Nhiều quyết sách giảm nghèo bền vững

Cảnh Nhân 04/02/2017 11:00

Là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang với dân số đông, tỉ lệ hộ nghèo cao, nhưng nhờ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng… cuộc sống người dân huyện Lục Ngạn đã ngày càng no ấm, diện mạo nông thôn mới cũng được thay da đổi thịt với những ngôi nhà cao tầng san sát, những đường liên thôn trải bê tông trắng xóa.

Nhờ có các chính sách đồng bộ Lục Ngạn là huyện có tỷ lệ thoát nghèo cao nhất của tỉnh Bắc Giang.

Chủ động vượt khó

Là huyện có tới 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chính vì vậy công tác xóa đói giảm nghèo luôn được UBND huyện ưu tiên đặt lên hàng đầu. Và muốn thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp tập trung các nguồn lực cho phát triển kinh tế có vai trò quyết định.

Bên cạnh đó với phương châm muốn giảm nghèo cho đồng bào phải tập trung giải quyết những vấn đề thiếu vốn, thiếu kỹ thuật sản xuất, thiếu việc làm.

Chính quyền huyện, xã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ trên địa bàn và mạnh dạn đứng ra tín chấp để bà con được vay vốn phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó chính quyền huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư cho nhiều nhà máy, công ty mở rộng kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động là người dân tộc thiểu số.

Với những quyết sách giảm nghèo quyết liệt đó, bình quân mỗi năm, nông dân toàn huyện Lục Ngạn được vay hàng chục tỷ đồng đầu tư vào sản xuất; hơn 20.000 lượt người được tập kỹ thuật sản xuất, kinh doanh và gần 3.000 lao động, chủ yếu là nông dân tìm được việc làm mới có thu nhập ổn định, bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng.

Chỉ tính riêng trên địa bàn 13 xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Ngạn, sau 5 năm triển khai các chương trình hỗ trợ giảm nghèo đã có 20 dự án, mô hình triển khai có hiệu quả cao.

Chủ tịch huyện Lục Ngạn Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: Chỉ tính riêng năm 2016, UBND huyện đã tổ chức 359 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho 16.260 lượt người, triển khai thử nghiệm 7 mô hình mới, cụ thể: Mô hình nuôi thâm canh hỗn hợp cá trong ao; Mô hình nuôi cá Trắm cỏ trong lồng; Mô hình trồng cây Bạch đàn lai cây hom giống PNCT3; mô hình bạch đàn lai UP99 21; Mô hình bưởi an toàn; Mô hình gà Mía Lai; Mô hình bưởi Quế Dương. Những mô hình này dù là thử nghiệm xong đã đem lại kết quả khá khả quan.

Chương trình 135, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2016 và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác được triển khai đảm bảo tiến độ.

Dự án phát triển sản xuất với tổng kinh phí 3.895 triệu đồng đang được triển khai nhằm hỗ trợ hộ nghèo thuộc các thôn bản ĐBKK mua giống cây ăn quả, vật nuôi phục vụ sản xuất; đến nay các xã đã giải ngân được 2.624,956 triệu đồng, đạt 67,39% kế hoạch.

Với diện tích đất lâm nghiệp lớn, nên phát triển kinh tế rừng cũng là một trong những mục tiêu của huyện, nhất là phát triển rừng kinh doanh gỗ lớn bằng giống cây mô, hom.

Hiện nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số mô hình trồng rừng kinh tế chất lượng cao như ở: Tân Lập, Tân Mộc, Nam Dương… cho thu nhập 800 triệu đồng/ha/chu kỳ.

Riêng năm 2016, toàn huyện trồng mới được 1.943ha rừng kinh tế, vượt 62% so với kế hoạch. Trong đó, việc triển khai Đề án hỗ trợ gạo cho nhân dân trồng rừng thay thế nương rẫy từ năm 2014 đến nay đã phát huy tốt hiệu quả, tạo điều kiện để người dân yên tâm sản xuất, trồng và bảo vệ rừng. UBND huyện đã chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ 1.450 tấn gạo cho nhân dân trong năm 2016.

Xác định rõ mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, địa phương đã có nhiều chương trình hỗ trợ người dân trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhờ đó, hiện nay Lục Ngạn đã hình thành được tập đoàn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, với diện tích trên 26 ngàn ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap, hàng năm thu hoạch với giá trị gần 4 ngàn tỷ đồng.

Như năm 2016, sản lượng vải thiều đạt 91,5 ngàn tấn, giá trị đạt 2.013 tỷ đồng; nhãn đạt 7 ngàn tấn, giá trị đạt 105 tỷ đồng; sản lượng cây có múi như: bưởi, cam các loại đạt khoảng trên 30 ngàn tấn, giá trị trên 1 ngàn tỷ đồng; bên cạnh đó, diện tích một số loài cây mới như: Táo Đài Loan, Thanh long ruột đỏ cũng đang được mở rộng, cho hiệu quả kinh tế cao... Hiện nay, Lục Ngạn đang tích cực triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia”.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, theo thống kê từ năm 2011 đến nay, toàn huyện có hơn 8.522 hộ thoát nghèo. Lục Ngạn được đánh giá là địa phương có tỷ lệ hộ thoát nghèo cao nhất tỉnh và đang phấn đấu đến năm 2020, số hộ nghèo toàn huyện chỉ còn dưới 10%.

Duy trì bền vững kết quả giảm nghèo

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng Chủ tịch huyện Nguyễn Thanh Bình vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở cho hành trình phía trước như việc thực hiện các chính sách dân tộc còn một số hạn chế, khó khăn do vốn đầu tư dàn trải, thiếu tập trung, chồng chéo về chính sách hỗ trợ.

Từ những khó khăn, hạn chế trên, một trong mục tiêu được UBND huyện Lục Ngạn đề ra đó là: Thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, làm tốt công tác quản lý nhà nước về y tế. Chỉ đạo 2 xã thực hiện hoàn thành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020.

Tiếp tục huy động, đầu tư các nguồn lực để hoàn thiện hệ thống y tế trong huyện đạt chuẩn. Đặc biệt quyết liệt đấu tranh đẩy lùi các tiêu cực trong khám, chữa bệnh.

Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động y, dược tư nhân và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình BHYT toàn dân đến năm 2018.

Đối với công tác giảm nghèo tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án giảm nghèo. Thực hiện rà soát, thống kê hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan, dân chủ.

Tăng cường huy động các nguồn lực tập trung đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và lợi ích của cộng đồng; phấn đấu duy trì bền vững kết quả giảm nghèo.

“UBND huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án giảm nghèo. Thực hiện rà soát, thống kê hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan, dân chủ.

Tăng cường huy động các nguồn lực tập trung đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và lợi ích của cộng đồng; phấn đấu duy trì bền vững kết quả giảm nghèo”- ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều quyết sách giảm nghèo bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO