Nhiều phương thức xét tuyển đại học: Tăng cơ hội hay làm khó thí sinh?

NGUYỄN HOÀI 27/02/2022 14:00

Đa dạng phương thức tuyển sinh được đánh giá là sẽ tăng cơ hội trúng tuyển đại học cho các thí sinh. Tuy nhiên, giữa hàng chục phương thức xét tuyển như hiện nay, không ít thí sinh, phụ huynh đang lúng túng không biết lựa chọn hướng đi nào. Cơ hội trước mắt liệu có làm khó những người trong cuộc?

Thí sinh tham gia tư vấn hướng nghiệp năm 2021.

Trên 10 phương thức xét tuyển

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), tuyển sinh năm 2022, về cơ bản là vẫn giữ ổn định song mục tiêu của Bộ là sẽ điều chỉnh lại quy chế và kỹ thuật để bảo đảm, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh ở tất cả các khâu.

Điểm mới của mùa tuyển sinh năm nay là các trường đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Theo ghi nhận, đến thời điểm này đã có hơn 10 phương thức xét tuyển sẽ được các trường sử dụng trong mùa tuyển sinh năm nay, trong đó có trường đồng thời áp dụng đến 7 phương thức bằng xét tuyển và tổ chức thi tuyển.

Tuy nhiên, trong đề án tuyển sinh năm nay, hầu hết các trường giảm sâu chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), tăng chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển kết hợp khác.

Các phương thức tuyển sinh ngày càng đa dạng, được đánh giá sẽ tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, đồng thời tạo thuận lợi để các trường đại học lựa chọn thí sinh phù hợp với năng lực, nhu cầu, phương thức đào tạo của mình. Tuy nhiên, về phía thí sinh và phụ huynh, giữa hàng chục phương án xét tuyển mà các trường đưa ra như hiện nay, nhiều gia đình đang lúng túng không biết chọn phương án nào để gia tăng cơ hội trúng tuyến vào đại học.

Chị Nguyễn Thu Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) tâm tư: “Gia đình tôi đang rất lo lắng về kỳ thi quan trọng sắp tới của con. Dịch bệnh làm ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả học tập. Trong khi đó, các trường năm nay giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tôi không biết khuyên con lựa chọn thêm phương án xét tuyển nào để nắm chắc cơ hội trúng tuyển”.

Nhận định về xu hướng xét tuyển đại học của các trường năm nay, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay, kết quả học tập THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là căn cứ quan trọng trong xét tuyển vào các trường đại học nói chung. Năm 2021, các trường dành khoảng 58% chỉ tiêu cho hình thức xét kết quả thi THPT.

Năm 2022, vẫn có nhiều trường sử dụng 50-60% chỉ tiêu cho hình thức này. Tuy nhiên, để tăng cơ hội xét tuyển vào các ngành/chương trình đào tạo có tính cạnh tranh cao, thí sinh cần quan tâm đến các kỳ thi khác như thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy...

Như vậy, nếu theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Phong Điền, với những trường top trên, cánh cửa vào đại học sẽ càng hẹp hơn nếu như thí sinh lựa chọn phương án xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đồng nghĩa với việc, cơ hội trúng tuyển đại học ở các trường top trên bằng phương thức xét tuyển này sẽ giảm đi.

Trước xu hướng đổi mới trong phương thức tuyển sinh của hầu hết các trường trong mùa tuyển sinh năm nay, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cũng đánh giá rằng, thí sinh sẽ tăng thêm nhiều cơ hội trúng tuyển đại học bằng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.

Tuy nhiên, theo ông Chương, việc đa dạng các phương thức xét tuyển sẽ mang lại nhiều cơ hội đối với một số ngành có chỉ tiêu tuyển sinh lớn. Còn với những ngành chỉ tiêu tuyển sinh nhỏ, chỉ tầm 50 chỉ tiêu mà có đến hơn 3 phương thức xét tuyển thì sẽ làm khó cho cả nhà trường và thí sinh.

Cân nhắc các phương thức xét tuyển

Lý giải về việc các trường đại học đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho hay, theo quy định của Luật Giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

Như vậy, việc các cơ sở giáo dục đại học có các phương thức tuyển sinh khác nhau là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật; đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo và phù hợp với phương thức tuyển sinh chung của thế giới.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phân tích, sự đa dạng các phương thức xét tuyển như trên không có nghĩa là các trường sử dụng tất cả các phương thức xét tuyển để xét tuyển vào một ngành hoặc một chương trình đào tạo, mà các trường sẽ xem xét, cân nhắc các phương thức xét tuyển để sao cho đánh giá, lựa chọn được những thí sinh phù hợp nhất với ngành/ chương trình đào tạo.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý: “Khi các trường có nhiều phương thức xét tuyển, thí sinh sẽ có nhiều lựa chọn để đăng ký xét tuyển, thêm cơ hội trúng tuyển. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc thí sinh phải tìm hiểu để lựa chọn phương thức phù hợp với khả năng của bản thân, thực hiện thêm các thủ tục đăng ký xét tuyển. Vì vậy sẽ có phần vất vả hơn, nếu thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào nhiều trường, nhiều phương thức khác nhau”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nêu quan điểm, về tính pháp lý, Luật Giáo dục đại học cho phép các trường được tuyển sinh bằng nhiều phương thức. Tuy nhiên, giữa hàng loạt các phương thức xét tuyển như hiện nay, ông cho rằng, các trường đang lợi dụng quy định, đưa ra nhiều phương thức xét tuyển khác nhau mà giảm đi phương thức xét tuyển có độ tin cậy cao, cụ thể là phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

TS Lê Viết Khuyến cũng bày tỏ hoài nghi về tính minh bạch của các phương thức xét tuyển khác như: bằng học bạ, xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế… Về lâu dài sẽ dẫn tới câu chuyện tiêu cực, không công bằng trong tuyển sinh như mua điểm hay hiện tượng học lệch. “Dù luật có quy định nhưng cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý chặt chẽ hơn với những quy định cụ thể, tránh làm khó các thí sinh”, TS Khuyến nhấn mạnh.

Ở thời điểm này, tập trung ôn tập tốt chương trình phổ thông là lời khuyên của PGS.TS Nguyễn Thanh Chương dành cho thí sinh thời điểm này. Lãnh đạo Trường Đại học Giao thông vận tải cho hay: “Dù xét tuyển phương thức nào, kể cả thi đánh giá tư duy, học sinh cũng cần nắm chắc kiến thức chương trình phổ thông, tập trung chính vào thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, các em cần nghiên cứu kỹ các phương thức xét tuyển, phương thức nào các em có khả năng thì nên mạnh dạn đăng ký”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều phương thức xét tuyển đại học: Tăng cơ hội hay làm khó thí sinh?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO