Nhiều kỳ vọng từ FDI

H.Hương 02/03/2022 14:00

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho thấy trong gần 2 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021. Xu hướng phục hồi dòng vốn đầu tư nước ngoài đã rõ nét hơn khi các tỉnh bắt đầu công bố các dự án tỷ đô mới hình thành.

Các dự án FDI đã phủ sóng ở 63 tỉnh, thành phố.

Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến logistic, đô thị

Việc Chính phủ ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, là nguyên nhân cơ bản giúp vốn đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam tích cực hơn trong đầu năm 2022. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, số liệu thu hút vốn ngoại có thể thấp hơn, nhưng bù lại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tích cực giải ngân vốn hơn.

Tính tới ngày 20/2, các dự án FDI đã phủ sóng ở tất cả 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với trên 52,8 tỷ USD (chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là Bình Dương với gần 37,8 tỷ USD (chiếm 9% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với gần 37,6 tỷ USD (chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư).

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong gần 2 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 59,3% so với cùng kỳ 2021.

Ngày 25/2 vừa qua, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã trao biên bản ghi nhớ đầu tư vào tỉnh cho Tập đoàn CapitalLand đầu tư khu công nghiệp, logistic và đô thị với tổng số vốn khoảng 1 tỷ USD. Với sự kiện ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư vào Bắc Giang và nhận chứng nhận đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư khác đến từ Singapore cũng mong muốn các dự án sẽ được triển khai ngay trong năm 2022.

Ngoài ra cũng có 2 dự án lớn được nhắc đến. Thứ nhất là dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ Vsip Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngày 18/01/2022). Dự án thứ hai, Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngành 15/02/2022).

Tính chung trong 2 tháng đầu năm các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 3,13 tỷ USD, chiếm 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,52 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các ngành khoa học công nghệ, sản xuất phân phối điện với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 109,6 triệu USD và gần 60 triệu USD.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây, ông Kim Han Yong - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) đã nhấn mạnh, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều quốc gia trên thế giới trong vai trò là địa chỉ sản xuất toàn cầu sở hữu chuỗi giá trị chất lượng cao.

Và tất nhiên vị đại diện này cũng cho rằng Việt Nam cần tiếp tục duy trì và cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư thân thiện với doanh nghiệp. Ngoài ra các nhà đầu tư nước ngoài cũng đề xuất rất nhiều vấn đề mà Việt Nam cần khắc phục và tiếp tục cải cách. Đây chính là động lực quan trọng để Việt Nam thu hút được nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài trong tương lai.

Năm 2022 có thể thu hút khoảng 40 tỷ USD vốn FDI

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, việc đi đúng hướng trong phòng, chống dịch và dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA…Việt Nam đã tạo được niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Chính phủ đã có những buổi tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư nước ngoài để tháo gỡ các khó khăn, nhờ đó năm 2021, Việt Nam đã lọt top 20 các nước thu hút vốn FDI cao trên thế giới.

Ông Toàn nhấn mạnh mục tiêu thu hút 40 tỷ USD vốn FDI trong năm 2022 là hoàn toàn khả thi. Ngoài những nguyên nhân cơ bản như hệ thống chính trị ổn định, hạ tầng được cải thiện, các chính sách đầu tư cải thiện đáng kể cũng còn một số lý do giúp Việt Nam “ghi điểm” trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài khi tình hình chung các nước trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thứ nhất đó là khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế, của doanh nghiệp Việt Nam, cũng như của hệ thống chính trị, của Chính phủ khi điều hành nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thứ hai là việc Việt Nam đang bắt kịp và thích ứng rất nhanh khi tham gia chuyển đổi số. Covid-19 là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tạo nền tảng thu hút nguồn FDI có chất lượng trong thời gian tới.

Hiện nay Việt Nam đang phát triển mạng 5G, đây là một tín hiệu rất tích cực, thể hiện quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số của Việt Nam. Khi đầu tư mạnh vào chuyển đổi số và có bứt phá thì mọi lĩnh vực của nền kinh tế sẽ có những bước nhảy vọt, qua đó thu hút FDI tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều kỳ vọng từ FDI

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO