Nhiều hạng mục chỉnh trang đô thị ở Hải Phòng chưa bàn giao đã xuống cấp

Nam Khánh 17/06/2021 08:07

Một số hạng mục của Dự án chỉnh trang sông Tam Bạc và Dự án Công viên Máy Tơ (Hải Phòng) đang xuống cấp khi mới đưa vào sử dụng, chưa được bàn giao cho chủ đầu tư khiến người dân hoài nghi về chất lượng của các công trình nghìn tỷ đồng này.

Đá lát đường nhiều hạng mục của Công viên Máy Tơ bị tung ra khỏi kết cấu.

Chưa bàn giao đã xuống cấp

Dự án chỉnh trang sông Tam Bạc, đoạn từ cầu Lạc Long đến Công viên Tam Bạc (quận Hồng Bàng) có tổng vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng. Dự án khánh thành vào tháng 5/2019, tuy nhiên, ngay sau khi khánh thành được ít ngày thì một số hạng mục đã xuất hiện lún gãy. UBND quận Hồng Bàng đã yêu cầu nhà thầu phải gắn vá lại nhiều đoạn vỉa hè lát đá granit tại phố Tam Bạc do bị gãy và bong tróc.

Được biết, cho đến nay, sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng, công trình này vẫn chưa được bàn giao cho chủ đầu tư. Trong 2 năm qua, công trình này đã có ít nhất 5 lần phải sửa đi, sửa lại các đoạn vỉa hè bị gãy, nứt và bong tróc đá. Tuy vậy, càng sửa vỉa hè phố Tam Bạc - bộ mặt của dự án, càng lộ ra những khiếm khuyết. Hàng trăm mét vỉa hè nhấp nhô, lồi lõm, cong vênh, vặn vẹo.

Đặc biệt, sau nhiều lần sửa chữa và gắn vá, giữa vỉa hè với phần kè bờ sông đã tách thành gờ, bậc. Có những đoạn, khoảng chênh lệnh giữa vỉa hè với bờ kè lên đến hàng chục cen-ti-mét. Theo một số người có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng thì những đoạn vỉa hè đó sẽ vẫn rơi vào tình trạng bong, tróc. Các viên đá vẫn tiếp tục gãy, vỡ do cốt nền công trình thiết kế và thi công không đảm bảo chất lượng.

Cùng với đó, hiện có một công trình chỉnh trang đô thị nữa trên địa bàn thành phố Hải Phòng xuống cấp khi mới xây dựng xong. Đó là Dự án Công viên Máy Tơ do UBND quận Ngô Quyền làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công tháng 10/2020 với tổng mức đầu tư 67 tỷ đồng. Sau 4 tháng thi công, tháng 1/2021, Công viên Máy Tơ đã cơ bản hoàn thành, tiếp đón người dân.

Theo BQL dự án xây dựng quận Ngô Quyền, dự án chưa được bàn giao nhưng lối lên xuống Lầu Bát Giác, các đường đi bộ, vỉa hè, những hạng mục chính của dự án đã xuất hiện tình trạng các viên đá ốp lát bong tróc, vênh và nứt vỡ.

Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng

Theo quyết định đầu tư của UBND quận Hồng Bàng, để mở rộng lòng đường Tam Bạc, tạo vỉa hè hai bên sông, Dự án chỉnh trang sông Tam Bạc được thực hiện trong 8 tháng, từ tháng 5 đến tháng 12/2018 với các hạng mục chính kè bờ sông đường Tam Bạc (dài 1,4km) và đường Thế Lữ (dài 1,1km). Trên thực tế, cũng phải đến tháng 5/2019, dự án mới hoàn thành.

Một kỹ sư từng thi công dự án cho hay, do bị ép tiến độ cả thiết kế, thi công nên mới xảy ra tình trạng nêu trên. Nguyên nhân của hiện tượng lún nứt được xác định là do yêu cầu thiết kế bờ kè, phía trong kè là đường, phía ngoài là sông tại khu vực nước thủy triều có thời điểm lên cao tới mặt đường đòi hỏi bờ kè phải kín, đảm bảo cốt nền không bị “thẩm thấu” ra sông mỗi khi thủy triều lên xuống.

Bờ kè phải được ổn định trong quá trình sử dụng bằng phương pháp gia cố tăng đơ với các mố trụ bê tông phía trong để chống dịch chuyển vị trí. Tuy nhiên, thiết kế gấp, đã bỏ qua yêu cầu kỹ thuật này.

Bên cạnh đó, khi thi công, theo chỉ dẫn kỹ thuật phải nạo vét lòng sông mới đóng cọc bê tông bờ kè. Gia công rọ đá bảo vệ bờ kè mới thi công đường và hè. Tuy nhiên, vì bị ép tiến độ nên các nhà thầu đồng loạt thực hiện ép cọc bờ kè, làm đường phía trong và nạo vét lòng sông. Do sai thiết kế, sai chỉ dẫn kỹ thuật dẫn đến việc bờ kè, hạng mục quyết định chất lượng công trình bị chuyển dịch vị trí ngay trong quá trình thi công, gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Theo ghi nhận của Sở Xây dựng TP Hải Phòng, bờ kè bị dịch chuyển vị trí. Nhiều đoạn, cọc bê tông không đảm bảo kỹ thuật, giữa các cọc có khe hở vài cen-ti-mét, dẫn đến hiện tượng nước sông thâm nhập vào hè, đường và gây ra hiện tượng sụt lún nền móng đường, hè phố Tam Bạc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều hạng mục chỉnh trang đô thị ở Hải Phòng chưa bàn giao đã xuống cấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO