Nhìn lại một năm của sân khấu Việt

Hoàng Minh 09/02/2023 22:29

Tối 9/2, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức lễ trao giải thưởng sân khấu năm 2022 và triển khai công tác nhiệm vụ khu vực phía Bắc.

Đến dự buổi lễ có PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo các hội nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương, lãnh đạo một số ban, ngành và đông đảo các nghệ sĩ sân khấu nhiều thế hệ đã đến dự chương trình.

Chương trình nghệ thuật chào mừng. Ảnh: Quang Tấn

Phát biểu tổng kết, TS. Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bày tỏ, trong gần 20 năm trở lại đây, chưa năm nào đời sống sân khấu lại nhộn nhịp, bận rộn, sôi động, gấp gáp và phục vụ nhiều đối tượng khán giả như năm 2022. Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19, ngày 15/3/2022 chúng ta mới trở lại cuộc sống bình thường mới. Khoảng thời gian còn lại của năm chỉ còn hơn 9 tháng, thế nhưng đã diễn ra 8 cuộc thi, liên hoan nghệ thuật sân khấu, trong đó có 2 cuộc quốc tế và 7 cuộc tổ chức với quy mô toàn quốc.

Trong số 130 tác phẩm tham dự các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức năm 2022, đã có 3 tác phẩm đạt Giải Xuất sắc, 27 tác phẩm đạt Huy chương Vàng và 32 tác phẩm đạt Huy chương Bạc. Kết quả trên đã phần nào phản ánh sinh động về giá trị tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, hình thức thể hiện của sân khấu Việt Nam năm 2022.

TS. Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phát biểu tổng kết.

Nhìn lại 1 năm của ngành sân khấu Việt Nam, TS.Nguyễn Đăng Chương cũng cho rằng, năm 2022 là năm đánh dấu sự xóa bỏ khoảng cách về chất lượng nghệ thuật giữa các đơn vị nghệ thuật công lập và ngoài công lập. Nói cách khác, chất lượng nghệ thuật của tác phẩm do các đơn vị xã hội hóa sáng tạo đã có sự bứt tốc mạnh mẽ, thay đổi toàn diện về lượng và chất, những thay đổi ấy đã tạo nên sự ngạc nhiên đến khó tin đối với những đơn vị đang được đầu tư mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước.

Ở đó, theo Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhìn nhận, những năm trước đại dịch, nếu nói đến những chuyện tình tay ba, chuyện ma mị, chuyện cười, thậm chí có cả những cảnh nóng, cảnh cướp giết rùng rợn trên sân khấu ngày hôm nay… Những cốt truyện đó đã lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho kịch chính luận, tâm lý xã hội, kịch luận đề, các câu chuyện về lịch sử, danh nhân.

Các nghệ sĩ hoạt động theo mô hình xã hội hóa đã nhanh nhạy nắm bắt, dự báo nhu cầu hưởng thụ của khán giả, thay đổi khuynh hướng sáng tạo để kéo khán giải trở lại sân khấu bằng chính chất lượng của tác phẩm. Sự thành công nhiều mặt của sân khấu ngoài công lập trong năm 2022 minh chứng cho định hướng chuyển đổi mô hình hoạt động trong các đơn vị nghệ thuật công lập của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của xã hội trong cơ chế thị trường; có tác động tích cực vào nhận thức và tư duy của những người đang hoạt động sáng tạo nghệ thuật bằng nguồn kinh phí do Nhà nước bao cấp.

2022 là một năm ghi nhiều dấu ấn của sân khấu Việt Nam. Ảnh: Quang Tấn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vẫn cho rằng, sân khấu trong nhiều năm qua và năm 2022 vô cùng thiếu vắng những tác phẩm đề cập về đề tài đương đại, về những vấn đề nóng bỏng đang tác động nhiều mặt, làm thay đổi con người và đời sống xã hội trong thời kỳ hội nhập. Thực trạng này bộc lộ rõ nền sân khấu của chúng ta đang bị khủng hoảng lớn lực lượng tác giả, một thành phần sáng tạo vô cùng quan trọng của nghệ thuật sân khấu. Đội ngũ tác giả sân khấu hiện tại thiếu về lượng, yếu về chất. Vấn đề này đã diễn ra nhiều năm, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đều biết nhưng chưa tìm được giải pháp khắc phục.

Có 130 tác phẩm tham dự các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức năm 2022. Ảnh: Quang Tấn

Cũng tại buổi lễ, BTC đã trao giải A cho 4 vở diễn, gồm: “Đất liền và biển cả”, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai (Đoàn cải lương Hải Phòng); “Mưa đỏ”, đạo diễn, NSND Lê Hùng (Nhà hát kịch nói Quân đội); “Đất liền và biển cả”, đạo diễn, NSND Trương Hải Thọ (Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa) và “Cô Thần”, đạo diễn, NSND Nguyễn Hoài Huệ (Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định).

Bên cạnh đó, BTC cũng trao 4 giải thưởng cho các cá nhân xuất sắc, gồm: Giải Họa sỹ xuất sắc cho NSƯT Nguyễn Đạt Tăng (Hà Nội); Giải Đạo diễn xuất sắc cho NSƯT Trịnh Mai Nguyên (Nhà hát Kịch Việt Nam); Giải Biên đạo múa xuất sắc cho nghệ sỹ Hoài Anh (Nhà hát Chèo Hà Nội); Giải Nhạc sỹ xuất sắc cho NSƯT Tuấn Hải (Nhà hát Chèo Việt Nam). Ngoài ra, BTC cũng đã trao nhiều hạng mục giải thưởng khác, gồm: 6 vở diễn đoạt giải B; 1 giải A cho sách nghiên cứu lý luận phê bình; 3 giải B cho tác giả kịch bản, sách nghiên cứu lý luận phê bình; 7 giải C, 2 giải Khuyến khích cho tác giả kịch bản; 10 giải cho các diễn viên xuất sắc…

Sẽ có nhiều Liên hoan, Cuộc thi sân khấu được tổ chức trong năm 2023. Ảnh:Quang Tấn

Tại Lễ trao giải, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cho biết, sang năm 2023, Ban chấp hành Hội quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ then chốt của toàn khóa tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hoạt động liên hoan như: Phối hợp với cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các cuộc thi Tài năng Diễn viên Tuồng và Dân ca kịch, chèo, cải lương, kịch nói, độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức giải Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền; phối hợp với Hội Liên hiệp cộng đồng người Việt tại Châu Âu, xây dựng đề án tổ chức Liên hoan giọng hát hay 3 miền cho cộng đồng người Việt Nam tại Châu Âu.

Bên cạnh đó, Hội sẽ phối hợp với các cơ quan, ban ngành và địa phương tổ chức Liên hoan sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ hai tại Trà Vinh (dự kiến vào tháng 4/2023); Liên hoan sân khấu về đề tài thiếu nhi vào tháng 6/2023; Liên hoan Ảo thuật toàn quốc (dự kiến tổ chức vào tháng 10) tại Thành phố Hồ Chí Minh; Tổ chức Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu (tuồng, dân ca, chèo, cải lương, kịch, rối, xiếc) năm 2023, dự kiến tại các tỉnh Hà Nam, Đà Nẵng, Bạc Liêu; Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Hội cũng sẽ tổ chức các trại sáng tác, các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho các nghệ sỹ, phát động sáng tác đề tài chiến tranh cách mạng hướng tới 50 năm thống nhất đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhìn lại một năm của sân khấu Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO