Nhiều dự án hạ tầng trễ tiến độ

Đoàn Xá 15/04/2020 06:49

Nhiều công trường phải nghỉ, hạn chế tụ tập, kiểm soát nghiêm ngặt giao thông khiến cho nhiều dự án hạ tầng giao thông ở khu vực phía Nam bị chậm tiến độ vì dịch Covid-19. Đáng nói là trước khi có dịch, các dự án này đã chậm tiến độ thì nay có nguy cơ chậm so với kế hoạch nhiều hơn nữa.

Nhiều dự án hạ tầng trễ tiến độ

Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên.

Một trong những dự án đầu tiên bị trễ tiến độ vì Covid-19 là Dự án xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP HCM), một trong những dự án trọng điểm của thành phố. Từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát, dự án này đã nhiều lần bị chậm trễ, ở các gói thầu khác nhau. Từ mốc hoàn thành năm 2020, dự án chuyển qua mốc cuối năm 2021. Hiện nay bị ảnh hưởng nhiều nhất của dịch Covid-19 là gói thầu lắp đặt, vận hành thử đầu máy metro. Trước đó, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM hồ hởi cho biết, đầu tháng 4/2020 đầu máy và những toa tàu đầu tiên của tuyến metro này sẽ cập cảng ở TP HCM và sau đó tiến hành lắp đặt, vận hành thử nghiệm. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ở Nhật Bản và cả ở TP HCM khiến cho việc vận chuyển đầu máy, toa tàu bị tạm ngưng. Với những diễn biến hiện tại, chưa biết khi nào những máy móc này sẽ về thành phố. Theo nhiều chuyên gia, việc lắp đặt và tiến hành chạy thử đoàn tàu metro hết sức quan trọng, có khi kéo dài nhiều tháng trời vì phải đảm bảo mức độ an toàn gần như tuyệt đối. Vì thế, việc chậm trễ gói thầu quan trọng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dự án. Và mốc thời gian dự án chính thức vận hành thương mại cũng bị ảnh hưởng một cách tiêu cực.

Cũng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Dự án xây dựng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đã bắt đầu chậm tiến độ từ cuối năm 2019. Với số vốn lên đến hơn 31.000 tỷ đồng, dự án khởi công năm 2015 và đã hoàn thành khoảng gần 80% khối lượng công việc. Cách đây gần một năm, chủ đầu tư dự án từng cam kết trước Tết 2020, dự án sẽ hoàn thành khoảng 20km nằm trên địa phận TP HCM để phục vụ người dân. Tuy nhiên, đến tháng 4/2020, dự án vẫn chưa hoàn thành đoạn đường này với nguyên nhân nguồn vốn chậm giải ngân vì thủ tục cấp vốn. Nhiều tháng qua, dự án vẫn tiếp tục thi công cầm chừng do thiếu vốn và thậm chí cả việc giải phóng mặt bằng (địa phận tỉnh Đồng Nai) cũng chưa hoàn thành.

Ngoài dự án hạ tầng giao thông, nhiều dự án hạ tầng chống ngập, sửa chữa cầu đường… ở khu vực TP HCM cũng tiếp tục chậm tiến độ. Đáng kể nhất là Dự án ngăn triều chống ngập 10.000 tỷ đồng. Khởi công năm 2016 và kỳ vọng sẽ hoàn thành năm 2018 nhưng đến nay, dự án vẫn loay hoay với nhiều thủ tục, giải phóng mặt bằng và chưa thể hoàn thành. Nhiều cột mốc thời gian từng được đưa ra nhưng dự án vẫn tiếp tục trễ hẹn.

Theo tìm hiểu thực tế của chúng tôi, do tình hình dịch Covid-19 ở TP HCM diễn biến phức tạp, Sở Xây dựng TP HCM cách đây ít lâu đã có yêu cầu dừng, giãn cách và hạn chế tụ tập đông người tại các công trình xây dựng. Chỉ các dự án có yêu cầu đặc biệt mới được tiếp tục tập trung thi công. Việc này đã ảnh hưởng nhiều tới các dự án, làm chậm đáng kể quá trình thực hiện. Nhiều nhà thầu thi công phải sắp xếp lại hoạt động, bố trí công nhân luân phiên, hạn chế tụ tập hay tiếp xúc trực tiếp với nhau. Những dự án lớn với hàng trăm công nhân bị ảnh hưởng trước tiên, do phải thực hiện các quy định về an toàn phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, các hạn chế, kiểm soát nghiêm về giao thông cũng khiến nguồn nguyên vật liệu cho nhiều dự án bị hạn chế so với trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều dự án hạ tầng trễ tiến độ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO