Nhồi nhét nội đô

Tinh Anh 23/03/2021 10:30

UBND TP Hà Nội vừa giao Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện tham mưu, đề xuất phương án cải tạo các chung cư cũ trên địa bàn. Đây là điều đáng mừng cho cư dân của gần 1.600 chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội, song lại là nỗi lo của hầu hết người Hà Nội khi hạ tầng xã hội sẽ tiếp tục bị quá tải hơn nữa.

Dù giao cho cấp dưới tham mưu, đề xuất phương án cải tạo các chung cư cũ, nhưng UBND TP Hà Nội lại đưa ra định hướng nên làm thế nào. Theo “gợi ý” của UBND TP Hà Nội, khi xây dựng các đề án quy hoạch chi tiết cải tạo chung cư cũ theo tỷ lệ 1/500, cần đảm bảo tăng đối đa tầng cao và hệ số sử dụng đất, ưu tiên khai thác kinh doanh thương mại dịch vụ, nhà ở thương mại...

Điều đó có nghĩa, trên nền các chung cư cũ sẽ lại mọc lên các “cao ốc” phức hợp (kinh doanh dịch vụ xen lẫn với nhà ở thương mại), hoặc thuần túy làm nhà ở thương mại để bán. Và như vậy cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm rất nhiều cư dân sẽ được “nhồi” vào trong nội đô, bất chấp hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học hiện đã quá tải.

Theo thống kê được các cơ quan chức năng công bố, hiện mức tăng dân số cơ học của Hà Nội trung bình mỗi năm là khoảng hơn 200.000 người, tương đương việc phát sinh thêm cả một “huyện người”. Trong khi đó, hạ tầng xã hội thì không thể cơi nới, làm thêm do thiếu quỹ đất. Đó là lý do ùn tắc giao thông trong nội đô ngày càng nghiêm trọng.

Và thay vì nhìn thẳng vào sự thật là quy hoạch thiếu đồng bộ, tầm nhìn hạn hẹp, “nhồi” quá nhiều chung cư cao tầng vào trong nội đô dẫn đến ùn tắc và TNGT, người ta cứ loanh quanh đổ lỗi hết cho xe máy, lại đến ý thức người dân, rồi đến rượu bia... Chính vì xác định không đúng nguyên nhân nên vấn nạn ùn tắc không thể giải quyết được.

Nay, có vẻ như lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã nhìn ra nguyên nhân thực sự của vấn nạn ùn tắc và TNGT ngày một trầm kha trên địa bàn. Điều đó được thể hiện từ việc UBND TP đã bắt đầu “rậm rịch” việc di dân ra khỏi các quận nội thành, nhất là phố cổ, để giảm tải cho giao thông, bệnh viện, trường học... Hy vọng kế hoạch lần này suôn sẻ, bởi trước đó cũng đã có dự án giãn dân tại quận Hoàn Kiếm, nhưng rồi không thực hiện được.

Trong lúc đang lên kế hoạch giãn khoảng 215.000 dân ra khỏi 4 quận nội thành, Hà Nội lại chỉ đạo cải tạo các chung cư cũ theo hướng tăng đối đa chiều cao và hệ số sử dụng đất, chủ yếu kinh doanh dịch vụ và nhà ở thương mại. Như vậy có khác gì việc một số bộ, ngành cắt giảm được 1 thủ tục hành chính lại “đẻ” ra hai “giấy phép con”?

Nếu như dự định di dân tại 4 quận nội thành Hà Nội được quyết tâm thực hiện, triển khai thành công chứ không chỉ nằm trên giấy như dự án giãn dân tại quận Hoàn Kiếm cách đây khoảng hơn chục năm, thì cũng chỉ bớt được 215.000 dân. Trong khi đó, hiện có tới hàng trăm chung cư cũ tại các quận nội thành, nếu được cải tạo theo “định hướng” của UBND TP Hà Nội, thì số dân tăng lên sẽ gấp nhiều lần con số đã di dời.

Đó là chưa kể, với việc ưu tiên khai thác tối đa các loại hình kinh doanh thương mại dịch vụ sẽ phát sinh thêm rất nhiều vấn đề khác cần quan tâm như hạ tầng giao thông (cả tĩnh và động), an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy... Với quỹ đất gần như đã cạn như hiện nay, nếu lại nhồi thêm các cao ốc như vậy e rằng Hà Nội sẽ hơn cả quá tải.

Khi mà hạ tầng giao thông không thể tốt hơn, khi mà không thể có thêm bệnh viện, trường học, cùng với đó sức chứa của nhà ga, bến xe vẫn giữ nguyên, việc tiếp tục quy hoạch thêm nhiều chung cư cao tầng trong nội đô là đi ngược lại nỗ lực giảm tải hạ tầng xã hội, khiến cuộc sống người dân càng thêm bức bối, khổ sở.

Bài học nhãn tiền về việc ngồi nhét cao ốc phức hợp, chung cư cao tầng tại một số tuyến đường phía Tây và phía Nam thành phố vẫn còn rõ nét từng ngày, từng giờ, trong mỗi chuyến đi làm, tan ca của người Hà Nội. Chỉ có khoảng chục cây số mà phải di chuyển trong vòng ít nhất là 1 tiếng đồng hồ, như vậy không chỉ là lãng phí thời gian, công sức của người dân, mà còn thiệt hại kinh tế - xã hội của đất nước.

Nếu lãnh đạo Hà Nội thấu được vấn đề đó, thay vì cứ “quyết” một cách cảm tính, tiếp tục nhồi thêm người vào nội đô, thì cần tính toán kỹ lưỡng để thành phố không bị ngày càng quá tải. Mọi nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội đều là để phục vụ mục tiêu đời sống người dân ngày một tốt hơn. Song, nếu cứ nhồi mãi, e rằng người Hà Nội sẽ ngộp thở mà “ngất”, chẳng còn đợi được đến cái ngày cuộc sống sung sướng hơn như kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhồi nhét nội đô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO