Nhiều văn bản có dấu hiệu trái luật

K.Lê 18/01/2016 09:45

Năm 2015, toàn ngành đã xem xét 76.453 văn bản  trong đó, đã xử lý hơn 12.400 văn bản với các lỗi như hết hiệu lực, trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội.  Đây là những con số được Bộ Tư pháp công bố tại hội nghị hội nghị tổng kết năm mới đây. 

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, năm 2015, các Bộ và các cơ quan đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 1.003 văn bản. Công tác xây dựng, ban hành văn bản chi tiết cũng được quan tâm, chỉ đạo sát sao, chất lượng văn bản ngày càng được nâng lên với 120 văn bản được ban hành trong năm 2015, tăng 14 văn bản so với cùng kỳ năm trước. Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành năm 2015 là 3.241 văn bản quy phạm pháp luật, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan này chú trọng và tích cực thực hiện. Ước tính năm 2015, các Bộ, cơ quan địa phương đã tiếp nhận và kiểm tra theo thẩm quyền 42.357 văn bản. Kết quả kiểm tra 10 tháng đầu năm phát hiện 1.181 văn bản trái nội dung, thẩm quyền. Ngoài ra, có khoảng 3.500 văn bản khác sai về thể thức, kỹ thuật trình bày. Qua đó, đã kiến nghị xử lý 422 văn bản.

Đặc biệt, theo ghi nhận của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra), qua công tác kiểm tra theo chuyên đề (trọng tâm là các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng), đã phát hiện nhiều văn bản trái pháp luật, hoặc tự ý mở rộng thẩm quyền. Tại Bộ Tư pháp, tính đến hết năm 2015 cũng đã kiểm tra 2.391 văn bản; qua kiểm tra bước đầu phát hiện 44 văn bản sai về nội dung, thẩm quyền (chiếm 1,84% tổng số văn bản được kiểm tra).

Bên cạnh đó, tình trạng xin lùi, rút các dự án Luật khỏi Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội còn khá phổ biến; Việc nợ đọng văn bản hướng dẫn quy định chi tiết thi hành vẫn còn diễn ra. Tính đến cuối năm 2015 vẫn còn nợ 33 văn bản; số lượng văn bản bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật, Pháp lệnh rất ít, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thi hành các Luật này. Số lượng các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành, HĐND, UBND ban hành còn quá nhiều. Việc xử lý các văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật còn chậm hoặc chưa đạt yêu cầu, nhiều trường hợp gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân của tình trạng trên theo lý giải của lãnh đạo Bộ Tư pháp do nhiều bộ, ngành chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình xây dựng, thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản chưa thực sự chặt chẽ, kịp thời.

Bên cạnh đó, theo Bộ Tư pháp, trong nhiệm kỳ 2011-2015, nhất là từ khi triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, số lượng các luật, pháp lệnh do các bộ, cơ quan phải chủ trì xây dựng là rất lớn, đồng thời, số lượng văn bản quy định chi tiết phải xây dựng, ban hành nhiều. Chẳng hạn, riêng năm 2015, cần ban hành tới 230 văn bản (tăng 24 văn bản so với năm 2014).

Nội dung của nhiều dự án, dự thảo văn bản quy định những vấn đề mới, phức tạp, trong khi đó thời gian để xây dựng, ban hành văn bản là tương đối ngắn và việc tuân thủ quy trình xây dựng, thẩm định văn bản còn chưa nghiêm, nhất là ở các địa phương. Trong khi đó đội ngũ công chức làm công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát vắn bản quy phạm pháp luật còn ít, tính chuyên nghiệp chưa cao. Cùng với đó là việc kiện toàn các tổ chức pháp chế ở một số bộ, cơ quan, nhất là tại các địa phương còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều văn bản có dấu hiệu trái luật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO