Nhiều lỗ hổng doanh nghiệp nhà nước

T. Hằng 25/10/2017 08:25

Một lần nữa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước lại dấy lên nhiều nỗi lo khi mà những mảng màu lợi nhuận ngày càng sụt giảm. Dẫn đầu trong danh sách tập đoàn, tổng công ty có nợ phải trả lớn là Tập đoàn Điện lực với 486.981 tỷ đồng. Tiếp đó là Tập đoàn Dầu khí 338.586 tỷ đồng; Tập đoàn Than và Khoáng sản 100.729 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel 75.111 tỷ đồng.


Cần kiên quyết loại bỏ những doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả.

Tụt giảm lợi nhuận

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính sau khi tổng hợp 583 DNNN nắm giữ 100% bao gồm 7 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty nhà nước (không bao gồm số liệu của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam); 17 công ty TNHH một thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; 492 DN độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương cho thấy, hoạt động kinh doanh không còn nhiều thuận lợi. Lợi nhuận trước thuế của các DN giảm 14% so với thực hiện năm 2015, đạt 139.144 tỷ đồng. Riêng 7 tập đoàn giảm 25% lợi nhuận, trong đó, Tập đoàn Dầu khí giảm 39%; Tập đoàn Hóa chất có số lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2016 âm 335.078 triệu đồng.

Lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2016 của khối tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con giảm còn 10%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản bình quân năm 2016 của khối này cũng giảm từ 5,5% xuống còn 4,5%. Ngoài ra cũng theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, tổng số nợ phải trả là 1.537.437 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2015. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân 1,22 lần. Trong số đó, có 19 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Cá biệt, có DN tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên tới 215 lần như Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Dự án hạ tầng giao thông Cửu Long.

Dẫn đầu trong danh sách tập đoàn, tổng công ty có nợ phải trả lớn là Tập đoàn Điện lực với 486.981 tỷ đồng. Tiếp đó là Tập đoàn Dầu khí 338.586 tỷ đồng; Tập đoàn Than và Khoáng sản 100.729 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel 75.111 tỷ đồng; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp 44.195 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất 37.471 tỷ đồng… Dù vẫn còn nhiều đơn vị huy động vốn vượt quá mức trần huy động (3 lần vốn chủ sở hữu) song Bộ Tài chính đánh giá tình hình huy động vốn và khả năng thanh toán của các tập đoàn, tổng công ty đã có dấu hiệu được cải thiện đáng kể. Năm 2016, không còn tập đoàn, tổng công ty có kết quả hoạt động kinh doanh thua lỗ, mất vốn (âm vốn chủ sở hữu), tài sản không bảo đảm khả năng thanh toán nợ hiện có do hoạt động tái cơ cấu DNNN.

Hoạt động kém vẫn được hỗ trợ

Thời gian qua hoạt động của DNNN có nhiều lỗ hỗng. Nguyên nhân được chỉ ra, là kỷ luật tài chính, kỷ luật ngân sách chưa có dấu hiệu cải thiện những yếu kém” cũng như khuôn khổ quản trị DN chưa đầy đủ. Đặc biệt, khi DNNN lâm vào khó khăn thì vẫn nhận được nhiều biện pháp hỗ trợ. Việc xử lý dứt điểm các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường thực hiện chưa có kết quả rõ nét khiến DN càng chìm vào thua lỗ, nhiều DN nợ cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, mất an toàn tài chính, nguy cơ đổ vỡ cao nhưng không bị xử lý. Dù quá trình tái cơ cấu nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN vẫn đang diễn ra song thực tế cũng cho thấy tái cơ cấu còn chậm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ. Những hạn chế, yếu kém của khối DNNN đã được chỉ ra từ lâu, nhưng qua nhiều nhiệm kỳ vẫn chậm có sự chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn.

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến cho rằng, các DN muốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh phải sử dụng nguồn vốn huy động là chủ yếu. Để an toàn tài chính đối với hoạt động của DN, Nhà nước cần tăng cường hiệu quả hoạt động của các định chế tài chính (các Quỹ tài chính nhà nước) thông qua việc tăng cường nguồn lực tài chính cho các tổ chức này. Như vậy, sẽ hỗ trợ bảo lãnh cho DN trong quá trình huy động vốn để đầu tư phát triển kinh doanh trong các trường hợp DN có nhu cầu huy động vốn ngoài mức giới hạn (vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu). Hoặc sẽ triển khai nhiều chính sách tín dụng đặc thù đối với DNNN trong một số ngành, lĩnh vực khuyến khích phát triển theo chủ trương chung như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu nông sản...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều lỗ hổng doanh nghiệp nhà nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO