Nhiều trường hợp ủ bệnh khó đoán

T.Nguyên 26/05/2021 08:30

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh, một số trường hợp ủ bệnh dài, xét nghiệm tới lần thứ 3 mới dương tính, rất khó đoán.

Theo PGS Khuê, cho đến ngày 25/5, tỷ lệ bệnh nhận nặng trong đợt dịch thứ 4 chưa có nhiều thay đổi. Hiện mới chỉ có 1 bệnh nhân tử vong là ở độ tuổi còn trẻ, không rõ bệnh nền, có diễn biến viêm phổi nhanh; còn lại các bệnh nhân khác tử vong chủ yếu là do các bệnh nhân nặng bệnh nền, tuổi cao.

“Trong hơn nửa tháng qua với 2.000 bệnh nhân chúng ta chỉ ghi nhận 5 ca tử vong. Hiện chúng ta vẫn làm chủ được tình hình; tuy nhiên với diễn biến dịch hiện nay ở các khu công nghiệp, có sự gia tăng bệnh nhân đột biến vẫn phải hết sức cảnh giác, tập trung mọi biện pháp để cố gắng giảm tối đa tỷ lệ tử vong” - PGS Khuê nói đồng thời cho biết, theo tính toán, hiện tỷ lệ số bệnh nhân Covid-19 ít có biến chứng, cơ thể ít biến đổi, các biểu hiện sốt, mệt không nhiều, viêm phổi chưa biểu hiện vẫn chiếm khoảng 80%. Ngành y vẫn đang tập trung lớn điều trị cho khoảng 20% số ca mắc có diễn biến nặng còn lại; trong số này có khoảng 5% bệnh nhân biến chứng rất nặng.

Hiện, trên thế giới đã có cảnh báo về tỷ lệ lây lan nhanh và tỷ lệ virus làm cho người bệnh có diễn biến khó lường. Thực tế, vừa qua, có người dù đã xét nghiệm 2 lần âm tính nhưng đến lần 3 lại cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Điều này cho thấy, thời gian ủ bệnh dài, có lúc virus được phát hiện nhanh nhưng có lúc lại lâu hơn, rất khó đoán. Vì vậy, việc cách ly, theo dõi, quản lý ở các khu cách ly vô cùng quan trọng; nhất là ở các khu cách ly các trường hợp từ F1 nhảy lên F0 rất nhiều.

Qua việc rút kinh nghiệm từ việc điều trị các ca bệnh Covid-19, nhất là các ca nặng, tới đây, Bộ Y tế, Tiểu ban điều trị sẽ đưa vào hoạt động hệ thống “cảnh báo đỏ”. Hệ thống này sẽ giúp báo động cho các bác sĩ nếu có chuyển biến nặng ở bệnh nhân Covid-19.

“Chúng tôi cũng đang đưa vào ứng dụng các phần mềm, trí tuệ nhân tạo như: Tạo nên các ứng dụng giúp các bệnh viện sàng lọc các trường hợp F1 có nguy cơ chuyển thành F0; là công cụ hữu hiệu giúp phát hiện sớm F0. Bên cạnh đó, các biện pháp kỹ thuật, kinh nghiệm điều trị vừa qua cũng sẽ được cập nhật vào phác đồ, phương án điều trị; để có thể có phương án hỗ trợ cho tất cả các điểm điều trị trên cả nước qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều trường hợp ủ bệnh khó đoán

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO