Nhiều góp ý sát thực tế cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Nguyễn Phượng 03/03/2023 14:08

Việc sửa đổi và ban hành Luật Đất đai là vấn đề cấp thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Đó là khẳng định của các đại biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức sáng ngày 3/3.

Quang cảnh hội nghị góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Quang cảnh hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, Luật Đất đai hiện hành được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 29/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế. Do đó, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Tại hội nghị, Luật sư Hoàng Thị Nhàn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, tại điểm b khoản 2 Điều 224 quy định “Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban MTTQ cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác”, về nội dung này cần làm rõ UBND xã đã phối hợp với Ủy ban MTTQ ra sao. Trong dự thảo Luật cũng quy định về các tổ chức thành viên của Mặt trận. Vậy các tổ chức thành viên của Mặt trận là những tổ chức nào, cần quy định cụ thể rõ ràng tránh việc hiểu nhầm, hiểu sai, áp dụng không thống nhất. Đối với việc quy định “Các tổ chức xã hội khác” vậy các tổ chức xã hội khác của UBND xã là những tổ chức nào?. Do đó rất cần phải quy định rõ ràng, tránh việc hiểu sai, vận dụng mỗi nơi một kiểu.

Còn Luật gia Lê Gia Ánh, thành viên HĐTV Dân chủ - Pháp luật lại cho biết, về Điều 1, phạm vi điều chỉnh thì dự thảo lại ghi đơn giản, chưa đầy đủ nội hàm của Luật. Thông thường các Luật khác “phạm vi điều chỉnh” là liệt kê tên các Chương nhưng trong Dự thảo lần này có những nội dung quan trọng nhưng không được đề cập vào phạm vi điều chỉnh như “thu hồi đất, trưng dụng đất”, “bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”… Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung những nội dung trên. Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 89 “nguyên tắc bồi thường về đất, khi Nhà nước thu hồi đất” đề nghị cần làm rõ và có hướng dẫn cụ thể việc phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Do đó, cần có các tiêu chí, so sánh vị trí lợi thế kinh doanh thương mại…

Đại biểu phát biểu tại hội nghị.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị.
Các đại biểu phát biểu góp ý tại hội nghị.
Các đại biểu phát biểu góp ý tại hội nghị.

Góp ý về vấn đề tranh chấp đất đai, theo ông Bùi Sinh Quyền, thành viên HĐTV về Kinh tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, cho rằng, trong Khoản 1, Điều 225 quy định UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quản lý, sử dụng đất làm căn cứ cho tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi có yêu cầu. Theo ông Bùi Sinh Quyền, điều khoản này cần phải quy định rõ về thời hạn cung cấp và chế tài đối với việc chậm trễ hoặc không cung cấp thông tin không có lý do chính đáng của người có trách nhiệm. Tránh việc cung cấp bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự, tạo điều kiện cho tòa án kéo dài thời gian thụ lý giải quyết vụ án và hạn chế tiêu cực trong việc thụ lý vụ án để đảm bảo theo trình tự bồi thường hỗ trợ, tái định cư quy định của Luật tố tụng dân sự.

Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội nghị góp ý, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, với tinh thần khẩn trương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 330/KH-MTTQ- BTT ngày 02/02/2023 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố Hà Nội tới các tổ chức thành viên và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc tổ chức hội nghị góp ý kiến đang được MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên các cấp tích cực triển khai một cách rộng rãi, thông qua nhiều hình thức tại hội nghị Đại biểu nhân dân ở các thôn, tổ dân phố; tại các hội nghị góp ý do MTTQ Việt Nam cấp xã, cấp huyện và các tổ chức thành viên tổ chức; lấy ý kiến thông qua hệ thống trang Fanpage của MTTQ Việt Nam các cấp và qua tiếp nhận các văn bản góp ý. Những ý kiến tâm huyết của các đại biểu sẽ được Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổng hợp, báo cáo lên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan soạn thảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều góp ý sát thực tế cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO