Nhọc nhằn thương hiệu

Thúy Hằng (thực hiện) 06/08/2017 08:05

Một trong những yếu tố để doanh nghiệp hội nhập thành công tác chính là việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng ý thức được điều này. Báo Đại Đoàn Kết ghi nhận một số ý kiến chuyên gia kinh tế, cũng như phía cơ quan quản lý.

Ông Lê Ngọc Lâm.

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KHCN: Đăng ký rồi... để đấy

Ý thức của doanh nghiệp (DN) là vấn đề đầu tiên tôi muốn nói tới. Không ít DN ở ta đăng ký sở hữu trí tuệ rồi để đấy, hoặc là đăng ký để sử dụng nhưng không hề quan tâm nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ của mình có vướng mắc gì trên thị trường. Một số DN đang gặp phải tình huống bị DN khác sử dụng trái phép quyền sở hữu trí tuệ.

Hay DN làm ăn chân chính thì gặp sản phẩm nhái, sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tràn lan trên thị trường. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng niềm tin khách hàng, và rồi ảnh hưởng đến chính tương lai của DN.

Điều tôi muốn nói nữa là đường biên giới của chúng ta tương đối dài, các đường mòn lối mở cũng khiến cho điều kiện các sản phẩm làm giả từ bên ngoài tuồn vào trong nội địa ảnh hưởng đến DN. Chúng tôi luôn luôn phối hợp cùng cơ quan chức năng thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, đưa ra ý kiến chuyên môn giúp doanh nghiệp nhanh chóng có kết luận. Trên cơ sở đó giúp DN thực thi quyền của mình để bảo vệ chính mình, bảo vệ sản phẩm của mình.

Số lượng đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ của DN Việt Nam chỉ chiếm 15% tổng số đơn nộp đến Cục mỗi năm, còn lại là của các DN nước ngoài. Đặc biệt, DN Việt Nam rất ít đăng ký bảo hộ giải pháp công nghệ trong khi đây là yếu tố giúp tạo ra sự bùng phát công nghệ để giảm chi phí, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Đây cũng là lý do dẫn đến thực trạng nhiều DN Việt đã sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao nhưng khi xuất ngoại vẫn phải núp dưới tên của các thương hiệu có giá trị trên thế giới mới có thể vào được thị trường quốc tế.

Ông Đỗ Kim Lang.

Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Phó Tổng Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia: Gắn thương hiệu với chỉ dẫn địa lý

Việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động phát triển thương hiệu, thông qua phối hợp các chương trình và hoạt động tương đồng về mục tiêu và nội dung của các Bộ, ngành nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực. Cụ thể Chương trình Thương hiệu quốc gia sẽ giúp cộng đồng DN Việt Nam nâng cao nhận thức và năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm.

Lựa chọn các thương hiệu tiêu biểu của Việt Nam để hỗ trợ và phát triển theo các giá trị chất lượng - đổi mới sáng tạo và năng lực tiên phong sẽ quảng bá hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị này ở thị trường trong nước, thị trường thế giới tới các đối tượng mục tiêu. Việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, trên cơ sở phối hợp giữa thương hiệu sản phẩm và chỉ dẫn địa lý/thương hiệu địa phương là vô cùng quan trọng trong tình hình hiện nay.

Việc xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu không phải đến bây giờ mới được các cơ quan quản lý cũng như các DN coi trọng. Nhưng hiệu quả chưa cao. Chính vì thế, những tồn tại và bất cập trong công tác này cần nhanh chóng được hoàn thiện về mặt chính sách, kết hợp với việc tuyên truyền vận động cần phải thiết thực và hiệu quả hơn nữa. Chỉ khi đó, thương hiệu DN Việt Nam mới thực sự bền vững và phát huy được giá trị tại thị trường trong nước, thị trường thế giới trong xu hướng hội nhập toàn cầu mạnh mẽ.

Ông Damar Dixit.

Ông Damir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương: Tài sản khấu hao, thương hiệu thì không

Các thương hiệu của Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển rất nhanh chóng. Về phương diện quốc gia, Việt Nam đứng thứ 48 trên bảng giá trị thương hiệu quốc tế với trị giá 141 tỉ USD. Một số DN Việt Nam đã thành công khi có giá trị thương hiệu. Ví dụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thu được trên 76 triệu USD trong 2 năm 2015-2016 từ giá trị thương hiệu.

DN có thể làm ăn lỗ lãi từng thời kỳ nhưng giá trị thương hiệu luôn là con số dương, các tài sản của công ty đều khấu hao, trừ thương hiệu. Ở Mỹ, một tập đoàn nổi tiếng là Leman đã phá sản hoàn toàn, không còn chút giá trị kinh doanh nào. Nhưng nhà đầu tư muốn sử dụng thượng hiệu Leman vẫn phải trả tiền.

Hiện nay, 47% giá trị các công ty trên thế giới là tài sản vô hình, không nằm trong bảng tổng kết tài sản. Muốn định giá các công ty chưa lên sàn chứng khoán, bên cạnh các giá trị được ghi nhận trên báo cáo tài chính còn phải cộng thêm trung bình 25% nữa ở tài sản vô hình, trong đó có giá trị thương hiệu mới là giá trị chính thức của công ty đó.

Ông Đặng Quyết Tiến.

Ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính: Giá trị tăng dần trong tương lai

Những DN khi bắt đầu khởi nghiệp thành lập, xác định tên của mình, bảo vệ tên của mình bằng cách đăng ký với cơ quan quản lý là Cục Sở hữu trí tuệ. Nhà nước sẽ giúp DN bảo vệ được tên DN, bảo vệ được sản phẩm.

Theo tôi sở hữu trí tuệ là một trong những biện pháp để bảo vệ DN của mình phát triển bền vững. Khi Đảng, Nhà nước khuyến khích DN khởi nghiệp mà khởi nghiệp thì chúng ta đi lên bằng ý tướng sáng tạo. Do vậy những giải pháp sáng tạo càng cần được bảo vệ. Chính phủ đồng hành cùng DN, khi DN xây dựng thương hiệu, không phân biệt DN lớn hay nhỏ, những DN nào đưa giá trị hàng hóa Việt Nam đi lên thì chúng ta có chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển.

Qua các chuyên gia của quốc tế, ta thấy rằng khi DN có thương hiệu rồi thì phải chăm bẵm nó. Nói khái quát hơn quản trị DN thì phải quản trị thương hiệu. Giá trị thương hiệu là giá trị gia tăng hữu hình và đồng hành cùng giá trị DN. Chúng ta lớn mạnh trưởng thành thì chúng ta có vị thế nhất định. DN làm tốt quản trị thì giữ được giá trị thương hiệu. Và trong quá trình đó chúng ta quên đi thương hiệu thì mất đi giá trị.

Quyền sở hữu trí tuệ đã quy định rõ: Khi chúng ta đăng ký quyền sở hữu trí tuệ mất phí nhưng nó là vốn góp kinh doanh. Khi đăng ký rồi thì pháp luật Việt Nam đứng ra bảo vệ tên sản phẩm đó, ý tưởng kinh doanh đó. Cần nhớ rằng, quyết tâm xây dựng thương hiệu thì cũng có nghĩa là chúng ta tính đến tài sản có giá trị tăng dần trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn các ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhọc nhằn thương hiệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO