Nhiều yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất cho vay

Thuý Hằng 19/08/2020 08:00

Tăng trưởng huy động đang cao hơn tăng trưởng cho vay, điều này đồng nghĩa nguồn vốn tại ngân hàng đang dư thừa. Đây được nhìn nhận là yếu tố để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.

Ngân hàng mong đẩy được vốn ra cho doanh nghiệp.

Ngân hàng thương mại phản ứng nhanh

Trong văn bản chỉ đạo triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu công tác điều hành chính sách tiền tệ phải taọ điều kiện hơn nữa để giảm nhanh mặt bằng lãi suất.

Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) bố trí nguồn vốn cần thiết để phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, hạn chế tín dụng đen. Các TCTD cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản.

Đặc biệt theo yêu cầu của thống đốc, các ngân hàng thương mại phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN về tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương - thưởng, lợi nhuận để tiếp tục hạ lãi vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp người dân góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch.

Động thái cũng như quan điểm của cơ quan quản lý là muốn giảm lãi suất. Tính ra tính từ đầu năm đến nay, NHNN đã 2 lần hạ trần lãi suất tiền gửi, nhằm giảm lãi suất cho vay từ đó hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Sau nhiều đợt giảm, mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp.

Tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV, lãi suất huy động giảm từ 0,1-0,2 điểm % ở các kỳ hạn, trong đó lãi suất kỳ hạn ngắn 1-2 tháng hiện chỉ còn 3,5%/năm.

Còn tại ngân hàng thương mại cổ phần mức lãi suất cũng tương đương. Chẳng hạn Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chi trả 3,15%/năm kỳ hạn 1 tháng

Chưa kể nhiều ngân hàng thương mại khác cũng không đứng ngoài, đã hạ lãi suất huy động. Chẳng hạn tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), với biểu lãi suất tiền gửi tại quầy các kỳ hạn 1 tháng (4%/ năm), 2 tháng (4,1%), 3 - 5 tháng (4,15%).

Thống kê của NHNN cho thấy, tính đến ngày 28/7 tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,45%, trong khi huy động đạt 5,31%. Như vậy, tăng trưởng huy động đang cao gấp đôi so với tăng trưởng cho vay, tạo nên sự dồi dào về thanh khoản tại hệ thống ngân hàng. Đây là một trong những điều kiện để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động.

Ông Nguyễn Quốc Hùng-Vụ trưởng Vụ Tín dụng các thành phần kinh tế cũng thừa nhận, mặc dù các TCTD đã triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng do nhu cầu tín dụng của khách hàng sụt giảm nên tín dụng những tháng đầu năm 2020 có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước.

Mặt bằng lãi suất có thể giảm thêm tuỳ từng phân khúc

Sau động thái giảm lãi suất cho vay ở các ngân hàng, các nhận định đưa ra khả năng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm tiếp trong tháng 8 nhằm chia khó cùng khách hàng bị ảnh hưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tái diễn ở Việt Nam.

Ông Ngô Quang Trung-Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bản Việt cho rằng, trong bối cảnh bức tranh khó khăn chung, khả năng hấp thụ vốn của DN chưa cao nên tăng trưởng tín dụng khó đẩy mạnh. Vì vậy, mặt bằng lãi suất còn có thể giảm thêm tùy phân khúc khách hàng, ngành nghề.

Bộ phận phân tích của chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, tăng trưởng tín dụng và chỉ số sản xuất công nghiệp và PMI đều tăng trưởng chậm lại là tín hiệu đáng chú ý cho thấy nền kinh tế, đặc biệt là ngành sản xuất vẫn đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

KBSV cũng dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay kì vọng tiếp tục giảm trong thời gian tới với 3 yếu tố chính: Kì vọng điều chỉnh lãi suất điều hành; thanh khoản trong hệ thống dự báo tiếp tục dư thừa trong 6 tháng cuối năm và NHNN dự kiến sẽ cho phép giãn lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giúp giải tỏa áp lực cơ cấu nguồn vốn huy động của ngân hàng.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định rằng trong bối cảnh thanh khoản dồi dào cùng lạm phát được kiểm soát là cơ sở để lãi suất tiền gửi có thể điều chỉnh theo xu hướng giảm.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giãn nợ, giảm lãi suất nhiều hơn, mở rộng hạn mức cho vay đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh uy tín.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất cho vay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO