Nhiều thuận lợi khi xét tuyển theo nhóm

T. Trang 09/05/2017 08:35

Năm nay, theo Quy chế tuyển sinh mới, Bộ GD-ĐT tạo điều kiện tối đa cho thí sinh (TS) được chọn nhiều nguyện vọng. Các em cũng có quyền thay đổi nguyện vọng khi biết kết quả thi… Tuy nhiên về vấn đề xét tuyển thì lại khó khăn hơn do số ảo. Để giải quyết vấn đề này, ngày 8-5, tại ĐH Bách khoa Hà Nội, các trường khu vực phía Bắc đã tổ chức cuộc họp thành lập nhóm xét tuyển chung.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại buổi họp.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT: Quy chế năm nay cho TS được đăng ký nhiều nguyện vọng. Nhưng mỗi TS chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong danh sách TS đăng ký. Vì vậy, nếu các trường xét tuyển riêng lẻ sẽ rất khó xác định điểm chuẩn như thế nào cho phù hợp với chỉ tiêu của trường mình.

Việc các trường tham gia nhóm xét tuyển sẽ giúp các trường xác định được điểm chuẩn phù hợp. Bộ cũng sẽ cung cấp toàn bộ danh sách dữ liệu TS của miền Bắc, thậm chí cả nước để nhóm lọc ảo.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết có thể chia làm hai nhóm xét tuyển theo số liệu TS đã đăng ký. Nhóm phía Nam từ Quảng Bình trở vào, và nhóm phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra. Chỉ có giao thoa một chút số lượng ở miền Trung. Hiện hai nhóm này cũng đã hình thành họp với nhau, chuẩn bị phối hợp với nhau thực hiện công tác xét tuyển.

Hai nhóm này sẽ xét tuyển trong thời gian từ 25 đến 28/7 (25 nhập dữ liệu, 28 chạy phần mềm). Bước đầu tiên, trường chủ trì nhóm chạy toàn bộ dữ liệu các trường trong nhóm của mình. Như vậy sẽ cho ra điểm chuẩn dự kiến cho các trường, ví dụ ngành A 50 chỉ tiêu thì điểm chuẩn bao nhiêu là vừa…

Sau đó nhóm sẽ chạy phần mềm lọc ảo, lấy TS trúng tuyển cao nhất và chuyển về trường. Các trường xác định với nhau để thống nhất điểm chuẩn. Sau đó chuyển danh sách lên Bộ. Bộ lọc nhóm miền Nam và miền Bắc, để loại trừ. Và cuối cùng, mỗi TS chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất.

Việc xét tuyển này hoàn toàn chủ động của các trường và Bộ không can thiệp. Nhóm cũng không can thiệp. Các trường tự chọn điểm chuẩn phù hợp, tự điều chỉnh phù hợp theo các ngành nghề. Nhóm không vi phạm tự chủ các trường, chỉ xác định cho nhóm điểm chuẩn phù hợp.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc liên kết xét tuyển theo nhóm, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Việc hợp tác giữa các trường trong công tác đào tạo nói chung và tuyển sinh nói riêng là điều cần thiết và mang lại hiệu quả. Trong quá trình xét tuyển các trường chia sẻ thông tin, nhằm có được quy trình xét tuyển tốt nhất để năm 2017 giảm tỷ lệ TS ảo ngay từ đầu.

Cũng theo ông Sơn, việc chuẩn bị cho nhóm xét tuyển năm nay sẽ không phức tạp hơn năm trước. Năm nay theo quy chế tuyển sinh, các TS đăng ký nguyện vọng được thực hiện trước, toàn bộ cơ sở dữ liệu đã có trong phần mềm chung của Bộ, các trường chuẩn bị rõ yêu cầu trong nhóm ngành tuyển sinh. Nhóm kỹ thuật hỗ trợ cũng đang trong quá trình hoàn thành phần mềm xét tuyển. Hệ thống phần cứng cũng đã chuẩn bị từ năm 2016 và khá đơn giản, với số lượng 50 - 60 trường chạy trên phần cứng không có gì phức tạp…

Ông Sơn cho hay: Hiện ĐH Bách khoa Hà Nội đang hoàn thiện quy chế tham gia nhóm, đơn giản hơn năm ngoái, đến thời gian xét tuyển các trường sẽ thực hiện đúng quy trình. TS chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký theo quy định của Quy chế tuyển sinh 2017. Nếu TS trúng tuyển theo 1 nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét các nguyện vọng sau nữa. Điểm chuẩn trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ trên kết quả điểm thi của TS và chỉ tiêu đã được ấn định.

Nguyên tắc nhóm là tôn trọng tối đa quyền tự chủ của tất cả các trường, không ảnh hưởng đến quy định từng trường, đặc biệt là thang điểm. Việc thang điểm nào đưa ra hoàn toàn do các trường.

Quy trình xét tuyển không bắt buộc các trường chia ra nhỏ hay lớn vì nhóm xét tuyển chia sẻ thông tin và xử lý kỹ thuật giúp các trường. Các trường có thể ngồi với nhau chia sẻ về ngành riêng, ví dụ ngành Y…

Trước khi đưa vào xét tuyển các trường xây dựng đề án tuyển sinh thống nhất mã xét tuyển, mã xét tuyển theo ngành, nhóm ngành chuẩn. “Việc tham gia nhóm chuẩn bị không có gì nhiều. Quan trọng nhất là các trường phải thống nhất nguyên tắc để xác định điểm chuẩn trúng tuyển không mất quá nhiều thời gian” – ông Sơn nói.

Xét tuyển theo nhóm không ảnh hưởng tới thí sinh

Tại buổi họp nhóm xét tuyển chung miền Bắc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ: Việc tham gia xét tuyển chung như vậy hoàn toàn không ảnh hưởng quyền tự chủ của mỗi trường. Việc thành lập nhóm các trường có lợi và ngay TS cũng có lợi. Bởi khi các trường xác định được chuẩn điểm vào các ngành như vậy thì TS không bị trượt oan. Còn khi các trường không xác định được điểm chuẩn thì có thể TS ảo sẽ làm những TS khác bị trượt. Việc thành lập nhóm sẽ giúp các trường lọc được ảo trước trong nhóm mình.

Nhóm khu vực phía Bắc lọc khu vực phía bắc, nhóm phía Nam lọc khu vực phía Nam. Sau đó, dữ liệu của hai nhóm sẽ được đưa lên cổng thông tin của Bộ, và Bộ sẽ lọc những em dịch chuyển từ phía Bắc sang phía Nam, và ngược lại. Số lượng cần lọc cũng rất ít. Và như vậy, mỗi TS sẽ chỉ trúng tuyển 1 NV duy nhất vào hệ thống của trường trong cả nước, nên không còn ảo nữa.

Việc tuyển sinh theo nhóm, Bộ cũng đã hướng đến từ năm 2015. Khi đổi mới tuyển sinh Bộ cũng muốn các trường đứng ra lập nhóm để tuyển sinh không ảo và thuận lợi cho các trường. Nhưng khi ấy các trường chưa thấy được lợi ích của việc tuyển sinh theo nhóm.

Phương Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều thuận lợi khi xét tuyển theo nhóm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO