Nhiều nước chung tay đối phó 'Quy tắc bịt miệng' của chính quyền Mỹ

Linh Chi 03/03/2017 19:05

Hãng tin Guardian của Anh hôm 3/3 cho hay đã có hàng loạt quốc gia cam kết sẽ đóng góp hàng chục triệu USD để hỗ trợ các chương trình kế hoạch hóa gia đình ở các nước đang phát triển, nhằm lấp đầy lỗ hổng mà lệnh cấm cấp vốn cho các tổ chức y tế có liên quan tới nạo phá thai do Tổng thống Mỹ ban hành gây ra.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm các tổ chức ở Mỹ
hỗ trợ tiền cho các tổ chức quốc tế liên quan tới nạo phá thai. (Nguồn: Slate).

Theo đó, có khoảng 50 chính phủ các nước trên thế giới đã tham gia vào hội thảo có tên “She Decides”tổ chức tại Brussels, Bỉ hôm 3/3, cùng với lời cam kết sẽ đóng góp số tiền lên tới 100 triệu USD.

Thụy Điển cam kết sẽ đóng góp khoản tiền lên tới 22 triệu USD và Phần Lan đóng góp 21 triệu USD để bù lấp khoảng trống cho cái mà họ gọi là “Quy tắc bịt miệng toàn cầu”, trong đó cấm nước Mỹ cung cấp vốn cho các tổ chức phi chính phủ có liên quan tới nạo phá thai hay có thông tin hỗ trợ phụ nữ ở các nước phát triển về nạo phá thai.

Nước Anh cũng cử Bộ trưởng Phát triển Quốc tế, Rory Stewart, tới tham dự hội thảo diễn ra trong một ngày này, nhưng vẫn chưa rõ liệu chính phủ Anh có cam kết đóng góp tài chính hay không.

Các nhà tổ chức hy vọng sẽ gây được nguồn quỹ 600 triệu USD. “Đây không phải một hội thảo được tổ chức nhằm phản đối chính quyền Mỹ mà để phục vụ một mục đích khác”, Phó Thủ tướng Thụy Điển, Isabella Lovin, cho hay: “Chúng tôi đang thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho quyền phụ nữ, cho tiến trình đang diễn ra. Việc tiếp cận các biện pháp tránh thai là một công cụ để phát triển và xóa bỏ nghèo đói”.

Hồi tháng trước, trong một sắc lệnh hành pháp, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phục hồi cái mà châu Âu gọi là “Quy tắc bịt miệng toàn cầu”, một chính sách viện trợ của Mỹ mà các đời Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa kể từ thời Ronald Reagan (1984) đã áp dụng dù bị phía đảng Dân chủ phản đối và gỡ bỏ sau đó.

Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Thụy Điển đã chỉ ra bằng chứng từ báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy rằng, dưới thời Tổng thống George W. Bush, chính sách này đã làm tăng các ca nạo phá thai cùng nhiều trường hợp tử vong ở các bà mẹ do sử dụng các biện pháp nạo phá thai không an toàn.

“Đây là điều mà chúng ta có thể phòng tránh được” - bà Lovin cho hay.

Trong khi đó, Phó thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nói với hãng tin AP rằng: “Đây không phải là thời điểm để chúng ta quay ngược trở lại thời kỳ đen tối đó”.

Được biết các nước gồm Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đều đã cam kết đóng góp mỗi nước 10 triệu USD, cùng các khoản đóng góp thêm dự kiến sẽ được tuyên bố bởi các nước giàu khác. Tuy nhiên, Anh, quốc gia được mô tả như nước đi tiên phong trong kế hoạch hóa gia đình của châu Âu, lại chưa đưa ra kế hoạch sẽ đóng góp tài chính.

Bộ Phát triển Quốc tế Anh chỉ cho hay họ sẽ tham dự “một cuộc họp thượng đỉnh lớn tổ chức trong mùa hè năm nay nhằm giữ vững các cam kết thúc đẩy kế hoạch hóa gia đình, hỗ trợ phụ nữ và các bé gái ở những quốc gia nghèo nhất”.

Nhiều quốc gia có nền kinh tế lớn khác cũng được dự kiến sẽ tuyên bố mức đóng góp tài chính của họ.

Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Canada, Marie Claude Bibeau, cho hay: “Quyền phụ nữ luôn bắt đầu bằng quyền được kiểm soát thân thể họ. Chúng ta không nên tước đi quyền đó của họ, đặc biệt là đối với những bà mẹ trẻ tuổi. Canada tự hào khi chung tay cùng các đối tác để đấu tranh vì quyền của phụ nữ ở khắp nơi”.

Bên cạnh đó, các nước gồm Afghanistan, Cộng hòa Chad và Ethiopia cũng nằm trong số các quốc gia đang phát triển cử đại diện tới cuộc hội thảo đặc biệt này, nơi mà họ đã đưa ra bằng chứng cho thấy việc hỗ trợ vốn cho kế hoạch hóa gia đình đã tạo nên sự khác biệt như thế nào đối với cuộc sống của phụ nữ.

Các nhà tổ chức cũng bày tỏ hy vọng rằng các Quỹ tài chính ở nước Mỹ sẽ chung tay đóng góp vào quỹ của họ. Trong khi hội thảo nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các tổ chức phi chính phủ, một số người đã lên tiếng cảnh báo rằng nguồn quỹ này không thể tăng lên nhanh chóng đủ để bù lấp lỗ hổng mà sắc lệnh của Tổng thống Mỹ đã gây ra.

Bà Lovin đã thể hiện hy vọng đạt được mục tiêu cho quỹ này, tuy nhiên thừa nhận rằng hội thảo vừa qua mới chỉ là bước khởi đầu. Hồi tháng trước, nữ Phó Thủ tướng Thụy Điển đã gây sốt trên các mặt báo nước ngoài khi châm biếm quyết định của ông Trump sau khi ông này đặt bút ký sắc lệnh cấm các tổ chức Mỹ rót vốn cho các tổ chức y tế có liên quan tới nạo phá thai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều nước chung tay đối phó 'Quy tắc bịt miệng' của chính quyền Mỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO