức căn bản để đi đến giải quyết những vấn đề mà nhân dân mong mỏi, từ đó góp phần vào việc xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết.

Tại các hội nghị, diễn đàn góp ý cho các dự thảo văn kiện của Đại hội MTTQ các tỉnh, thành phố và Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX đã và đang diễn ra sôi nổi, rất nhiều ý kiến từ địa phương cho đến Trung ương, dù đồng tình, phản biện, hay có những ý kiến khác, thì tất cả đều đi đến mục đích cuối cùng: củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để làm cho đất nước mạnh lên, làm cho cuộc sống của mỗi người bình an, hạnh phúc - sứ mệnh ấy, vẫn luôn thuộc về MTTQ Việt Nam.

Ở giai đoạn này, khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang có những thay đổi từ trong nội tại, từ các tầng lớp, giai cấp, cho nên muốn phát huy khối đại đoàn kết, người Mặt trận phải nhận diện được sự “mạnh”, “yếu” đang tồn tại trong đó. Nói như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, trong thời gian qua, Mặt trận đã làm tốt sứ mệnh của mình nhưng chất lượng đội ngũ cán bộ nằm trong các lực lượng dân tộc lại chưa tốt vì không thể phủ nhận vẫn có một bộ phận cán bộ công chức, viên chức đạo đức xuống cấp, thiếu ý thức vươn lên, cụ thể là việc lười học, lười làm của một bộ phận công thức, viên chức vẫn còn nhiều. Cho nên, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị: Trong chương trình hành động của MTTQ nhiệm kỳ tới cần vận động nhân dân tích cực học tập, phát triển kinh tế tri thức, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế kết nối để Việt Nam không tụt hậu. Trong thời gian vừa qua Mặt trận đã rất sâu sát với cơ sở trong vai trò như giám sát phản biện xã hội và bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, nhưng vì Đại hội của Mặt trận lại tổ chức trước Đại hội Đảng thì nên làm rõ vai trò của Mặt trận với nhà nước. Nhà nước của chúng ta là nhà nước pháp quyền nhưng liệu việc thực hiện “sống và làm việc theo pháp luật” có đúng như mong muốn của một nhà nước pháp quyền không khi soi chiếu với việc thực hiện Luật An toàn giao thông, quản lý đất đai, hay sự vi phạm của chính quyền trong một số dự án, cũng như sự xuất hiện những “điểm nóng” trong dân... Trong ý kiến góp ý của mình, nguyên Phó Chủ tịch nước đã đặt ra vai trò, trách nhiệm giám sát và phản biện của Mặt trận trên tất cả những lĩnh vực này.

Tham gia 6 nhiệm kỳ Đại hội, GS-TS Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường - cho rằng: Điểm lại chặng đường 5 năm của nhiệm kỳ qua, MTTQ Việt Nam với các hoạt động đầy trách nhiệm đã để lại những dấu ấn được Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng và nhân dân ghi nhận đánh giá cao. Nhiều hoạt động của Mặt trận đã góp phần tạo đồng thuận, làm dịu đi những bức xúc trong xã hội. Trong giai đoạn tới, mục tiêu là phải tạo được những cái mới, cần được thể hiện với các xu thế, tình hình mới trong và ngoài nước có nhiều biến động phức tạp khó lường. Và điều quan trọng nhất, là làm sao để tạo được sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó, cần sự đầu tư nghiên cứu các dự báo thay đổi của cơ cấu xã hội, các giai tầng phù hợp với xu thế và nhu cầu phát triển, hội nhập, từ đó sẽ có những ứng phó và đề xuất hợp lý với Đảng và Nhà nước.

Cũng đề cập tới việc nhận định xu thế và nhu cầu phát triển, PGS-TS Ngô Hữu Thảo, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo - cho rằng: khi đánh giá về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần nêu rõ hai mặt. Nếu thừa nhận xã hội Việt Nam đang có sự phân hóa rõ rệt về lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế, thì có nghĩa là tự trong lòng xã hội đã hình thành một cơ sở của sự rạn nứt. Vậy phải phân tích rõ tình hình này và có giải pháp. Từ quan điểm đó, để tập hợp xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận phải quan tâm tới các hoạt động đảm bảo sự công bằng, bình đẳng xã hội trên cơ sở sự tương đồng lợi ích của các giai cấp, tầng lớp và các cộng đồng xã hội ở Việt Nam.

Điều mà nhân dân mong đợi nhất hiện nay với Mặt trận - theo quan điểm của GS-TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế - chính là việc đánh giá về lòng tin và cách giải quyết những mâu thuẫn, bức xúc xã hội. Do đó, báo cáo chính trị phải nhận diện, nói được tiếng nói của nhân dân đối với những vấn đề đang nổi lên trong xã hội hiện nay, từ đó xác định được các chương trình hành động của Mặt trận. Một trong những vấn đề mà GS-TS Trần Đình Thiên lưu ý, đó là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, do đó Mặt trận phải nhận diện đầy đủ để đề ra phương thức hoạt động thì mới thích ứng được với tình hình hiện nay.

Như vậy, với những vấn đề nảy sinh trong đời sống, trong sự phát triển của thời đại, muốn xây dựng được khối đại đoàn kết đòi hỏi người Mặt trận một sự thích ứng toàn diện và câu chuyện “hiểu lòng dân” cần phải xây dựng trên một tâm thế mới, về niềm tin, về sự gắn bó của MTTQ Việt Nam với nhân dân. Vì nếu không làm dân tin thì công tác Mặt trận không thể nào có hiệu quả.

Trước những ý kiến tâm huyết gửi tới Mặt trận, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trân trọng cho rằng, đây không chỉ là những ý kiến thể hiện sự trăn trở, trách nhiệm đối với công tác Mặt trận mà còn là trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước. Do vậy, người đứng đầu Mặt trận đã đặt ra yêu cầu với Ban soạn thảo dự thảo văn kiện cần thẳng thắn nhận diện các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, từ đó đề ra nhiệm vụ và cách thức giải quyết của Mặt trận đối với những vấn đề lớn của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, cần thể hiện rõ vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tình hình các giai cấp, tạo ra những diễn đàn để nhân dân trao đổi từ đó khẳng định rõ vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Và như vậy, dự thảo báo cáo chính trị phải đưa ra được những vấn đề mới, tinh thần mới để từ đó tiếp tục tạo nên sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiệm kỳ mới - Tâm thế mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO