Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển

Khái Trân 20/11/2018 08:00

Chúng tôi trở lại cửa biển Vàm Lũng thuộc ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) vào trung tuần tháng 11 để tận mắt chứng kiến những hoạt động mưu sinh. Bất chấp nguy hiểm luôn rình rập, người dân vẫn bám trụ bên những căn chòi lá tạm bợ, khai thác nguồn lợi thuỷ sản khi bắt đầu mùa mưa.

Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển

Những căn chòi tạm bợ, chông chênh nơi cửa biển.

Rừng mất, mưu sinh nhọc nhằn

Trên một chiếc xuồng, chúng tôi cùng ông Tăng Quốc Đoàn (52 tuổi) ngụ tại ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển vượt sóng hướng ra ngoài khơi, đích đến cách đất liền khoảng 600m, nơi diễn ra các hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân. Chiếc xuồng rời bờ khoảng gần 500m, ông Đoàn chỉ về vùng nước mênh mông, nhớ lại: Khu vực này, khoảng 20 năm về trước còn là rừng đước, hồi trẻ nhiều lần ông cùng nhóm bạn và du khách thập phương tìm đến để khám phá. Hiện vẫn còn một vài bụi mắm nằm trơ trọi giữa vùng nước mênh mông: “Đó, thấy không, mắm cây nào cây ấy lớn cỡ đó mà vẫn không ngăn được sạt lở” - ông Đoàn nói.

Những năm qua, vùng đất cửa biển Cà Mau phải hứng chịu nhiều đợt sóng ăn sâu vào đất liền. Sạt lở cuốn phăng rừng đước, nếu sự việc tiếp diễn, trong tương lai đất rừng sẽ chẳng còn, thay vào đó là vùng nước mênh mông. Hiện nhiều nhánh sông đổ ra cửa biển Vàm Lũng bị sạt lở rất nghiêm trọng, có nơi sạt lở vào sát chân đê biển, đe dọa đến cuộc sống của người dân cũng như diện tích nuôi trồng thủy sản.

Ông Huỳnh Văn Xê - Trưởng ban Quản lý rừng Phòng hộ Kiến Vàng cho biết, trên địa bàn xã Tân Ân hiện có rất nhiều cửa biển như: Hóc Năng, Vàm Lũng, Nhà Phiếu, Nhà Diệu...đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng. “Hàng năm, tại các cửa biển, sóng cuốn trôi cả chục mét đất rừng phòng hộ xung yếu. Trong đó, cửa biển Vàm Lũng bị thiệt hại nặng nề nhất. Nguyên nhân sụp lún, sạt lở là do chân đê biển yếu nền đất trũng, thấp nên khi chịu tác động của sóng biển dẫn đến sạt lở là điều không tránh khỏi” - ông Xê nói.

Rừng phòng hộ ở khu vực cửa biển bị mất dần, dẫn đến chỗ mưu sinh của bà con ngư dân cũng không còn, họ đành phải chuyển ra ngoài khơi để đánh bắt hải sản. Có ra tận nơi chứng kiến những hoạt động mưu sinh đánh bắt ở đây mới thấy họ vất vả nhường nào. Nhiều thanh niên da đen sạm, cần mẫn thả lưới trên những chiếc xuồng nhỏ chông chênh thấy tính mạng của họ mỏng manh trước biển cả. “Ở vùng biển giông gió bất chợt khó mà trở tay kịp. Biển muôn đời như vậy, hiền hoà và hung tợn, mang sản vật nguồn sống cho ngư dân, nhưng cũng cướp đi người thân của nhiều gia đình…” - ông Đoàn nói như thở dài.

Đánh cược sinh mạng

Chưa kịp quan sát nhiều hoạt động ở ngoài khơi thì chúng tôi nhận được dự báo chuẩn bị có trận mưa, sóng lớn nên phải nhanh chóng di chuyển vào bờ. Vào đến bờ, chạy dọc hai bên triền sông ở cửa Vàm Lũng, những căn chòi lá tạm bợ mọc san sát nối đuôi nhau. Đây là nơi trú ngụ của hàng chục hộ dân sống bằng nghề đăng bắt cá kèo giống. Cơn mưa trút xuống, chúng tôi tấp vội vào một căn chòi nằm chênh vênh ở cửa Vàm Lũng; đây là nhà của vợ chồng anh Lâm Văn Thông và chị Lê Thị Loan (41 tuổi).

Anh Thông cho biết, những năm gần đây khu vực này là rừng phòng hộ, có nguy cơ sạt lở cao nên chính quyền địa phương không cho người dân lập chòi để ở. Vẫn biết ở như vậy là sai quy định, nhưng người dân đành bấu víu để có chỗ mưu sinh. “Thật sự, chúng tôi rất sợ mỗi khi có lực lượng chức năng đến kiểm tra. Biết rằng, dựng chòi tạm trong khu vực rừng phòng hộ để đăng bắt cá giống ven biển là sai quy định, nhưng chúng tôi ráng mưu sinh để có cái ăn, cái mặc cho tụi nhỏ” – chị Loan nói.

Gia đình anh Thông cũng như nhiều hộ dân khác sinh sống ở đây chấp nhận bị chính quyền địa phương phạt hành chính, để bám trụ mưu sinh. Cách nhà anh Thông không xa là căn chòi lá bán nước giải khát của chị Lê Ngọc Giàu (30 tuổi), có cả gần chục đứa trẻ từ 3 đến 10 tuổi đang vui đùa với nhau. Chị Giàu chia sẻ: “Đây là con cái của mấy người trong xóm gửi chỗ tôi, ba mẹ nó ra biển hết rồi, tối mịt mới về”.

Nguy hiểm vẫn luôn rình rập, chực chờ những hộ dân sinh sống ở cửa Vàm Lũng, nhất là trong mùa mưa bão, nền đất trũng thấp, rất yếu, có thể sạt lở và sập bất cứ lúc nào. Ông Huỳnh Văn Xê - Trưởng ban Quản lý rừng Phòng hộ Kiến Vàng, cho biết thêm: Đây là thời điểm bước vào mùa mưa bão, việc bắt buộc các hộ dân sống trong khu vực di dời dể đảm bảo tính mạng và tài sản là rất cần thiết.

Đã đến lúc ngành chức năng của tỉnh cần quyết tâm di dời những hộ dân vào nơi an toàn khi mùa mưa bão cận kề, tạo công ăn việc làm ổn định để họ đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Có như vậy mới ngăn chặn nạn đào xới, xây cất trái phép nhà ở tại các khu vực rừng phòng hộ xung yếu và nạn đánh bắt cá non trái pháp luật đáng báo động như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO