Nhiều chính sách chưa đáp ứng thực tiễn

V.Thắng (thực hiện) 21/03/2016 09:00

Hôm nay (21/3) kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIII khai mạc. Nhìn nhận đánh giá lại hoạt động của Quốc hội trong khóa XIII, ĐBQH Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng, trong nhiệm kỳ qua Quốc hội đã làm được nhiều việc rất quan trọng; tuy nhiên có những văn bản luật xây dựng chưa được cụ thể, còn dừng lại ở luật khung; các văn bản dưới luật còn triển khai chậm làm cho Luật ban hành chậm đi vào cuộc sống. Luật mới ban hành đã phải chỉnh sửa. Công tác giám sát của Quốc hội một số lĩnh

Nhiều chính sách chưa đáp ứng thực tiễn

Bà Khúc Thị Duyền.

PV: Thưa bà, Quốc hội khóa XIII sắp kết thúc. Theo bà trong nhiệm kỳ qua Quốc hội đã làm được những việc gì? Còn những mặt nào hạn chế?

Bà Khúc Thị Duyền: Trong nhiệm kỳ qua Quốc hội đã làm nhiều việc rất quan trọng trong việc quyết định các vấn đề lớn của đất nước như: Thông qua Bản Hiến pháp năm 2013 sửa đổi , đây là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Bản Hiến pháp hướng tới nhân dân, đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân, đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước để phục vụ nhân dân tốt hơn, đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân được thực hiện một cách thực chất hơn; thông qua Luật Đất đai và nhiều văn bản luật cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với thực tiễn đất nước ta trong giai đoạn hiện nay. Cùng với việc thông qua Hiến pháp mới, trong nhiệm kỳ Quốc hội đã tập trung xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hơn 100 luật, bộ luật. Các luật, pháp lệnh đã thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể các quy định mới của Hiến pháp, tạo cở sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự do kinh doanh bình đẳng, theo pháp luật, bảo đảm an sinh xã hội.

Công tác giám sát của Quốc hội được tăng cường trên các lĩnh vực, đã thực chất hơn. Tuy nhiên hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn hạn chế như trong một số trường hợp chưa xác định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến các vấn đề được giám sát, chưa xác định rõ biện pháp xử lý, chưa có chế tài phù hợp. Hay việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát có lúc chưa thực sự quyết liệt nên có không ít những vụ việc, vấn đề bất cập còn tồn tại chậm được giải quyết, tiếp tục gây bức xúc trong đời sống xã hội.

Là một đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm bà nhìn nhận như thế nào về chất lượng đóng góp của các đại biểu trong khóa này, đặc biệt là trong các vấn đề giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước?

- Hoạt động giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng được các đại biểu quan tâm và hoạt động có chiều sâu. Quyết định các vấn đề có sự cân nhắc, nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Chất lượng đóng góp của các đại biểu được nâng lên rõ rệt trong thảo luận các vấn đề quan trọng của đất nước ở tại hội trường, thảo luận tổ cũng như bằng các văn bản gửi đến Quốc hội , Chính phủ và các bộ ngành có liên quan. Các hoạt động chất vấn Chính phủ, các bộ ngành tại hội trường thẳng thắn, trực tiếp và dân chủ, cởi mở hơn.

Kỳ họp thứ 11 cũng là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ, vậy theo bà chúng ta cần rút ra những bài học kinh nghiệm gì để lại cho khóa XIV?

- Tôi cho rằng kế hoạch hoạt động toàn khóa của Quốc hội phải được xây dựng cụ thể, đi vào những vấn đề cần quan tâm giải quyết của đất nước và cử tri. Đặc biệt đại biểu Quốc hội phải được cơ cấu trên các lĩnh vực, phải có năng lực hoạt động , có am hiểu tham gia các hoạt động của Quốc hội, tăng thêm hoạt động chuyên trách của Quốc hội, tránh tình trạng một đại biểu phải tham gia nhiều cơ cấu. Ngoài ra đại biểu Quốc hội phải được tập huấn các kỹ năng tham gia xây dựng, hoạch định chính sách cũng như hoạt động của đại biểu.

Cá nhân bà thấy nhiệm kỳ qua còn vấn đề nào Quốc hội chưa làm tròn vai trò của mình trong công tác lập pháp cũng như giám sát?

- Tôi thấy rằng, có những văn bản luật xây dựng chưa được cụ thể, còn dừng lại ở luật khung, các văn bản dưới luật còn triển khai chậm cho nên luật ban hành chậm đi vào cuộc sống, tính hiệu quả của một số văn bản luật chưa cao. Luật mới ban hành đã phải chỉnh sửa. Công tác giám sát của Quốc hội một số lĩnh vực chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao nên việc điều chỉnh các chính sách chưa đáp ứng thực tiễn cuộc sống và nhu cầu của nhân dân. Một số chính sách xây dựng nhưng chưa được thực hiện , chưa căn cứ vào nguồn lực thực tế của Nhà nước để xây dựng chính sách trong đó có sự giám sát và xây dựng luật của đại biểu Quốc hội còn hạn chế.

Chất lượng đại biểu Quốc hội cũng chính là chất lượng của Quốc hội, vậy bà mong mỏi gì ở cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa tới?

- Tôi mong muốn chất lượng đại biểu khóa tới phải nâng cao, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn để ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của Quốc hội. Ủy ban Bầu cử và cử tri cần phải rà soát kỹ cơ cấu để lựa chọn đại biểu theo tiêu chuẩn đặc biệt phải có đức, có chuyên môn, nhiệt tình trách nhiệm và gần gũi lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, có kỹ năng hoạt động Quốc hội để tham gia mọi hoạt động của Quốc hội.

Kỳ họp thứ 11 này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về nhân sự lãnh đạo Nhà nước. Là một đại biểu Quốc hội bà kỳ vọng gì ở lần cho ý kiến này cũng như vai trò của Quốc hội trong quyết định những vấn đề lớn của đất nước?

- Là đại biểu Quốc hội tôi phải sáng suốt lựa chọn những đồng chí có phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ, có khả năng gánh vác được công việc trên lĩnh vực được phân công, trọng trách được Đảng và Nhà nước, Quốc hội và nhân dân tin tưởng. Tôi tin tưởng rằng trong kỳ họp này các vị đại biểu Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong công tác nhân sự lãnh đạo Nhà nước.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều chính sách chưa đáp ứng thực tiễn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO