Nhiều loại thuế đang bị áp cứng

Thúy Hằng 21/08/2017 09:00

Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% áp dụng từ 1/1/2019 thực sự là vấn đề nóng được nhiều người quan tâm trong bối cảnh giá cả hàng hóa đắt đỏ, lãi suất cao.

Việc cào bằng, không theo khung thuế GTGT sẽ tác động tiêu cực đến DN.

Theo Luật sư Bùi Quang Tín, nhiều loại thuế như thuế giá trị gia tăng (GTGT) đang bị áp “cứng” ở một mức cụ thể (hiện nay là 10%), không phân biệt ngành nghề kinh doanh, không phân biệt loại hình DN. Việc cào bằng thuế, không theo khung của thuế GTGT sẽ tác động tiêu cực đến DN, đặc biệt trong bối cảnh, DN đang chịu nhiều loại thuế phí và Nhà nước đang chú trọng phát triển 5 lĩnh vực ưu tiên hiện nay.

“So sánh với mức thuế suất thuế GTGT của các nước trên thế giới và trong khu vực, chẳng hạn tại Trung Quốc có mức thuế GTGT từ 2% - 17%, Indonesia từ 0% - 10%, Nhật Bản từ 0% đến 8%, Malaysia từ 0% - 6%, Philippines 0% - 18%, Canada 0% - 15%. Tuy nhiên, mức thuế GTGT của họ không cố định. Họ đánh thuế tùy vào từng loại hình DN, với ngành nghề khuyến khích sản xuất, kinh doanh, họ đánh thuế ở mức ưu đãi để phát triển. Với ngành nghề không sản xuất, họ đánh thuế ở mức cao. Hiện tại, ở Việt Nam đang cố định ở mức 10%. Và dự kiến tăng lên 12%, như thế theo tôi là không phù hợp” - ông Tín cho biết thêm.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, năm nào cũng cân lên đặt xuống tăng từng % lương cơ bản, thế mà thuế GTGT đã rục rịch tăng. Thế thì người dân bù sao nổi. Xét ở phương diện người tiêu dùng và DN thì tăng thuế GTGT tác động đến cả hai. Vì vậy chúng ta đặt câu hỏi ngược lại rằng, tăng thu ngân sách từ việc tăng thuế có đúng hay không?

Xu hướng hiện nay là nhiều nước hạn chế thuế gián thu, chỉ 1 số ít nước duy trì. Các nước họ đánh thuế trực thu vì người càng giàu thì phải đóng thuế cao. Chính ông Lê Xuân Nghĩa cũng đặt câu hỏi “Tôi cũng không hiểu tại sao lại tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% mà không giảm từ 10% đến 8%. Tỷ trọng thu thuế VAT đóng góp vào ngân sách khá lớn. Nâng nó lên vài % thì tạo nguồn thu khá lớn, thu nhanh, thu nhiều nhưng thuế GTGT tăng làm cho cầu hàng hóa giảm đi, trong khi hàng hóa thiết yếu thì không thể không mua được.”

Theo ông Nghĩa, chúng ta đang nới lỏng chính sách tiền tệ, bằng cách kích cần tín dụng để kích cầu tiêu dùng và đầu tư. Trong khi chính sách tài khóa lại ngược lại. Sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ cần xem lại. Điều chúng ta cần có 1 chính sách nhất quán.

Bộ Tài chính từng đưa ra lập luận, do nợ công tăng cao nên tăng thuế GTGT; song chính ông Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng: Nợ công Việt Nam là do không giảm được chi thường xuyên, chi cho bộ máy hành chính. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cũng khẳng định, vấn đề nợ công của Việt Nam, nguyên nhân chính khiến Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT chính là xuất phát từ việc chi thường xuyên quá cao. Vì vậy, việc giảm chi thường xuyên mới là mấu chốt của vấn đề nợ công.

Hiện nay, mức thuế suất thuế GTGT có sự khác biệt khá lớn giữa các quốc gia. Mức thuế suất thuế GTGT đặc biệt cao ở các nước phát triển thuộc khu vực EU và Đông Âu. Cũng có quốc gia có mức thuế suất thuế GTGT/thuế tiêu dùng thấp hơn 10%, ví dụ như ở Nhật Bản là 8%, ở Singapore và Thái Lan là 7%. Đối với Nhật Bản, Hạ viện đã thông qua kế hoạch nâng mức thuế suất lên 10% từ tháng 10/2019. Xu hướng chung của các nước hiện nay là tăng cường vai trò của thuế GTGT và giảm dần thuế thu nhập để tạo hấp dẫn cho môi trường đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều loại thuế đang bị áp cứng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO