Nhớ Kim Lân qua ‘Người kép già’

Thư Hoàng 21/03/2021 09:30

Tin nhà văn Kim Lân (1920-2007) được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh không khiến nhiều người bất ngờ.

Bởi lâu nay, dù viết ít, nhưng Kim Lân đã sớm khẳng định vị trí của mình trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm của ông, như “Làng”, “Vợ nhặt”, “Con chó xấu xí,” “Ông lão hàng xóm”… đã được nhiều thế hệ độc giả yêu thích.

Mới đây, những tác phẩm ấy một lần nữa đến với độc giả qua ấn bản kỷ niệm 100 năm sinh của nhà văn Kim Lân. Đó là cuốn tuyển tập truyện ngắn và truyện vừa mang tên “Người kép già” do Đông A và NXB Hội Nhà văn ấn hành. Cuốn sách mang tới cho độc giả 18 tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Kim Lân cùng 18 minh họa của con trai cả của nhà văn - họa sĩ Thành Chương.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, “những tác phẩm trong cuốn sách này của ông là những câu chuyện đời sống của gần một thế kỷ trước. Nhưng tất cả vẫn như vừa diễn ra”. Đó có thể là những trang viết đau đáu hiện thực với cảnh làng quê Bắc bộ trong sự bủa vây của cái đói, cái nghèo, với những phận người nhiều đau khổ, như trong “Đứa con người vợ lẽ”, “Đứa con người cô đầu”, “Vợ nhặt”…

Đó cũng có thể là lát cắt về cái đẹp của một thời quá vãng với những “nghề chơi” đòi hỏi lắm công phu như nghề chơi chó săn, chọi gà, chơi chim… hay những dấu ấn văn hóa như tuồng cổ… trong “Người kép già”, “Đôi chim thành”, “Con Mã Mái”… Muộn hơn, là những trang viết về cách mạng, về cải cách ruộng đất với không ít đớn đau nhưng cũng không thiếu niềm tin, trong “Làng”, “Nên vợ nên chồng”…

Đặc biệt, trong số 18 truyện ngắn và vừa, có hai tác phẩm thường được coi là dành cho thiếu nhi, đó là “Ông Cản Ngũ” và “Anh chàng hiệp sĩ gỗ”. Đây là hai tác phẩm lấp lánh ánh sáng nhân văn đẹp đẽ, với hình ảnh con người luôn trong tư thế vươn lên, hướng thiện, đầy mạnh mẽ và kiêu hãnh.

“Ngôn ngữ và những thông điệp chứa đựng bên trong những câu chuyện của nhà văn Kim Lân vẫn rực ấm như một dòng máu chảy trong cơ thể thời gian mà những người đương thời đang sống trong đó. Mọi hình thức xã hội luôn thay đổi nhưng bản chất của kiếp người không thay đổi, mọi ngôn ngữ có thể thay đổi nhưng bản chất của tình yêu thương con người và cái Thiện không hề thay đổi. Văn chương của nhà văn Kim Lân thuộc về những điều không thể thay đổi ấy” - nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ Kim Lân qua ‘Người kép già’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO